Thứ năm, 09.08.2018 GMT+7

KHOA DÂN VẬN TÍCH CỰC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC VỀ PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO DÂN CHỦ

Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể nhất quán có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động; là giá trị cốt lõi về tính nhân văn trong tư tưởng, đạo đức của Người, trở thành những nguyên tắc trong mỗi hành động, lời nói, cử chỉ, việc làm và sinh hoạt hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Từ đó, giúp cho cán bộ, đảng viên ngày càng có phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, tư duy khoa học, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Vận dụng phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách lãnh đạo dân chủ là vận dụng những giá trị cốt lõi, tính nhân văn được kết tinh từ những đặc trưng tiêu biểu Hồ Chí Minh vào cuộc sống của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý đòi hỏi sự gương mẫu rất cao độ, rất sáng tạo và rất cầu thị của mỗi cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ. Phong cách làm việc là yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách lãnh đạo dân chủ là một nội dung quan trọng để đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý học tập, vận dụng và noi theo.

Trước hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể.

Là một nguyên thủ quốc gia và trong suốt cả cuộc đời, không khi nào Hồ Chí Minh đặt mình ở trên nhân dân, ở xa nhân dân và không lắng nghe ý kiến của nhân dân. Người là tấm gương mẫu mực của phong cách làm việc dân chủ, luôn thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Dù là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, nhưng Người luôn tôn trọng ý kiến tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân trong công việc; tự phê bình, nhận trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội và Nhân dân. Người từngnói: “Nước ta là nước dân chủ. Dân chủ, tức là nhân dân là người chủ của đất nước, nước là nước của dân; cán bộ, đảng viên là những công bộc của dân, chăm lo cho dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.

Thứ hai, là phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể.

Phong cách dân chủ là đặc trưng cơ bản của phong cách lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. Trong mọi hoàn cảnh, tinh thần ấy phải thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của mỗi người, góp phần khơi dậy sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp sáng tạo của quần chúng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Theo đó, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề, vì: "Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến"(1). Phong cách lãnh đạo dân chủ chính là mỗi người cán bộ lãnh đạo không phải đứng trên tập thể mà phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể; không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức mà luôn luôn tranh thủ bàn bạc với tập thể để có được quyết định chính xác và kịp thời nhất, nên người cán bộ lãnh đạo phải biết động viên, khuyến khích cấp dưới, để cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.

Người lãnh đạo muốn có phương pháp lãnh đạo tốt, có phong cách gần gũi quần chúng cần phải mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể, vì đề ra chủ trương, nghị quyết đã khó nhưng người thực hiện là tập thể, là quần chúng. Do đó, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí để cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; tránh được sự mất đoàn kết vì sự chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan.

Thứ ba, theo phong cách dân chủ Hồ Chí Minh là nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Theo Bác, phong cách lãnh đạo dân chủ phải được thể hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ, ở tất cả các lĩnh vực; trong đó, người cán bộ lãnh đạo phải nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo tinh thần: "Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung". Người cán bộ lãnh đạo không có phong cách làm việc dân chủ mà độc đoán, chuyên quyền sẽ dẫn đến kìm hãm tính tích cực, sáng tạo của đảng viên và nhân dân.

Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, hay ngược lại, dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để "kéo bè, kéo cánh", để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên pháp luật, làm cho nhân dân bất bình, cần phải bị lên án và loại bỏ. Học tập đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tất cả vì nhân dân: mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Việc học tập phong cách Hồ Chí Minh là cơ sở cho bản thân mỗi cán bộ, đảng viên có được nhận thức đúng đắn về yêu cầu phải giữ gìn, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính kỷ luật, trách nhiệm nêu gương, phát huy dân chủ trong tập thể, tinh thần đó phải luôn thể hiện với cấp dưới, với quần chúng nhân dân; đồng thời có ý thức nghiêm túc khắc phục những khuyết điểm trong phong cách, tác phong lề lối làm việc và phong cách sống, làm ảnh hưởng đến tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như đối với người khác.

Khoa Dân vận là một trong 04 khoa chuyên môn của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, đảm nhiệm 03 môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị hiện nay, trong đó có môn: “Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở”. Khoa luôn xác định mỗi bài giảng đều gắn với việc tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhất là chuyên đề về phong cách lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong các biểu hiện của phong cách lãnh đạo thì phong cách dân chủ là đặc trưng cơ bản của phong cách lãnh đạo, quản lý. Dân chủ là một nội dung quan trọng để đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý học tập, vận dụng và noi theo. Trong quá trình giảng bài, các giảng viên trong khoa đều xác định trách nhiệm của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị đó là định hướng tới học viên những giá trị đúng đắn, phân tích rõ cho học viên hiểu phong cách dân chủ là đặc trưng cơ bản của phong cách lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở. Trong mọi hoàn cảnh, tinh thần ấy phải thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của mỗi người, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải đứng trên tập thể mà phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể; có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí để cùng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị; tránh được sự mất đoàn kết vì sự chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan. Chính vì vậy, trong nhiều năm, khoa Dân vậnluôn là tập thể đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm; đảng viên, giảng viênluôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; tương đối đồng đều về trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong giảng dạy và quản lý, tâm huyết với nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với công việc và cầu thị tiến bộ. Lãnh đạo Chi bộ, Lãnh đạo khoa luôn đề cao, mở rộng dân chủ, từ dân chủ trong Chi bộ đến dân chủ trong Khoa, lắng nghe ý kiến của các giảng viên trong khoa, ứng xử với đồng nghiệp, cũng như với học viên luôn tôn trọng, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, vui vẻ, hòa nhã....    

Là giảng viên Trường Chính trị tỉnh, mỗi thầy, cô giáo nói chung và lãnh đạo khoa, phòng nói riêng cần phải học tập và làm theo Bác từ việc nhỏ đến việc lớn, phải làm những việc có lợi cho gia đình, xã hội, cho nhà trường, cho tập thể. Đó chính là chúng ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, trong đó có phong cách lãnh đạo dân chủ của Người. Phong cách không có sẵn, không phải là bẩm sinh mà là nét đặc sắc, đặc trưng riêng và là sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Nét đặc sắc đó, sự sáng tạo đó chỉ có được thông qua quá trình làm việc và rèn luyện thực sự nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi người. Mỗi đảng viên, giảng viên khoa Dân vận nói chung, lãnh đạo khoa nói riêng phải tích cực học tập và làm theo phong cách dân chủ của Bác; coi đó là công việc thường xuyên, hằng ngày; coi đó là bổn phận, trách nhiệm và danh dự của chính mình. Có như vậy, mới góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên", xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh mẫu mực, có tâm trong sáng, có đức cao đẹp, có trí minh mẫn, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ để luôn xứng đáng với vị trí, vai trò của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị của Đảng.

  1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, TS Đặng Thị Nhiệt Thu, tạp chí Lịch sử Đảng tháng 3/2005.
Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=khoa-dan-van-tich-cuc-hoc-tap-va-lam-theo-bac-ve-phong-cach-lanh-dao-dan-chu
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com