Thứ hai, 11.06.2018 GMT+7

MỘT SỐ KỸ NĂNG CẦN THIẾT KHI VIẾT TIN, BÀI CHO BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ

Báo trực tuyến, báo điện tử, báo mạng hay tin tức trực tuyến là loại hình báo chí được xây dựng theo hình thức một trang web và phát hành dựa trên nền tảng internet. Báo điện tử được tòa soạn điện tử xuất bản, còn người đọc báo dựa trên máy tính, thiết bị cá nhân như máy tính bảng, điện thoại di động... có kết nối internet.

Trong nền báo chí Việt Nam, báo mạng điện tử tuy ra đời sau những loại hình báo chí khác nhưng đã nhanh chóng phát triển về số lượng, chất lượng và ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong đời sống báo chí, đời sống xã hội của đất nước. Với dịch vụ internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày, báo mạng đã và đang trở thành một công cụ hữu ích có tác động lớn đến độc giả.

Báo điện tử có sự tổng hợp của công nghệ đa phương tiện, nghĩa là không chỉ văn bản, hình ảnh mà cả âm thanh, video và các chương trình tương tác khác. Không bị giới hạn bởi khuôn khổ, số trang, không bị phụ thuộc vào khoảng cách địa lý nên báo điện tử có khả năng truyền tải thông tin đi khắp toàn cầu với số lượng không giới hạn. Thông tin từ khi thu nhận đến khi phát hành đều được diễn ra rất nhanh chóng, với những thao tác hết sức đơn giản nên báo điện tử có thể tức thời và phi định kỳ, luôn sống 24h/ngày, 7 ngày/tuần.

Trang thông tin điện tử của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay. Hiện nay Trang thông tin điện tử của nhà trường do phòng NCKH-TT-TL phụ trách, trung bình hằng tháng có khoảng 40 tin, bài về các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nghiên cứu trao đổi, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong nhà trường… Số lượng lượt truy cập Trang thông tin điện tử của nhà trường trên 60.000 lượt/tháng, có ngày trên 3.000 lượt truy cập. Để cung cấp một số kỹ năng cần thiết cho cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường trong việc viết bài, viết các tin cho báo điện tử của nhà trường, tác giả cung cấp một số kỹ năng, đặc điểm của từng loại tin và cách viết theo hình thức như sau:

Thứ nhất, các loại tin trên báo mạng điện tử gồm

Tin ảnh: Tin ảnh là hình thức đưa tin bằng ảnh có kèm chú thích, thông tin đầy đủ về sự kiện bức ảnh đề cập. Những nội dung đó do chú thích đảm nhiệm, còn nhiệm vụ chính của ảnh là gây ấn tượng mạnh với người xem nó bởi giây phút bấm máy, bởi hình ảnh điển hình của sự kiện mà nó đề cập.

Tin vắn: Đây là loại tin ngắn nhất. Phần lớn mỗi tin vắn chỉ là một câu với khoảng trên dưới 30 từ. Loại tin này dài nhất cũng chỉ tới hai câu và không quá 80 từ. Tin vắn dùng để phản ánh một cách ngắn gọn nhất, vắn tắt nhất sự kiện, sự việc xảy ra hằng ngày trong đời sống xã hội.

Tin vắn có thể có tít riêng, có thể nhiều tin đặt dưới một tít chung. Nếu không có tít, các tin này thường được đưa gộp vào một cụm, được đánh dấu bởi các dấu tròn đậm ở đầu tin hoặc in đậm và to chữ đầu tin. Tin vắn cũng có thể lồng vào yếu tố bình luận. Đây là loại tin dễ viết nhất nên bắt đầu từ dễ đến khó, từ viết ngắn đến viết dài.

Tin thường: Về hình thức: Tin vắn có thể không có tít nhưng tin thường bắt buộc phải có tít. Tin vắn chỉ được viết bằng một câu vài chục từ thì tin thường dài hơn, phổ biến là từ 150 đến 300 từ và thể hiện trong khoảng 3 đến 6 câu.

Về nội dung: Nếu tin vắn chỉ cho biết những thông tin cô đọng nhất về sự kiện thì tin thường còn cho biết quy mô, tính chất, nguyên nhân và có thể cả ý nghĩa của sự kiện. Tin không có đoạn kết.

Tin sâu và tin tường thuật:Tin sâu và tin tường thuật trước đây chỉ xuất hiện trong những trường hợp khá đặc biệt như mít tinh kỷ niệm ngày lễ lớn nào đó của dân tộc, các kỳ Đại hội Đảng, họp Quốc hội, các dịp đón nguyên thủ quốc gia… Ngày nay, tin sâu và tin tường thuật xuất hiện nhiều hơn. Ngoài các sự kiện kể trên thì các buổi làm việc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các ngành, địa phương; các liên hoan phim, ca nhạc; các trận đấu thể thao trong nước và quốc tế, các phiên tòa đặc biệt; các buổi biểu diễn văn nghệ, trao thưởng, đám tang… các nhật báo, đài phát thanh, truyền hình đều có tin sâu hoặc tin tường thuật.

Với báo in, dung lượng của một tin loại này có thể từ 500 đến 1000 từ và một vài bức ảnh đi kèm. Với báo điện tử có thể viết dài hơn nhưng không lan man. Tin sâu và tin tường thuật phải trả lời được 6 câu hỏi: Cái gì? Ai? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Tại sao? Trong đó, phần trả lời cho các câu hỏi tại sao và như thế nào được thể hiện kỹ nhất. Vì vậy, kết cấu của tin sâu và tin tường thuật thường có đủ các thành phần tít, phần mở đầu, thân tin và ảnh, box, đồ họa. Phần thân tin có thể chọn một số tít xen. Tin sâu và tin tường thuật có yếu tố “bình” đi kèm ở tít hoặc trong nội dung. Tuy nhiên việc bình ở tin cần hết sức hạn chế vì chúng sẽ làm giảm tính khách quan của tin.

Sự khác biệt giữa tin sâu (tin chi tiết) với tin tường thuật là tin sâu nhấn mạnh vào thông tin quan trọng và ý nghĩa nhất ngay ở tít, ở câu mở đầu, còn tin tường thuật thường được viết theo thời gian diễn biến của sự việc. Điểm giống nhau của hai loại tin này trong kết cấu là ngoài tít chính còn có tít phụ ở mỗi đoạn (hay còn gọi là tít đoạn, tít xen, tít con).

Thứ hai, hình thức và phương pháp viết tin bài

Công đoạn đầu tiên khi lựa chọn viết tin hoặc bài, chúng ta phải viết ngắn gọn, đúng trọng tâm.

Làm thế nào để viết ngắn gọn? Một người Mỹ, Stephen King đưa ra khái niệm “Phương pháp 10%”, sau đó được nhiều nhà báo Mỹ hưởng ứng và áp dụng. Đó là Bản thảo thứ 2 = Bản thảo thứ nhất – 10%. Chuyển câu dài thành câu ngắn và cắt bớt một số câu ngắn vừa tách ra. Chuyển những động từ bị động (không cần thiết) sang chủ động. Bỏ bớt các từ như: thì, là, mà, rằng, này, sự, một cách, ngoài ra, bên cạnh đó, có, những, các, về, được… Giảm bớt các từ có chung nghĩa trong câu: “đang” thì thôi “hiện”, “đã” thì thôi “từng”… Trong nhiều tình huống có thể chỉ sử dụng một trong hai từ “thành” hoặc “lập”, “sang” hoặc “thăm”, “phòng” hoặc “chống”, “tham” hoặc “dự”… Không đặt quá nhiều động từ vào cùng một chỗ như “Cố gắng xúc tiến đẩy mạnh thi công dự án để sớm đưa vào hoạt động”. Trong câu, cố gắng để động từ gần với chủ ngữ. (Lưu ý, khi dùng các phó từ, các cụm từ bổ nghĩa vì đây là một trong những nguyên nhân khiến câu dài).

Công đoạn thứ hai: Đưa thông tin quan trọng nhất lên đầu (nguyên lý tháp ngược).

Cách viết tin theo kiểu tháp ngược xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, do hãng tin AP (Associated Pess) khởi xướng. Đây là cấu trúc hiện đại, được sử dụng rộng rãi trên tất cả các loại hình báo chí. Trên báo điện tử, viết theo cấu trúc hình tháp ngược được khuyến khích.

Công đoạn thứ ba: Sử dụng nhiều bài ngắn, đoạn ngắn, câu đơn giản.

Đi thẳng vào vấn đề, không lòng vòng. Độc giả không chỉ muốn biết ai, cái gì, ở đâu và khi nào mà cả tại sao? Dùng các đoạn ngắn, mỗi đoạn một ý. Với những bài dài nên có những tiêu đề mục (hay còn gọi là tít xen), chứa đựng thông tin. Cách này vừa tạo ra những điểm nghỉ cho mắt, vừa lôi kéo được độc giả đọc tiếp. Có thể dùng kiểu chữ in đậm để nhấn mạnh những điều quan trọng. Dùng dạng trình bày danh mục để chỉ rõ quan điểm. Nên có ảnh minh họa, dù nhỏ; chú ý, không nên dùng ảnh “chỉ mang tính chất minh họa”. Lập đồ thị, bảng biểu khi có thể. Tạo liên kết với các thông tin liên quan để không phải trình bày dài dòng.

Với báo điện tử, do không bị hạn chế về dung lượng chữ cũng như ảnh, đối tượng bạn đọc đa dạng, khả năng siêu liên kết, lại luôn cập nhật từng phút do tính cạnh tranh của loại hình này và với các phương tiện báo chí khác như phát thanh, truyền hình, người viết phải chú ý tổ chức đưa tin, viết về các sự kiện nổi bật hằng ngày sao cho bạn đọc tiếp nhận một cách dễ dàng nhất.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-ky-nang-can-thiet-khi-viet-tin-bai-cho-bao-mang-dien-tu
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com