Thứ sáu, 08.06.2018 GMT+7

CỜ ĐỎ SAO VÀNG - Ý CHÍ QUYẾT TÂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC CỦA NHÂN DÂN HAI MIỀN NAM - BẮC

Lá cờ đỏ sao vàng trong nhiều thập kỷ qua luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Từ khi xuất hiện, lá cờ đỏ sao vàng là một phần không thể thiếu của dân tộc ta. Lá cờ tượng trưng cho độc lập dân tộc, cho sự tự do và thiêng liêng của Tổ quốc. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đó còn là tượng trưng cho ý chí quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân hai miền Nam – Bắc.

Tháng 7/1940, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ, do đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy - chủ trì được diễn ra ở xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nhằm đề ra chủ trương phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Nam kỳ, giành chính quyền về tay Nhân dân. Hội nghị Xứ ủy quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của cuộc khởi nghĩa, với ý nghĩa  màu đỏ của nền cờ biểu tượng cho tính triệt để chiến đấu của cách mạng, ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc, gồm sĩ, nông, công, thương, binh. Tháng 11/1940 cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, lá cờ đỏ sao vàng  xuất hiện  lần đầu tiên, tung bay ở nhiều địa phương.Tháng 5/1941, tại Pắc Bó (Cao Bằng), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 được triệu tập dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, hội nghị đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, tiếp tục nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu và quyết định thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Nghị quyết Trung ương 8 và Chương trình hành động của Việt Minh đều ghi: sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Ngày 16/8/1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), Đại hội Quốc dân được triệu tập. Đại  hội đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài "Tiến quân ca" và Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng.      

Lá cờ đỏ sao vàng luôn đi liền với mỗi chiến công của dân tộc ta. Chiều ngày 7/5/1954, trên nóc hầm của tướng Đờ Caxtơri, lá cờ đỏ đã tung bay kiêu hãnh, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước. Tháng 7/1954, theo các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, hai bên ta và Pháp có hai cột cờ ở hai đầu cầu Hiền Lương. Ta dựng một cột cờ bằng cây phi lao cao 12m ở sát mố cầu bờ Bắc, bên chính quyền Ngụy cắm cờ của chúng lên lô cốt Xuân Hòa ở bờ Nam cao 15m. Đồng bào miền Nam sang Đồn biên phòng của ta yêu cầu treo Cờ đỏ sao vàng của ta cao hơn cờ tam tài của Pháp và cờ sọc dưa của Ngụy. Đáp ứng yêu cầu thiết tha đó, các chiến sĩ Đồn biên phòng tìm trong rừng miền Tây Quảng Bình được cây gỗ cao 18m để thay.

Tháng 7/1956, Pháp rút đi, Mỹ vào thay chân, chính quyền Ngụy chở sắt thép ra dựng cột cờ cao 25m. Ngày 19/7/1957, ta lắp ráp trụ cờ bằng sắt cao 34,5m, sơn trắng, trên đỉnh có ngôi sao. Cờ ta cao hơn cờ địch, đồng bào bờ Nam yêu cầu ta kéo cờ sớm hơn, hạ cờ muộn hơn để khi đi làm xa có thể chào cờ mà không bị địch làm khó rễ. Ít lâu sau, địch lại cho nâng trụ cột cờ của chúng cao 35m, cao hơn bên ta 0,5m. Năm 1962, công binh ta trở vật liệu vào xây dựng trụ cột cờ mới cao 38,6m. Với quyết tâm lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay cao hơn, to hơn cờ sọc dưa của chính quyền Sài Gòn thể hiện ưu thế của chế độ XHCN Miền Bắc trước chế độ tay sai của Ngụy ở Miền Nam, có tác dụng cổ vũ lớn lao đối với niềm tin, ý chí của đồng bào chiến sĩ bờ Nam vào thắng lợi tất yếu của ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam. Mỗi lá cờ được treo trên cột cờ Hiền Lương trong chiến tranh trung bình rộng khoảng trên 100m2, nặng khoảng trên dưới 20kg. Hằng ngày, đây là điểm chấm đỏ để hàng trăm khẩu đạn pháo và các loại máy bay của địch bắn phá, ném bom nhưng cũng không thể xóa được chấm đỏ kỳ diệu ấy. Bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Vĩnh Linh đã ngã xuống để quyết giữa cho lá cờ tung bay, để trái tim người Việt luôn thắm tươi màu đỏ của lá cờ. lá cờ đã trở thành  niềm kiêu hãnh của dân tộc ở Vĩ tuyến 17.

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, cột cờ của ta là trọng điểm bị địch đánh phá. Chỉ riêng trong cuộc chiến tranh phá hoại lần hai, địch đánh phá 192 lần, có 6 lần ném bom B52, bắn hơn 2000 quả đạn pháo, 5 lần rải chất độc hóa học trên diện tích gần 2 mẫu, mục đích muốn xóa bỏ lá cờ Tổ quốc của ta. Tổng cộng 11 lần cột cờ gãy, ta đều dựng lại ngay. Cờ được vá đến 2000 lần. Mẹ Diễm, “bà mẹ vá cờ” tóc bạc lưng còng, đêm đêm vá cờ bên ngọn đèn dầu để bộ đội luôn có cờ treo trên đỉnh cột. Trong thời gian diễn ra chiến dịch  Quảng Trị năm 1972, Chỉ huy Mặt trận Đường 9 giao nhiệm vụ cho Đồn biên phòng thắp sáng một ngọn đèn trên đỉnh cột cờ, để ban đêm đồng bào ta ở Quảng Trị sơ tán ra Bắc, để chiến sĩ ta bị lạc biết phương hướng tìm về đơn vị… Cột cờ lại bị đánh phá ác liệt hơn, nhưng chưa bao giờ vắng lá cờ Tổ quốc trên đầu cầu giới tuyến.

Sự hiện diện và tồn tại của lá cờ đỏ sao vàng là một minh chứng khẳng định sự thống nhất, độc lập, tự chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam.Trưa ngày 30/4/1975, lá cờ đó lại tung bay trên nóc phủ Tổng thống Ngụy, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lật đổ hoàn toàn chế độ tay sai đế quốc Mỹ ở Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay hàng chục năm qua và sẽ mãi mãi trong lòng người Việt, vẫy gọi nhân dân ta tiến lên trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh theo định hướng XHCN. Lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - ngọn cờ đại nghĩa của dân tộc sẽ trường tồn với non sông đất nước Việt Nam.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=co-do-sao-vang-y-chi-quyet-tam-thong-nhat-dat-nuoc-cua-nhan-dan-hai-mien-nam-bac
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com