Thứ hai, 27.08.2018 GMT+7

CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG CỦA TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Một trong những khuyết tật của Kinh tế thị trường là sự phân hóa giàu nghèo. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, kết quả: tổng số hộ nghèo trên cả nước là 1.986.697 hộ (chiếm tỷ lệ 8,23%), tổng số hộ cận nghèo là 1.306.928 hộ (chiếm tỷ lệ 5,41%).

Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi có 34 dân tộc cùng sinh sống. Ngày 28/12/2018 Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 3632/QĐ-UBND về việc phê duyệt số lượng, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017. Theo đó, số lượng, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Phú Thọ năm 2017 như sau: Tổng số hộ nghèo là 35.247/396.035 hộ, chiếm 8,9% tổng dân số toàn tỉnh; tổng số hộ cận nghèo là 29.510/396.035 hộ, chiếm 7,45% tổng dân số toàn tỉnh.

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững và đã thu được những kết quả sau:

Giai đoạn 2011-2015, với sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vươn lên của người nghèonên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 7,89% (năm 2015)vượt mục tiêu, về đích trước 01 năm; huyện nghèo Tân Sơn giảm còn 19,81% (năm 2015).Thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thông tin truyền thông đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.100% số người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao.100% con em hộ nghèo được hỗ trợ miễn giảm học phí và các khoản đóng góp theo quy định. Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo: đảm bảo hầu hết người nghèo có nhu cầu được vay vốn với mức vay đáp ứng chu kỳ phát triển sản xuất. Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện đúng quy trình và thủ tục cho vay, thu hồi vốn, phù hợp với đối tượng là người nghèo (giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi là 1.381 tỷ đồng)hoàn thành xoá nhà tạm cho 13.080 hộ.

Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng,Nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, hoàn thành tốt việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, đưa Phú Thọ cơ bản ra khỏi tỉnh nghèo. Điều kiện sống của người nghèo đã được cải thiện rõ rệt, một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng: nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững của Phú Thọ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện hạn hẹp; khả năng huy động nguồn vốn xã hội hoá khó khăn. Việc lồng ghép các các nguồn lực tuy đạt khá, nhưng vẫn còn phân tán; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách cấp trên vẫn còn; hiệu quả việc tổ chức tự quản lý, khai thác sử dụng các công trình sau đầu tư của cộng đồng còn hạn chế.

Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định chưa nghiêm, nội dung báo cáo chưa đầy đủ; Công tác giám sát, đánh giá, nhân rộng mô hình giảm nghèo chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả còn thấp.

Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Các chính sách giảm nghèo chậm được hướng dẫn hoặc sửa đổi cho phù hợp, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo tại một số địa phương còn lúng túng, vẫn còn tình trạng nể nang, chưa làm tốt công tác tuyên truyền và chưa kiên quyết trong công tác điều tra, rà soát và bình xét hộ nghèo dẫn đến tình trạng còn sai, sót hộ nghèo; việc quản lý số liệu hộ nghèo tại một số xã chưa thật chặt chẽ.

Để công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt kết quả tốt, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm (huyện Tân Sơn giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình, tăng thu nhập nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

Phấn đấu đến năm 2020, huyện Tân Sơn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Đảm bảo thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số bằng 70% thu nhập bình quân chung của tỉnh.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân:

Phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Phấn đấu 70% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số; từ 80% - 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 64,8% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới.

Thu nhập của hộ gia đình tham gia mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; Tỷ lệ hộ tham gia dự án thoát nghèo 15%.

Hỗ trợ đào tạo nghề và tư vấn định hướng nghề cho 1.000 lao động (của huyện Tân Sơn) thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó từ 60%-70% lao động đi làm việc ở nước ngoài.

100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch giảm nghèo, kế hoạch phát triển cộng đồng có sự tham gia của người dân, trong đó có người nghèo.

100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; 90% hộ dân thuộc địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh; 85% các xã nghèo có các điểm thông tin, tuyên truyền cổ động (bảng tin) ngoài trời; 80% cán bộ đài truyền thanh cơ sở được trang bị phương tiện tác nghiệp phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền.

90% trở lên số hộ gia đình được xem truyền hình; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng các kênh phát thanh, truyền hình kỹ thuật số.

Nguồn: Kế hoạch số 3805/KH-UBND chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vũng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-cua-tinh-phu-tho-giai-doan-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com