Thứ tư, 23.05.2018 GMT+7

GIỚI THIỆU MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HỒI TỴ THỜI PHONG KIẾN CỦA VIỆT NAM

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng chính là việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11, Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định liên quan đến công tác cán bộ tại Khoản 3, Điều 37 như sau:

"Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó". Đây là quy định nhằm góp phần phòng ngừa tham nhũng xảy ra trong các cơ quan, đơn vị. Thực chất, không phải đến nay mới có những quy định hạn chế việc sử dụng cán bộ trong cơ quan, đơn vị nhằm phòng ngừa tham nhũng. Trong quá trình cải cách hành chính của nhà nước ta, đã có những quy định về vấn đề này với phạm vi rộng hơn.

Chính sách hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) về việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến. Trong cuộc cải cách nền hành chính quốc gia, nhà vua đã đặt trọng tâm vào việc cải cách thể chế và công tác cán bộ, đưa ra các quy định về công tác cán bộ như sau:

- Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị huyện hoặc tỉnh mà ông ta xuất thân từ đó.

- Không được bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo.

-Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh hoặc một huyện, một viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó.

- Một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.            

Những quy định về chính sách hồi tỵ thường xuyên được sửa đổi, bổ sung trong thời gian sau đó.

Trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) có quy định: "Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc".

Sau này, dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841) triều Nguyễn, chính sách hồi tỵ được kế thừa và phát triển ở mức độ cao hơn, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới. Năm 1831, Luật Hồi tỵ được ban hành, và được sửa đổi bổ sung vào năm 1836.

Một số nội dung tập trung vào các vấn đề sau:

- Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Đối với Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không phải áp dụng Luật "Hồi tỵ".

- Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.

- Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc.

- Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.

- Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.

- Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.

- Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác.

- Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình.

Sau này, vua Thiệu Trị (1807 – 1847) còn quy định thêm: Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh.

Những quy định này đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước được củng cố, tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa, các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả hơn.

Thực tiễn đã chứng minh, những quy định về chính sách hồi tỵ đã phát huy được hiệu quả tích cực trong quá trình cải cách hành chính nhà nước Việt Nam nói chung, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước ta nói riêng và có thể phát huy hơn nữa hiệu quả nếu được kế thừa, nghiên cứu, xem xét, đề ra những quy định phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian tới.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=gioi-thieu-mot-so-quy-dinh-cua-luat-hoi-ty-thoi-phong-kien-cua-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com