Thứ năm, 31.05.2018 GMT+7

TÌM HIỂU CÁC HÀNH VI BỊ CẤM THEO QUY ĐỊNH LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ NĂM 2012

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Theo đó, luật quy định quyền và nghĩa vụ công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

* Về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá:

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nêu rõ: Người dân được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

* Về các hành vi bị nghiêm cấm, Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm:

+ Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu;

+ Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức;

+ Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định;

+ Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá;

+ Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá;

+ Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;

+ Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.

+ Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em;

+ Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá. 

* Về các địa điểm cấm hút thuốc lá

Luật cũng quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn ở các địa điểm sau đây:

+ Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

+ Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định

+ Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

+ Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

+ Quy định nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

* Về nghĩa vụ của người hút thuốc lá:

Luật quy định người hút thuốc có nghĩa vụ: Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi; giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

Hàng năm, vào ngày 31 tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác cùng kỷ niệm Ngày Thế giới Không thuốc lá. Mục đích nhằm nêu bật những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm sử dụng thuốc lá. Năm 2018, chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá là “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch, đồng thời kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời, hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá, ưu tiên thúc đẩy các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trong các chương trình mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đồng thời khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Vì vậy, các cơ quan, đoàn thể, mỗi công dân cần tuyên truyền và cung cấp thông tin và hiểu về tác hại của hút thuốc lá, hút thuốc lá thụ động, xây dựng ý thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm cho mỗi công dân về chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời cần tìm hiểu các hành vi bị cấm, góp phần nâng cao nhận thức cho bản thân cũng như gia đình và xã hội về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-cac-hanh-vi-bi-cam-theo-quy-dinh-luat-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-nam-2012
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com