Thứ bảy, 05.05.2018 GMT+7

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TỈNH PHÚ THỌ THỰC HIỆN PHƯƠNG CHÂM “DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, DÂN KIỂM TRA”

Phú Thọ là tỉnh miền núi với diện tích tự nhiên 3.534,42 km2, dân số gần 1,4 triệu người với 34 dân tộc cùng chung sống (dân tộc thiểu số chiếm 16%). Tỉnh có 13 huyện, thành, thị với 277 xã, phường, thị trấn; có 18 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 784 tổ chức cơ sở đảng, 5.488 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, tổng số 93.923 đảng viên. Nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng Sông Hồng và Tây Bắc; cửa ngõ phía Tây Hà Nội và địa bàn vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng để sản xuất kinh doanh, giao lưu, phát triển kinh tế với cả trong và ngoài nước.

Thực hiện Công văn số 773-CV/BDVTW ngày 10/3/2017 của Ban Dân vận Trung ương về việc báo cáo thực trạng thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giám sát cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống; lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát, đăng ký chương trình giám sát với cấp ủy. Tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý của đoàn viên, hội viên, Nhân dân vào dự thảo Văn kiện đại hội Đảng các cấp, dự thảo luật, dự thảo quy hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Căn cứ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị; các cấp uỷ đảng đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện phương châm; cụ thể hoá phương châm thành nội dung, chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát; đưa việc thực hiện phương châm thành tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Tập trung kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý thu chi ngân sách, quản lý doanh nghiệp, quản lý các dự án đầu tư, mua sắm tài sản công; việc đề bạt, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm; qua đó đã góp phần hạn chế, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã cụ thể hóa phương châm thành chương trình, kế hoạch, các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện, phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động... Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện dân chủ dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, nhất là đối với những người cao tuổi, chức sắc tôn giáo, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhằm thông qua các vị này để tuyên truyền, phổ biến nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở tới mọi tầng lớp nhân dân. Chủ động nắm bắt tình hình; tập hợp các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phản ánh kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng;chủ động phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản thực hiện phương châm; nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, Nhân dân; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở; trong tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh có nơi, có lúc còn chưa hiệu quả, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực tế còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao; đối tượng giám sát còn quá rộng nên việc đánh giá chưa đầy đủ, khách quan; việc giám sát kết luận của người chủ trì tại hội nghị đối thoại, kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng có việc chưa được thực hiện. Một số nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thực hiện và công khai đầy đủ, đặc biệt ở các lĩnh vực liên quan đến thu - chi ngân sách địa phương, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằngvà bố trí tái định cư; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động do Nhân dân đóng góp.

Để khắc phục những hạn chế đã nêu trên, trong thời gian tới Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp và từng cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện tiêu chuẩn đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện quy chế đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện cơ chế "một cửa" tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; thực hiện quy chế làm việc và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cấp uỷ các cấp.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung kiểm tra, thanh tra đối với một số lĩnh vực trọng điểm, như: quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản; quản lý đầu tư các chương trình, dự án, quản lý thu, chi ngân sách; mua sắm và quản lý tài sản công; quản lý hoạt động tín dụng ngân hàng, thực hiện chính sách an sinh xã hội và công tác cán bộ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, các doanh nghiệp chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên./.

Nguồn: Báo cáo số 164 - BC/TU,ngày 07/4/2017 về thực trạng thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; phát huy vai trò của Nhân dân góp phần đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mat-tran-to-quoc-va-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-tinh-phu-tho-thuc-hien-phuong-cham-dan-biet-dan-ban-dan-lam-dan-kiem-tra
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com