Thứ sáu, 10.08.2018 GMT+7

KẾT QUẢ GIỮA KỲ THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “CẢ NƯỚC CHUNG TAY VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU” GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Thực hiện Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 30/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh cũng đã phối hợp và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh. Vì vậy phong trào thi đua đã được phát động, triển khai đồng bộ, sâu rộng; việc thực hiện các phong trào thi đua đã có những tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua của nhân dân trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2016 đến năm 2018 số người được hưởng lợi từ phong trào thi đua và các chính sách xã hội của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp ngày một tăng, nhất là các đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; học sinh các cấp học phổ thông, lao động vùng nông thôn miền núi; đời sống nhân dân được nâng lên, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với đường lối lãnh đạo của Đảng; góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo an toàn trật tự xã hội.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh (MTTQ) tỉnh đã tổ chức triển khai cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, tính đến tháng 6/2018 tổng số quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội của tỉnh đã vận động được 28,5 tỷ đồng. Đã hỗ trợ 1.057 hộ nghèo xây dựng nhà ở với số tiền 13.800 triệu đồng, chi hỗ trợ 21 hộ nghèo sửa chữa nhà ở với số tiền 323 triệu đồng; hỗ trợ vốn và các điều kiện sản xuất cho 53 hộ nghèo 299,5 triệu đồng; trợ giúp 62 bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh với số tiền 153,6 triệu đồng; trợ giúp 796 học sinh nghèo đến trường với số tiền 856 triệu đồng…

Các cơ quan sở, ngành cũng đã lồng ghép phong trào thi đua với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong sáu tháng đầu năm 2018: Sở Tư pháp đã cấp phát 07 đầu sách với 1.679 cuốn cuốn cho tủ sách pháp luật của 277 xã, phường, thị trấn; 02 đầu sách với 5.780  cuốn cho 2.890 khu dân cư trên địa bàn tỉnh; tư vấn pháp luật 130 vụ cho 130 đối tượng; tham gia tố tụng 139 vụ, việc cho 139 đối tượng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người nghèo, người chưa thành niên. Ngành y tế đã đóng góp Quỹ ủng hộ vì người nghèo số tiền 88.000.000 đồng; quỹ ủng hộ xây nhà tình nghĩa 5.650.000 đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo 548.500.000 đồng; ủng hộ các loại quỹ khác 1.450.000.000 đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, học sinh khuyết tật là con hộ nghèo; thực hiện tốt chế độ học bổng, hỗ trợ học phẩm, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, gạo… đảm bảo mọi học sinh đều được đến trường. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội như: chung tay xây nhà tình nghĩa, xóa nhà tạm, hỗ trợ các chương trình từ thiện , hội chữ thập đỏ… với tổng số tiền tài trợ từ 2016 đến nay là 38,3 tỷ đồng. Sóng di động phủ tới 100% xã, phường, thị trấn.

Gắn Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”: Đến 30/6/2018, ước tạo việc làm tăng thêm cho 36.694 người

Trong 03 năm (2016 – 2018), các nhiệm vụ về công tác giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hằng năm giảm đạt chỉ tiêu kế hoạch: năm 2016 giảm 1,53%, năm 2017 giảm 4,26%. Kết quả thực hiện mục tiêu tăng thu nhập của các hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm so với năm trước (thu nhập bình quân đầu người tại huyện nghèo Tân Sơn đạt 18 triệu đồng/người/năm). Huyện Tân Sơn được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020.

Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào vẫn còn có những khó khăn nhất định, đó là: tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khoảng cách cao; các chính sách giảm nghèo điều chỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều chưa được xây dựng đồng bộ, hướng dẫn thực hiện của Trung ương còn chậm. Hỗ trợ hộ nghèo mới chỉ thực hiện cho những hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập ; ngân sách Nhà nước phân bổ hằng năm chưa kịp thời; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa, nội dung của chương trình; thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện, còn hình thức, đối phó; một số hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại. Việc triển khai các nội dung, tiêu chí của phong trào trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở các đợt cao điểm thi đua hằng năm; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các cấp chưa được chặt chẽ. Một số đơn vị doanh nghiệp đã đăng ký ủng hộ kinh phí cho phong trào nhưng việc chuyển tiền về tài khoản quỹ còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hỗ trợ cho người nghèo theo kế hoạch.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và hạn chế cần khắc phục, tỉnh Phú Thọ đã xác định các nhiệm vụ cần được triển khai thực hiện trong thời gian tới:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Hằng năm cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã phải đăng ký phấn đấu mục tiêu giảm nghèo; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương.

Hai là, nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ và người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững, đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.

Ba là, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bốn là, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Năm là, tiếp tục triển khai đôn đốc triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả phong trào: Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2018 – 2020.

(Nguồn: Báo cáo sơ kết thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020)

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=ket-qua-giua-ky-thuc-hien-phong-trao-thi-dua-ca-nuoc-chung-tay-vi-nguoi-ngheo-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-giai-doan-2016-2020-cua-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com