Thứ ba, 29.05.2018 GMT+7

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUẬT THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM NĂM 2015

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội khóa XIII đã thông qua ngày 25/11/2015 tại kỳ họp thứ 10, gồm 11 chương, 73 điều, có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2018 với những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, về khái niệm người bị tạm giữ, tạm giam

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015quy định: “Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”. Đối với người bị tạm giam, luật đã quy định cụ thể đầy đủ là “Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ”.

Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định hẹp hơn so với người thân thích của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Bộ luật tố tụng hình sự. Đối tượng là thân nhân được mặc nhiên thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam; còn những người khác không phải là thân nhân muốn gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.

Thứ hai, quy định về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành về hệ thống tổ chức của các trại tạm giam, nhà tạm giữ trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân và buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng; đồng thời, để phù hợp với quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng tại Chương II, gồm 6 điều (từ Điều 10 đến Điều 15) quy định về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; hệ thống tổ chức cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; nhiệm vụ, quyền hạn của nhà tạm giữ, trại tạm giam; cơ cấu, tổ chức của nhà tạm giữ, trại tạm giam và buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng.

Thứ ba, quy định về chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ đối với người người bị kết án tử hình đang bị tạm giam

Trên cơ sở các nguyên tắc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được quy định tại Điều 4 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, tại các Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI đã quy định cụ thể về chế độ quản lý giam giữ, chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam.So với Luật cũ, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định có cân nhắc hơn, chỉ cùm một chân khi người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân… Ngoài ra, việc cùm chân không áp dụng đối với người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ, người khuyết tật nặng, người đủ 70 tuổi trở lên.

  Các quy định này nhằm đảm bảo tốt hơn cho việc quản lý giam giữ, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án; nhưng cũng đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. 

Thứ tư, về bảo đảm điều kiện quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

 Các điều kiện để bảo đảm quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được quy định tại Chương VII của Luật với 4 điều (từ Điều 38 đến Điều 41), quy định về bảo đảm biên chế nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ; cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. 

 Để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam tại Chương VIII với 2 điều (Điều 42 và Điều 43), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

 Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tại Chương IX, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; người bị tạm giữ, người bị tạm giam và mọi người có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ năm, quy định trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Luật quy định trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Trong đó, Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam. 

Có thể thấy, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 được ban hành với nhiều nội dung mới, quy định cụ thể, rõ ràng, tháo gỡ những khó khăn, bất cập, hạn chế; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ và phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nhung-dieu-can-biet-ve-luat-thi-hanh-tam-giu-tam-giam-nam-2015
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com