Thứ tư, 06.06.2018 GMT+7

GÓP PHẦN TÌM HIỂU MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Ngày 21 tháng 4 năm 2016, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1855/ QĐ- HVCTQG của Giám đốc Học viện về việc ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm 10 quy chế, trong đó có quy chế thứ 8: Quy chế Hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy chế Hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm 15 điều, áp dụng đối với hoạt động khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định các hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên; tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học các nhà trường.

Trong quy chế: Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, giảng viên, hiệu trưởng có trách nhiệm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, tài liệu, phương tiện và các thông tin cần thiết cho cán bộ, giảng viên hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những căn cứ đánh giá, xếp loại danh hiệu thi đua của cán bộ, giảng viên hằng năm. Quy chế quy định rõ, hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường chính trị tỉnh bao gồm các nội dung sau:

1. Nghiên cứu đề án khoa học cấp nhà nước, cấp tỉnh;

2. Nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở (cấp trường), cấp khoa;

3. Nghiên cứu biên soạn chương trình đào tạo, bồi dưỡng của trường;

4. Biên soạn tập bài giảng tình hình, nhiệm vụ của địa phương;

5. Nghiên cứu biên soạn lịch sử trường, địa phương;

6. Tham gia hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở, cấp khoa;

7. Nghiên cứu viết bài công bố trên báo, bản tin, kỷ yếu khoa học, tạp chí in và điện tử của trường, địa phương, trung ương, quốc tế;

8. Khảo sát thực tế theo kế hoạch phục vụ giảng dạy, học tập nghiên cứu đề án, đề tài khoa học;

9. Nghiên cứu viết sáng kiến - kinh nghiệm phục vụ giảng dạy và học tập.

Thực hiện quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ hằng năm đều triển khai thực hiện nghiêm túc các hoạt động nghiên cứu khoa học. Để thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì trước hết chúng ta phải hiểu rõ: sáng kiến kinh nghiệm là gì? Đề tài nghiên cứu khoa học là gì? Phân biệt được sáng kiến kinh nghiệm với đề tài nghiên cứu khoa học và mức độ giá trị khoa học của chúng để giúp cho mỗi cán bộ, giảng viên nhà trường tích lũy thêm nhiều kiến thức khoa học phục vụ cho hoạt động nghiên cứa khoa học cho bản thân và tập thể đạt chất lượng và kết quả tốt nhất.

* Sáng kiến, kinh nghiệm:

Theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP của Chính phủ ban hànhngày 02/03/2012 về Ban hành điều lệ sáng kiến Chính phủ, quy định: Điều 3. Sáng kiến: Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực.

Luật thi đua khen thưởng 2013 đã đưa ra khái niệm: “sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận”.

Kinh nghiệm là những hiểu biết do trông thấy, nghe thấy, do từng trải mà có. Kinh nghiệm là những tri thức do quy nạp và thực nghiệm đem lại, đã được chỉnh lý và phân lọai để lập thành cơ sở của khoa học. Như vậy nói tới kinh nghiệm là nói đến những việc đã làm, đã có kết quả, đã được kiểm nghiệm trong thực tế, không phải là những việc dự định hay còn trong ý nghĩ.

Trong hoạt động giáo dục: “sáng kiến - kinh nghiệm” là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà người viết tích lũy được trong thực tiễn công tác giảng dạy và giáo dục, bằng những họat động cụ thể đã khắc phục được những khó khăn mà với những biện pháp thông thường không thể giải quyết được, góp phần nâng cao hiệu quả rõ rệt trong công tác của người giảng viên.

* Nghiên cứu khoa học và đề tài nghiên cứu khoa học:

Nghiên cứu:Xem xét, tìm hiểu kỹ để nắm vững vấn đề, giải quyết vấn đề hay để rút ra những hiểu biết mới. (Từ điển Tiếng Việt - Nxb Đà Nẵng, 2013, tr. 876).

Khoa học:là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (Điều 3: Luật số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về Luật Khoa học & Công nghệ).

Nghiên cứu khoa học (NCKH):là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. (Điều 3: Luật số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về Luật Khoa học & Công nghệ).

Hoạt động  nghiên cứu khoa học về bản chất là một loại hoạt động nhận thức của con người, nhóm người trong xã hội - Nhận thức khoa học. Khác với các loài nhận thức khác (nhận thức cảm tính, nhận thức thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày), nhận thức khoa học (hoạt động NCKH) đã được phát triển ở cấp độ cao hơn - nhận thức lý tính (nhận thức bản chất, quy luật của các sự vật, hiện tượng). Thuộc tính cơ bản của hoạt động NCKH là hoạt động tư duy, trí tuệ, hoạt động tinh thần; là lao động trí óc. (Một số vấn đề cơ bản về khoa học luận - Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tr.41)

Đề tài NCKH:Là một nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm phát hiện quy luật, mô tả, giải thích nguyên nhân vận động của sự vật, hiện tượng hoặc sáng tạo nguyên lý, những giải pháp, bí quyết, sáng chế... được thể hiện dưới các hình thức: Đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài nghiên cứu ứng dụng, đề tài triển khai thực nghiệm hoặc kết hợp cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm. (Thông tư liên tịch số: 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007, thông tư hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước)

Viết sáng kiến - kinh nghiệm là viết lại một cách rõ ràng, hệ thống những kinh nghiệm của bản thân đối với công việc mình đảm trách đã mang lại hiệu quả thiết thực, mà nếu người khác không có kinh nghiệm thì không thể đạt được kết quả, hiệu quả công việc như mong muốn. Cho nên, khi viết sáng kiến- kinh nghiệm, người viết cần nêu, giải quyết từng vấn đề bằng phương pháp, biện pháp thực hiện cụ thể, biết cách đối chiếu so sánh thông qua các số liệu để nêu bật tác dụng của cách làm do kinh nghiệm của bản thân người thực hiện đem lại. Sau khi đã đặt vấn đề, giải quyết vấn đề một cách rõ ràng, người viết phải biết kết luận vấn đề để từ đó nêu kiến nghị, đề xuất ý kiến… nhằm thỏa mãn những ý tưởng, cách tiếp cận, phát triển và kết luận của sáng kiến kinh nghiệm.

Khác với viết sáng kiến - kinh nghiệm, làm NCKH là thực hiện một đề tài không còn đơn thuần mang tính chủ quan, cá nhân nữa, mặc dù có thể chỉ một người thực hiện. Đã gọi là đề tài nghiên cứu khoa học, ngoài những tiêu chí mang tính nội dung và hình thức, bao giờ cũng phải có cơ sở khoa học - một trong những nội dung cần thiết để tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa công trình NCKH và sáng kiến - kinh nghiệm. Điều cần thiết và quan trọng là người làm NCKH phải tuân thủ những nội dung, quy định, yêu cầu và quy trình một cách nghiêm túc (những yêu cầu phải có của cấu trúc một đề tài khoa học). Như vậy, sáng kiến - kinh nghiệm và nghiên cứu khoa học có những điểm tương đồng vì đều mang tính cấu trúc và nội dung được thể hiện bằng văn phong nghị luận nên chặt chẽ, lô gíc, mạch lạc, hệ thống…

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, và hoạt động NCKHnói riêngcủa Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trực tiếp là Vụ các trường chính trị, Vụ quản lý khoa học.

Song hành với công tác giảng dạy, nhiệm vụ NCKH luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao. Bước vào năm học, Ban Giám hiệu nhà trường ban hành Kế hoạch hoạt động NCKH. Đến cuối các năm học, nhà trường đều có Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động NCKH trong năm và phương hướng, nhiệm vụ trong năm học tiếp theo. Trên cơ sở Quy chế hoạt động NCKH của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, qua đó, thúc đẩy hoạt động NCKH của nhà trường đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách và các nguồn khác cho việc nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, kinh phí đi nghiên cứu thực tế, đặc biệt là đề tài khoa học cấp cơ sở.

Từ năm 2010 đến nay, cán bộ, giảng viên nhà trường đã thực hiện, nghiên cứu hơn 100 đề tài NCKH và sáng kiến kinh nghiệm; trong đó có 07 đề tài khoa học cấp tỉnh, 65 đề tài khoa học cấp khoa, phòng đến cấp trường, 36 sáng kiến kinh nghiệm. Các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm tập trung nghiên cứu, làm rõ thêm giữa lý luận và thực tiễn, về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những chính sách, chế độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, tiêu biểu: Quy định một số điểm cụ thể về công tác Thi đua, khen thưởng ở trường Chính trị tỉnh Phú Thọ; Quy chế chi tiêu nội bộ của trường Chính trị tỉnh Phú Thọ... Qua tổ chức nghiệm thu, đánh giá của Hội đồng khoa học các cấp, kết quả các đề tài khoa học cơ sở và sáng kiến kinh nghiệm đạt từ loại khá trở lên và được đưa vào phục vụ cho công tác chi trả chế độ cho cán bộ giảng viên, tuyên truyền, giảng dạy lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường.Chất lượng, hiệu quả và tính ứng dụng của các đề tài, dự án ngày càng được nâng lên phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Các cán bộ, giảng viên nhà trường cơ bản đã nhận thức rõ về vai vai trò, vị trí công tác NCKH, chủ động, tích cực, say mê đăng ký và thực hiện các đề tài, dự án khoa học gắn với chuyên môn, nghiệp vụ để từng bước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu khoa học và viết sáng kiến kinh nghiệm, trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là: Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường để mỗi giảng viên thấy được giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ đó từng cá nhân, tự giác, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát huy được tính sáng tạo và tiềm năng của từng người.

Hai là: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên kiến thức về lý luận nghiên cứu khoa học, về phản biện khoa học; đồng thời có hướng dẫn cụ thể về nội dung nghiên cứu theo các hướng: nghiên cứu ứng dụng viết các sáng kiến - kinh nghiệm trong công tác quản lý và phục vụ quá trình giảng dạy; nghiên cứu ứng dụng trực tiếp của quá trình đào tạo: mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp dạy học… nghiên cứu ứng dụng - triển khai trong các hoạt động thực tế.

Ba là: Phát huy vai trò của các khoa, phòng trong việc thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm. Các phần học môn học cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, đôn đốc, theo dõi, đánh giá, các công trình, giải pháp, sáng kiến của các cá nhân. Đưa nội dung công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến, kinh nghiệm là một nội dung bắt buộc trong các buổi sinh hoạt định kỳ của nhà trường.

Bốn là: Có chế độ khuyến khích, đãi ngộ hợp lý; đầu tư kinh phí thích đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học để khuyến khích, động viên tính tích cực của cán bộ, giảng viên. Kết quả nghiên cứu khoa học được xem là một tiêu chuẩn để xếp loại thi đua hằng năm. Tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên và học viên đi tham quan, nghiên cứu thực tế để cập nhật kiến thức, nâng cao hiệu quả việc tìm kiếm tham khảo tài liệu, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức thực tế vận dụng vào công tác nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=gop-phan-tim-hieu-mot-so-noi-dung-trong-quy-che-hoat-dong-nghien-cuu-khoa-hoc-o-truong-chinh-tri-tinh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com