Thứ hai, 25.06.2018 GMT+7

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁC LỚP BỒI DƯỠNG CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH VÀ ỦY BAN MTTQ, CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TRONG THỜI GIAN QUA

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp và các đoàn thể nhân dân là một nhiệm vụ rất quan trọng, được triển khai thường xuyên, chặt chẽ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Một trong những nội dung được Trường Chính trị tỉnh chú trọng nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị đó là công tác phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Trong nhiều năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp tích cực với Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn TN, Hội CCB tỉnh, Hội Chữ Thập đỏ tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận và các đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở. Mỗi năm, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể tổ chức từ 1 đến 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận, công tác Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn TN, Hội Chữ Thập đỏ với số lượng từ 80 đến 150 học viên/lớp. Cụ thể:

* Trong công tác phối hợp đăng ký nhu cầu bồi dưỡng

Hàng năm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ gửi công văn đề nghị các đơn vị cơ sở, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của năm, trong đó có nhu cầu bồi dưỡng cán bộ cơ sở của Ủy ban MTTQ và các Đoàn thể nhân dân của tỉnh.

 Ngay sau khi nhận được công văn của trường, Ủy ban MTTQ và các Đoàn thể đã rà soát đối tượng bồi dưỡng qua các năm và nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm của cơ quan, đoàn thể mình, xây dựng kế hoạch và gửi đăng ký cụ thể về đối tượng bồi dưỡng, số lượng cán bộ cần bồi dưỡng, số lớp và thời gian bồi dưỡng (gồm tổng số ngày bồi dưỡng mỗi lớp và thời điểm mở lớp) theo công văn của Trường Chính trị tỉnh.

Trên cơ sở đăng ký của các đơn vị, phòng Đào tạo tham mưu, xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm. Trong quá trình xây dựng kế hoạch bồi dưỡng luôn trao đổi cụ thể với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân về việc dự kiến thời gian mở lớp, số lượng học viên phù hợp, để kế hoạch được thực hiện trong thực tế, đạt chỉ tiêu đặt ra. Hạn chế tối đa tình huống thoái lớp hoặc không đảm bảo chỉ tiêu về số lượng học viên. Vì vậy các lớp đã đưa vào kế hoạch hầu hết đều được tổ chức thực hiện trên thực tế đảm bảo yêu cầu đặt ra.

* Trong công tác phối hợp xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình bồi dưỡng

Trên cơ sở Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt hàng năm, Phòng Đào tạo Trường Chính trị đã chủ động liên hệ với Ban Tỏ chức của Ủy ban MTTQ, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh thống nhất về công tác tham mưu, báo cáo lãnh đạo cơ quan tổ chức các cuộc làm việc tại Trường Chính trị tỉnh để trao đổi, bàn bạc, thống nhất về đối tượng chiêu sinh, số lượng học viên mỗi lớp, thời gian mở lớp, số ngày học, nội dung chương trình, giảng viên giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ theo dõi lớp, các công việc cụ thể của từng cơ quan như: làm giấy báo nhập học, tổng hợp danh sách học viên, đón học viên. Công tác khai giảng, bế giảng….

Về nội dung chương trình các lớp bồi dưỡng đều được thống nhất trên quan điểm có sự đổi mới theo từng năm, nhiệm kỳ Đại hội của Đảng và của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng như các đoàn thể nhân dân. Nội dung lý luận phải đảm bảo gắn với cập nhật tính thực tiễn, tính thời sự và định hướng chính trị cho học viên. Nội dung nghiệp vụ phải đảm bảo hướng dẫn cho học viên các kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể về công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Lịch học, tên bài giảng đều được Lãnh đạo Trường Chính trị, Lãnh đạo Ủy ban MTTQ và Lãnh đạo các Đoàn thể nhân dân xem xét, quyết định trước khi xây dựng và ban hành lịch giảng dạy chính thức. Vì vậy, trong quá trình thực hiện không xảy ra những khó khăn, vướng mắc.

* Trong công tác Phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch; quản lý lớp, quản lý học viên

Các lớp bồi dưỡng thời gian diễn ra ngắn nên việc ổn định tổ chức lớp cần được thực hiện ngay từ buổi học đầu tiên và trong toàn khóa học, vì vậy Trường Chính trị tỉnh, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể có lớp đều phân công cụ thể giáo viên chủ nhiệm và cán bộ theo dõi lớp để quản lý lớp học. Với trách nhiệm được giao, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ theo dõi lớp đã có sự phối hợp chặt chẽ để lựa chọn Ban cán sự lớp, tham mưu với Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh ra quyết định chỉ định Ban cán sự để giúp giáo viên chủ nhiệm trong quá trình quản lý lớp.

 Trong công tác quản lý, giáo viên chủ nhiệm đã tích cực nghiên cứu, lựa chọn các biện pháp hình thức quản lý học viên chặt chẽ và đúng quy chế về thời gian ra, vào lớp; ý thức, thái độ trong học tập và sinh hoạt tại Ký túc xá... vì vậy về cơ bản các khóa học được diễn ra đảm bảo mục đích và yêu cầu đặt ra. Số học viên không được cấp giấy chứng nhận do vi phạm quy chế học tập không nhiều.

Để đánh giá toàn diện kết quả bồi dưỡng, trong chương trình, kế hoạch bồi dưỡng của mỗi lớp, trường Chính trị tỉnh và các cơ quan phối hợp mở lớp đều thống nhất có nội dung kiểm tra hoặc viết bài thu hoạch, qua đó để đánh giá về ý thức, thái độ và nhận thức của học viên sau mỗi khóa bồi dưỡng, cũng như kết quả bồi dưỡng mà học viên đạt được. Kết quả các bài kiểm tra và thu hoạch của các lớp về cơ bản đều được học viên trình bày tốt, thể hiện đầy đủ về những nội dung đã được bồi dưỡng cả về lý luận và thực tiễn, chỉ có một số ít bài kết quả chưa đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng của nhà trường vẫn còn có những hạn chế bất cập như:

 Công tác chiêu sinh có đơn vị chưa đạt kế hoạch về số lớp, số học viên. Có đơn vị đăng ký 02 lớp nhưng chỉ mở được 01 lớp; số lượng học viên có lớp đăng ký 100 nhưng nhập học chỉ được 70 – 80 học viên. Có huyện cử chưa đủ số người theo công văn, nhiều lớp cơ sở thay đổi người theo đăng ký ban đầu. 

Thời gian mở lớp của các lớp bồi dưỡng hầu hết đều chậm hơn so với kế hoạch, có năm có đoàn thể còn thoái lớp. Có đơn vị phải dồn các lớp đã đăng ký vào cuối năm tạo ra áp lực trong việc bố trí cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy cũng như các công việc khác của trường.

Công tác phối hợp thực hiện kế hoạch, một số công việc liên quan có lúc chưa có sự thống nhất cao nên có lớp còn phải trao đổi nhiều. Ủy ban MTTQ cũng như các đoàn thể chưa thực sự chủ động trong việc thực hiện kế hoạch đã đăng ký.

Có lớp vẫn có học viên không được cấp Giấy chứng nhận do không đủ số ngày học, không có bài kiểm tra, viết thu hoạch. Có trường hợp nhà trường phải ra quyết định buộc thôi học và thông báo về cơ sở. Tình trạng học viên nhập học muộn theo thời gian ghi trên giấy báo nhập học còn diễn ra ở hầu hết các lớp, gây ảnh hưởng đến thời gian khai giảng và buổi học đầu tiên sau lễ khai giảng lớp học.

Phương pháp giảng dạy của một số giảng viên chưa được đổi mới, chưa sử dụng phương tiện hiện đại trong giảng dạy… đặc biệt là giảng viên kiêm chức còn hạn chế về phương pháp truyền đạt.

Tài liệu bồi dưỡng chưa được chủ động xây dựng, việc trang bị tài liệu bồi dưỡng cho các lớp chưa đều, lớp có, lớp không. Cơ sở vật chất ký túc xá còn hạn chế về nước sinh hoạt, điện thắp sáng, các thiết bị phục vụ khác.

Công tác quản lý lớp của giáo viên chủ nhiệm có lớp chưa thực sự sâu sát, khoa học nên còn tình trạng học viên nghỉ học nhiều ở một số giờ học, đi muộn, về sớm, nghỉ học không có lý do, không tập trung nghe giảng, ghi chép bài, chấp hành chưa nghiêm túc các nội quy ở Ký túc xá.

Để tiếp tục làm tốt công tác tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ MTTQ và các đoàn thể ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, trước hết, đối với Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ cần: Chủ động phối hợp tốt với Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân của tỉnh để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ hàng năm. Tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy, kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng sát với đối tượng và yêu cầu của thực tiễn.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm; tăng cường quản lý học viên, giữ mối quan hệ thường xuyên giữa nhà trường với Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan, đơn vị và người đi học. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, đáp ứng yêu cầu kế hoạch.

Đối với Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp với Trường Chính trị tỉnh: Lập kế hoạch sớm, phối hợp tốt với Trường Chính trị tỉnh trong việc chiêu sinh đúng đối tượng, và quản lý học viên. Sau mỗi lớp cần tổ chức rút kinh nghiệm để phối hợp tổ chức các lớp sau tốt hơn.

Chủ động trong việc phối hợp với Trường Chính trị tỉnh về việc mở lớp theo Kế hoạch hàng năm. Thực hiện thống nhất quy định về việc mở lớp như thời gian mở lớp, khung chương trình. Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với cơ sở, quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ yên tâm học tập.

Có thể thấy, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, nhất là cán bộ làm công tác đoàn thể là công việc mà đòi hỏi các cấp, các ngành phải thực hiện thường xuyên và liên tục, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của từng ngạch công chức và chức danh cán bộ quản lý; trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản, bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và quản lý nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCT nói chung và HTCT cơ sở nói riêng.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=thuc-trang-cong-tac-to-chuc-cac-lop-boi-duong-cua-truong-chinh-tri-tinh-va-uy-ban-mttq-cac-doan-the-chinh-tri-xa-hoi-trong-thoi-gian-qua
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com