Thứ năm, 21.06.2018 GMT+7

CÁC TẬP QUÁN VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CẦN VẬN ĐỘNG XÓA BỎ HOẶC CẤM ÁP DỤNG THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN NAY

Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có những phong tục, tập quán khác nhau. Phong tục, tập quán là một bộ phận cấu thành căn bản của truyền thống văn hoá và giá trị đạo đức trong xã hội. Áp dụng phong tục, tập quán nhất là trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là một là một trong các biện pháp cần thiết để bảo vệ bản sắc văn hoá và những giá trị chuẩn mực đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam hiện nay.

Cùng với quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, phong tục, tập quán là công cụ điều chỉnh hữu hiệu các quan hệ hôn nhân và gia đình, đặc biệt các quan hệ hôn nhân và gia đình mang tính đa sắc tộc và khu vực. Tập quán hôn nhân và gia đình được hiểu là “quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng". (Khoản 4, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015).

Xuất phát từ bản chất vừa là thiết chế xã hội, vừa là tập hợp các giá trị truyền thống văn hoá và đạo đức, các quan hệ hôn nhân và gia đình; đồng thời chịu sự chi phối của cả quy phạm pháp luật và phong tục, tập quán. Thực tế đó đòi hỏi, để điều chỉnh tốt nhóm quan hệ xã hội này, cần có sự kết hợp hài hoà, hỗ trợ, bổ sung giữa các quy phạm pháp luật và phong tục, tập quán. Vì vậy, tại Khoản 5, Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình”.

Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình:

Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc”.

Thực tế cho thấy, nhiều phong tục tập quán đã phát huy những giá trị tốt đẹp của mình trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều vùng, nhiều dân tộc vẫn tồn tại việc áp dụng những phong tục, tập quán lạc hậu xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Như: tục cướp vợ; kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật, thách cưới… Đứng trước tình trạng trên, nhà nước đã quy định cụ thể về việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình cũng như những phong tục, tập quán bị cấm áp dụng và cần phải được xóa bỏ. Đó là một trong những  biện pháp quan trọng để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Với ý nghĩa đó, Chính phủ ban hành Nghị định số:126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 trong đó có quy định chi tiết:

Thứ nhất,các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ.

1. Kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Việc đăng ký kết hôn không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

3. Cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo.

4. Cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên.

5. Nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ.

6. Quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái.

a) Chế độ phụ hệ:

Khi ly hôn, nếu do người vợ yêu cầu ly hôn thì nhà gái phải trả lại nhà trai toàn bộ đồ sính lễ và những phí tổn khác; nếu do người chồng yêu cầu ly hôn thì nhà gái vẫn phải trả lại nhà trai một nửa đồ sính lễ. Sau khi ly hôn, nếu người phụ nữ kết hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì. Sau khi cha, mẹ ly hôn, con phải theo cha.

Khi người chồng chết, người vợ góa không có quyền hưởng phần di sản của người chồng quá cố để lại. Nếu người vợ góa tái hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì.

Khi người cha chết, chỉ các con trai có quyền còn các con gái không có quyền hưởng phần di sản của người cha quá cố để lại.

b) Chế độ mẫu hệ:

Người con bị bắt buộc phải mang họ của người mẹ.

Khi người vợ chết, người chồng góa không có quyền hưởng phần di sản của người vợ quá cố để lại và không được mang tài sản riêng của mình về nhà.

Khi người mẹ chết, chỉ các con gái có quyền còn các con trai không có quyền hưởng phần di sản của người mẹ quá cố để lại.

Sau khi ở rể, người con rể bị “từ hôn” hoặc sau khi ăn hỏi, nhận đồ sính lễ, người con trai bị “từ hôn” thì không được bù trả lại.

7. Không kết hôn giữa người thuộc dân tộc này với người thuộc dân tộc khác và giữa những người khác tôn giáo.

Thứ hai,c tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần cấm áp dụng.

1. Chế độ hôn nhân đa thê.

2. Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời.

3. Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ.

4. Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới).

5. Phong tục “nối dây”; Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố.

6. Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ.

7. Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.

Việc quy định cụ thể những phong tục, tập quán bị cấm áp dụng và cần phải được xóa bỏ sẽ góp phần phần xây dựng "tế bào xã hội" lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh trong xã hội hiện đại.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=cac-tap-quan-ve-hon-nhan-va-gia-dinh-can-van-dong-xoa-bo-hoac-cam-ap-dung-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com