Thứ hai, 25.06.2018 GMT+7

TÌM HIỂU VỀ NỘI DUNG PHONG CÁCH DIỄN ĐẠT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Phong cách Hồ Chí Minh xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Người; là sự kết tinh của truyền thống văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá của nhân loại, luôn là tấm gương cho chúng ta học tập và làm theo.

Phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt là năm mặt chủ yếu tạo thành hệ thống phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, phong cách diễn đạt (nói và viết) là một trong những nét đẹp riêng, độc đáo và có giá trị to lớn đối với việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ giảng dạy của Trường Chính trị Tỉnh nói riêng.

Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị nêu rõ: Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh bao gồm: phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Mỗi người đều có phong cách diễn đạt tư tưởng của mình bằng ngôn ngữ nói và viết. Những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh là những căn cứ thuận lợi để tìm hiểu phong cách diễn đạt của Người.

* Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là kết quả của sự kết hợp hài hoà cái dân gian với cái bác học, cái cổ điển, truyền thống với cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây

Đây là nét đặc sắc trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có được điều đó là do Bác đi nhiều, đọc nhiều, tiếp xúc với nhiều tầng lớp, nhiều hạng người khác nhau ở những quốc gia khác nhau, tìm hiểu và học ở họ những cách diễn đạt đặc trưng nhất. Có tri thức uyên bác, nhưng không phải ai diễn đạt cũng cuốn hút được người nghe, người đọc nếu tâm hồn và trái tim họ không hài hoà đập cùng nhịp với người đọc, người nghe, không nói tiếng nói, không viết bằng văn phong của người đọc, người nghe.

* Nguyên tắc nhất quán trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là xác định rõ chủ đề, rõ đối tượng và mục đích cần truyền đạt, từ đó mà tìm cách nói, cách viết cho đúng chủ đề, phù hợp với đối tượng nhằm đạt mục tiêu đề ra

Hồ Chí Minh đặt cho mình và cũng yêu cầu mọi người thực hiện bốn vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau khi diễn đạt, đó là:

Nói, viết cái gì? Nói, viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào?

Trong bốn vấn đề trên thì “cái gì”, “cho ai”, “để làm gì” quyết định cách thể hiện “như thế nào?”.

Ngược lại, cách thể hiện, cách diễn đạt làm cho nội dung nói, viết đúng chủ đề, đối tượng và đạt được mục đích nói và viết. Nếu không xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích và tìm được cách thể hiện phù hợp thì mọi bài nói, bài viết đều không có tác dụng.

* Đặc điểm của phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, diễn đạt chân thực

Những bài nói, bài viết của Bác bao giờ cũng đem lại cho người nghe, người đọc lượng thông tin cao và chính xác. Những tư liệu, sự kiện mà Người đề cập bắt nguồn từ thực tế cuộc sống đã được suy xét, kiểm tra, chọn lọc. Người không phải lý giải dài dòng nhưng có sức thuyết phục cao đối với người nghe, người đọc.

Từ đặc điểm trong phong cách diễn đạt của mình, Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên khi nói và viết, “điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu”, viết “phải đúng sự thật, không được bịa ra”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết”, “khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Thiếu chân thực, giả dối trong nói và viết sẽ làm giảm niềm tin của quần chúng với cách mạng, làm cho lãnh đạo không thấy đúng tình hình để đề ra chủ trương, giải pháp thích hợp; tạo điều kiện cho địch lợi dụng chống phá ta.

Thứ hai, diễn đạt ngắn gọn

Nói chung các bài nói, bài viết của Người đều ngắn gọn, nhiều ý tưởng lớn được khái quát như những châm ngôn. “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là một ví dụ. Theo Người, ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, có đầu có đuôi “có nội dung”, “thiết thực”, “thấm thía chắc chắn”.

Để có cách nói, cách viết ngắn gọn trước hết phải có tư duy mạch lạc, ngôn từ phong phú, vốn sống dồi dào, đồng thời cũng phải rèn luyện công phu. Không phải ngay khi sinh ra Hồ Chí Minh đã biết nói ngắn gọn mà phải thông qua quá trình tự học, tự rèn, thông qua những cuộc tranh luận, những buổi diễn thuyết v.v... Người mới có cách diễn đạt cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, chữ thừa.

Thứ ba, diễn đạt giản dị, trong sáng, dễ hiểu

Trong sáng trong văn phong và ý tưởng, giản dị trong trình bày thể hiện, dễ hiểu đối với mọi đối tượng nghe, đọc là đặc điểm các bài nói, bài viết của Bác.

Muốn nói, viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Người trước hết phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng. Vì “cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn”. Hiểu dân, gần dân, học dân thường ngày và học trong ca dao, tục ngữ, trong dân gian, cổ tích mà Người có thể phổ thông hoá những vấn đề phức tạp đôi khi còn xa lạ với dân chúng, giản đơn hoá những vấn đề khó hiểu. Chính vì vậy mà tư tưởng của Người đến với mọi người, bằng những ngôn từ quen thuộc dễ hiểu, dễ nhớ, nhiều khi còn dễ thuộc vì có vần có nhạc trong văn.

Là một người đọc nhiều, hiểu rộng, biết nhiều ngoại ngữ nhưng khi nói, khi viết bao giờ Hồ Chí Minh cũng sử dụng một loại ngôn ngữ tùy theo đối tượng người nghe, người đọc. Đặc biệt nói và viết cho quần chúng nhân dân bao giờ Người cũng trở về với ngôn ngữ dân tộc, dùng cách nói của nhân dân. Người phê phán gay gắt những người ham dùng chữ, hay nói chữ, sính dùng chữ, tiếng nước ngoài.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ ra biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Việc học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là cách làm thiết thực để khắc phục suy thoái của cán bộ, đảng viên trong cách nói và viết, nói đi đôi với làm; ngăn chặn, chống lại biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù khi “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-ve-noi-dung-phong-cach-dien-dat-cua-chu-tich-ho-chi-minh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com