Thứ năm, 28.06.2018 GMT+7

NHỮNG GIÁ TRỊ BỀN VỮNG VÀ NHỮNG YÊU CẦU CẦN BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN CỦA TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

Triết học Mác - Lênin ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, khi mà chủ nghĩa tư bản ở Châu Âu đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Kể từ khi ra đời cho đến nay, triết học Mác-Lênin đã trải qua trên 169 năm tồn tại và phát triển. Mặc dù, thời đại ngày nay có nhiều biến đổi; chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; mặc dù, chủ nghĩa đế quốc cùng những lực lượng thù địch dùng nhiều thủ đoạn hèn hạ nhằm chống phá, tiến tới phủ nhận hoàn toàn triết học Mác-Lênin, nhưng triết học Mác-Lênin vẫn tồn tại, vẫn phát triển, vẫn là thế giới quan, phương pháp luận của hàng triệu người trên trái đất.

Những giá trị bền vững của triết học Mác-Lênin thể hiện ở những điểm căn bản sau:

Thứ nhất, chủ nghĩa nhân văn vì con người. Triết học Mác-Lênin xuất phát từ con người và cũng nhằm mục đích giải phóng con người. Triết học Mác-Lênin không có mục tiêu nào khác là giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột. Nhưng để giải phóng con người, trước hết phải giải phóng giai cấp và nhân loại. Thực tiễn lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng tỏ ý nghĩa to lớn của chủ nghĩa nhân văn vì con người của triết học Mác-Lênin. Mặc dù, các nhà tư tưởng phương Tây luôn xuyên tạc rằng triết học Mác-Lênin “bỏ rơi” con người, “quên” con người, nhưng thực tế cả về phương diện lý luận, cả trên phương diện thực tiễn đều chứng tỏ, triết học Mác-Lênin là chủ nghĩa nhân đạo, hoàn bị, triệt để nhất.

Thứ hai, phương pháp biện chứng duy vật. Cho đến nay nhân loại đã biết tới nhiều phương pháp nhận thức khác nhau nhưng chưa phương pháp nào có thể thay thế được phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác-Lênin. Phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác-Lênin là sự kết tinh toàn bộ tinh hoa trong lịch sử phát triển của phương pháp biện chứng từ thời cổ đại đến thời đại của Mác. Đồng thời, nó còn được bổ sung bởi những thành tựu vĩ đại của khoa học tự nhiên đương thời cũng như cơ sở thực tiễn là phong trào đấu tranh cách mạng của phong trào công nhân thế giới. Do vậy, mặc dù thực tiễn đã có những đổi thay, khoa học có nhiều phát hiện vĩ đại nhưng phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác-Lênin vẫn giữ nguyên giá trị phương pháp luận. Những thành tựu của khoa học hiện đại chỉ làm giàu thêm, phong phú thêm những giá trị của phương pháp biện chứng mà thôi.

Thứ ba, quan niệm duy vật về lịch sử. C.Mác là người đầu tiên trong lịch sử triết học của nhân loại tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người. Đúng như Ph.Ănghen đã nói, giống như Đác-Uyn đã phát hiện ra quy luật của thế giới hữu cơ, C.Mác đã phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội loài người. còn V.I.Lênin thì khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”. Chính quan niệm duy vật về lịch sử này đã chấm dứt sự lộn xộn và tùy tiện vẫn thống trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử. Các quan niệm trước đây thường không thấy được các quy luật khách quan của sự vận động phát triển của lịch sử, nhiều lắm cũng chỉ mới xem xét động cơ tư tưởng trong hoạt động lịch sử của con người; chưa thấy được vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Quan niệm duy vật về lịch sử của C.Mác lần đầu tiên trong lịch sử đã thấy được căn nguyên của những động cơ vật chất, đặc biệt là động cơ lợi ích kinh tế trong hoạt động lịch sử của con người.

Thứ tư, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Lịch sử phát triển của thế giới đã chứng minh, sự phát triển của nhân loại không theo kiểu duy nhất “kinh tế quyết định”; không theo kiểu “phương Tây là trung tâm”; cũng không theo kiểu “làn sóng thứ ba” mà một số nhà tư tưởng đương đại đã đề cập. Sự phát triển của nhân loại là hết sức phong phú, đa dạng, nhưng sự phong phú, đa dạng ấy vẫn diễn ra theo quy luật khách quan. Do vậy, mặc dù sự phát triển của các quốc gia, dân tộc là hết sức đa dạng, phong phú nhưng vẫn trải qua những nấc thang, những giai đoạn tương đồng nhau. Chính điều này tạo nên những hình thái kinh tế - xã hội đan xen nhau, kế tiếp nhau trong lịch sử của thế giới. Làm cho lịch sử thế giới phát triển có sự đan xen, không đồng đều giữa các quốc gia dân tộc. Tuy vậy, dòng chảy của lịch sử nhân loại vẫn diễn ra theo sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp lên cao. Điều này diễn ra một cách lịch sử - tự nhiên. Bởi lẽ, những nguyên nhân dẫn tới sự thay thế này là do những mâu thuẫn trong lòng của mỗi hình thái kinh tế - xã hội quy định. Những mâu thuẫn này được giải quyết sẽ tạo cho sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội mới.

Bên cạnh những giá trị bền vững, sự biến đổi của thời đại ngày nay yêu cầu triết học Mác-Lênin phải bổ sung, phát triển cho phù hợp với thời đại. Có như vậy, triết học Mác-Lênin mới thực hiện được vai trò thế giới quan và phương pháp luận chung nhất.

Tuy nhiên, bổ sung, phát triển triết học Mác-Lênin phải quán triệt những nguyên tắc sau:

Một là, bổ sung, phát triển triết học Mác-Lênin không phải là phủ định mà tiếp tục làm sáng tỏ, làm giàu thêm và khẳng định bản chất, cách mạng, khoa học vốn có của triết học Mác-Lênin trong điều kiện mới. Đồng, thời phải khẳng định những tư tưởng, những luận điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin, không những đúng với trước kia và bây giờ, mà còn tiếp tục có giá trị hướng dẫn cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.

Hai là, bổ sung, phát triển triết học Mác-Lênin là đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập tới những luận điểm nào của triết học Mác-Lênin trước đây đúng, bây giờ vẫn đúng; những luận điểm nào trước đây đúng nhưng vì ta nhận thức sai, bây giờ phải nhận thức lại cho đúng; những luận điểm nào trước đây đúng nhưng bây giờ do thực tiễn đổi thay nên không còn phù hợp; những quan điểm cần bổ sung, hoàn thiện vào lý luận triết học Mác-Lênin do thực tiễn mới cũng như sự phát triển của khoa học, công nghệ yêu cầu.

Ba là, trong khi bổ sung, phát triển triết học Mác-Lênin phải kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái thù địch, những quan điểm nhân danh phát triển để chống lại triết học Mác-Lênin, bảo vệ sự trong sáng của triết học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, cho đến nay, triết học Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng nhiệm vụ lịch sử giải phóng triệt để con người mà chưa học thuyết nào có thể thay thế được. Những biến đổi sâu sắc của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI này đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, mà để giải quyết đúng đắn, chúng ta đồng thời phải tìm ở triết học Mác-Lênin và ở chính cuộc sống ngày hôm nay. Triết học Mác-Lênin về bản chất là hệ thống mở, chứ không phải hệ thống khép kín. Vì vậy, việc bổ sung, phát triển triết học Mác-Lênin là tất yếu khách quan

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhung-gia-tri-ben-vung-va-nhung-yeu-cau-can-bo-sung-phat-trien-cua-triet-hoc-mac-lenin-trong-thoi-dai-ngay-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com