Thứ tư, 02.05.2018 GMT+7

MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11 – NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 27/4/2017 của Bộ Chính trị về công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và chương trình hành động của Tỉnh ủy, về công tác Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng, cụ thể:

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của cán bộ nữ; công tác quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ theo tiêu chuẩn, chức danh các cấp, ngành, đơn vị được cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo thường xuyên. Tỉnh ủy đã tập trung triển khai hiệu quả đề án 664, đề án 1891 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, giai đoạn 2008 – 2012, 2013 – 2017. Kết quả tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước đạt 37%, vượt 7% hàng năm; số nữ tiến sỹ, thạc sỹ chiếm 36,22% vượt16,22%; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành MTTQ và đoàn thể các cấp 37%, Ban Thường vụ 15% đạt chỉ tiêu đề ra.

Công tác phát triển đảng viên nữ được chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả, trong 10 năm đã kết nạp mới trên 13.600 đảng viên nữ, nâng tỷ lệ đảng viên nữ từ 28,7% lên 35%.

Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội, kết nạp hội viên mới, thu hút hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt, gắn bó với tổ chức Hội được thực hiện với nhiều hình thức sinh hoạt, đạt kết quả tốt. Đến nay, toàn tỉnh có 277 tổ chức cơ sở hội, 3010 chi hội, 2064 tổ phụ nữ; tỷ lệ thu hút hội viên đạt 80,15% (tăng 4,1%); có 266/277 hội cơ sở xếp loại vững mạnh, chiếm 96,02% không còn cơ sở hội xếp loại trung bình.

Công tác phối hợp giữa Hội phụ nữ với chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với thực hiện nhiệm vụ của các cấp hội được duy trì, đẩy mạnh. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội được quan tâm thực hiện, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, yêu cầu công việc.

Hằng năm, các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng tổ chức tập huấn về bình đẳng giới, kiến thức về gia đình, tuyên truyền chức năng bảo vệ phụ nữ của pháp luật…cho trên 160.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Công tác giáo dục truyền thống, phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, hội viên phụ nữ được triển khai thực hiện có chiều sâu về nội dung dưới nhiều hình thức đa dạng như: tập huấn, tọa đàm, hội thảo, xây dựng tủ sách, tài liệu…chính quyền các cấp đã tăng cường trách nhiệm, triển khai thực hiện đảm bảo hệ thống các chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Các ngành chức năng đã phối hợp tích cực với Hội phụ nữ, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tham gia xây dựng, góp ý sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách, dự thảo Luật bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tăng cường phối hợp triển khai thực hiện quả Chiến lược về Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016 - 2020. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, chiến lược giáo dục - đào tạo, Quyền bình đẳng của phụ nữ trên lĩnh vực kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực cả trong gia đình và xã hội. Hằng năm, có từ 8.000 đến 10.000 lao động nữ được giải quyết việc làm, từ 4.000 đến 6.000 lao động nữ được đào tạo nghề, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có xu hướng tăng lên.

Hội phụ nữ các cấp tổ chức giám sát hàng trăm cuộc về các vấn đề an sinh xã hội trực tiếp liên quan hoặc tác động đến các tầng lớp phụ nữ. Công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng trên các lĩnh vực được thực hiện đồng bộ. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có trạm y tế, tủ thuốc thiết yếu, có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 15,14%; tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai nghén đạt 99,9%. Hàng ngàn tấm gương gia đình tiêu biểu đạt 4 chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…được biểu dương đã kịp thời động viên, khích lệ các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh.

Tuy nhiên, một số ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện mục tiêu nghị quyết đề ra chưa sát sao, biện pháp thực hiện thiếu cụ thể, việc lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa rõ nét. Còn nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa có tổ chức công đoàn, ban nữ công. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội phụ nữ, nhất là cấp cơ sở, có lúc, có nơi chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác vận động phụ nữ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác phụ nữ. Các cấp ủy cần đưa nội dung thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ vào chương trình công tác của cấp ủy để chỉ đạo thực hiện.

Hai là, tiếp tục tăng cường trách nhiệm phối hợp thực hiện hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới của chính quyền, các ngành chức năng, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là việc thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, chiến lược phát triển các gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ nữ.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng người phụ nữ đất Tổ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Các cấp Hội phụ nữ phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu, đề xuất thực hiện các chính sách, chương trình hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình…đẩy mạnh tuyên truyền các tầng lớp phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ nữ đảm bảo tỷ lệ theo quy định.

Năm là, tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt của Hội trong công tác vận động phụ nữ. Các cấp Hội phụ nữ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình tập hợp phụ nữ. Phát huy quyền làm chủ, vai trò nòng cốt của hội viên phụ nữ trong triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng. Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về  “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

(Nguồn số liệu: Báo cáo Hội nghị lấy ý kiến sơ kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X), tháng 4/2017 Báo cáo HLHPN Tỉnh Phú Thọ về thực hiện đề án 1891 và 664 vềcông tác phụ nữ giai đoạn 2008 - 2012; 2013 - 2017)

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-ket-qua-trong-qua-trinh-thuc-hien-nghi-quyet-so-11-nqtw-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-phu-nu-tren-dia-ban-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com