Thứ tư, 06.06.2018 GMT+7

TÌM HIỂU KHÁI NIỆM TỘI PHẠM TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 2015

Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 với nhiều quy định mới, đặc biệt là khái niệm tội phạm. Đó là một trong những vấn đề cơ bản của Bộ luật Hình sự, vì bản chất của khái niệm tội phạm có tính khoa học thể hiện tập trung quan điểm của Nhà nước về tội phạm. Đồng thời là căn cứ để xác định tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm pháp lý.

Điều 8, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

Bộ Luật hình sự năm 1999 đã định nghĩa khái niệm tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an  ninh, trật tự an toàn xã hội quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Từ hai khái niệm trên cho thấy, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm “quyền con người” vào các quan hệ xã hội được bảo vệ. Đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Quy định đó hoàn toàn phù hợp, nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người được quy định tại Điều 3: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Hơn nữa, trong Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định con người là chủ thể của tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015, chủ thể của tội phạm đã được mở rộng hơn, gồm cả con người và pháp nhân thương mại. Vì trong thực tế pháp nhân thương mại đã thực hiện nhiều hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng xuất phát từ tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại thực hiện diễn ra trong những năm qua ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động...Những hành vi vi phạm pháp luật nói trên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và có tính chất, mức độ nguy hiểm như tội phạm nhưng do chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự nên không thể xử lý hình sự với những pháp nhân thương mại đó mà chỉ có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc nhắc nhở yêu cầu sửa chữa, khắc phục hậu quả.

Mặt khác, về cơ chế xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại áp dụng đối với pháp nhân thương mại vi phạm trên thực tế chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho người bị thiệt hại.

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, trên thế giới có  nhiều nước đã quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là tạo ra sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư. Hơn nữa, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại chính là việc nội luật hóa các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định về tính phải bị xử lý hình sự, đến Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành thì các nhà làm luật đã tạo cơ sở pháp lý khẳng định tội phạm phải bị xử lý hình sự là một dấu hiệu của tội phạm nhằm nhấn mạnh tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục, ngăn ngừa tội phạm mới cũng như khẳng định tính tất yếu khách quan của quy định này.

Như vậy, so với Bộ luật Hình sự năm 1999, khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều điểm mới bổ sung theo hướng chặt chẽ, khoa học và phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-khai-niem-toi-pham-trong-bo-luat-hinh-su-viet-nam-nam-2015
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com