Thứ sáu, 27.04.2018 GMT+7

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ CƠ CHẾ PHÂN BỔ NGUỒN LỰC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Hơn 30 năm đổi mới, cùng với quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường thì những nhận thức về nguồn lực và cơ chế phân bổ nguồn lực trong phát triển kinh tế của Đảng ta cũng có sự thay đổi và phát triển. Từ quan niệm nhà nước là chủ thể duy nhất phân bổ tất cả nguồn lực kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thì đến nay cơ chế thị trường được xác định “đóng vai trò chủ yếu trong việc huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực phát triển”. Nhà nước có vai trò định hướng sự phát triển trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Việc đưa cơ chế thị trường vào phân bổ các nguồn lực cho phát triển kinh tế đã giúp Việt Nam đã thoát được tình trạng kém phát triển và gia nhập nhóm quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp dân cư được cải thiện, đặc biệt là kết quả xóa đói, giảm nghèo, tình hình chính trị, xã hội quốc gia ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Điều này đạt được nhờ sự thay đổi về tư duy phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế diễn ra dần dần trong suốt thời kỳ đổi mới. Những chuyển biến đầu tiên trong nhận thức của Đảng về vấn đề này được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết Đảng kể từ Đại hội VI.

Đại hội VI khẳng định: “Để tháo gỡ khó khăn, tạo ra động lực mới, phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với nội dung chủ yếu là xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, sửa đổi các chính sách đòn bẩy kinh tế, hình thành cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh XHCN đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; thiết lập trật tự, kỷ cương”. Cơ chế kế hoạch hóa mặc dù vẫn còn là cơ chế quản lý chủ đạo nhưng cần được đổi mới về cả nội dung và phương pháp, trong đó “phải vận dụng đúng đắn và rộng rãi quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quan hệ thị trường trong công tác kế hoạch hóa.”

Trong Nghị quyết Đại hội VII, nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã được khẳng định là “Nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác”. Vai trò của thị trường và vai trò của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực cũng được phân định: “Thị trường trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn lĩnh vực hoạt động, mặt hàng, quy mô, công nghệ và hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong môi trường hợp tác và cạnh tranh”. Như vậy, cơ chế thị trường đã được thừa nhận là một trong những cơ chế phân bổ nguồn lực để đạt hiệu quả kinh tế. Nhà nước thực hiện vai trò quản lý vĩ mô và là một chủ thể quản lý, phân bổ nguồn lực nhà nước cho sự phát triển kinh tế.

Đại hội VIII tiếp tục khẳng định một bước tiến mới trong nhận thức của Đảng về cơ chế phân bổ nguồn lực dựa vào thị trường: “Thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch. Kế hoạch chủ yếu mang tính định hướng và đặc biệt quan trọng trên bình diện vĩ mô. Thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh”. Tuy nhiên, “Cơ chế thị trường đòi hỏi phải hình thành một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp, văn minh. Cạnh tranh vì lợi ích phát triển đất nước, chứ không phải làm phá sản hàng loạt, lãng phí các nguồn lực thôn tính lẫn nhau”. Đảng đã chỉ ra mặt trái của phân bổ nguồn lực nếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường. Vì vậy, yêu cầu về quản lý của Nhà nước cũng được xác định rõ: “Vận dụng cơ chế thị trường đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản lý vĩ mô của Nhà nước, nhằm phát huy tác dụng tích cực đi đôi với ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những mặt tiêu cực. Phải xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành đồng bộ các yếu tố của thị trường, đồng thời xây dựng và hoàn thiện các công cụ pháp luật, kế hoạch, các thiết chế tài chính, tiền tệ và những phương tiện vật chất và tổ chức cần thiết cho sự quản lý của Nhà nước, tạo điều kiện cho cơ chế thị trường hoạt động hữu hiệu”.

Đại hội IX tiếp tục khẳng định: “Sử dụng cơ chế thị trường, áp dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý của kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất”, “Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt quan tâm các thị trường quan trọng nhưng hiện chưa có hoặc còn sơ khai như: thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ”. Như vậy, Đảng đã nhận thức được việc phân bổ các nguồn lực kinh tế cơ bản phải thông qua các thị trường đặc thù và cần phải hoàn thiện các loại thị trường quan trọng này. Vai trò của Nhà nước thể hiện ở việc “tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp cạnh tranh và hợp tác để phát triển; bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, kết hợp với sử dụng lực lượng vật chất của Nhà nước để định hướng phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hợp lý các nguồn lực của đất nước, bảo đảm cân đối vĩ mô nền kinh tế, điều tiết thu nhập”.

Đại hội X xác định rõ hơn các chức năng cơ bản của Nhà nước là: “Định hướng sự phát triển bằng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của thị trường… Tạo môi trường pháp lý và cơ chế, chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực của xã hội cho phát triển… Hạn chế các rủi ro và tác động tiêu cực của cơ chế thị trường”.

Nghị quyết đại hội XI khẳng định: “Nhà nước quản lý điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát thị trường tài chính, chủ động điều tiết, giảm các tác động tiêu cực của thị trường, không phó mặc cho thị trường hoặc can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường”. Do vậy, Đảng đã nhận thấy cần thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường là điều kiện đảm bảo thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế.

Đại hội XII, Đảng khẳng định rõ ràng trong nghị quyết chính thức về cơ chế phân bổ nguồn lực phát triển: “thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất”. Đặc biệt, Đảng cũng khẳng định: “các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”. Khi đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế”. Trong kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo nghị quyết Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh: “Phải hiểu rõ mô hình tăng trưởng mà nước ta đổi mới, xây dựng là mô hình tăng trưởng ngày càng dựa nhiều hơn vào năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo tín hiệu và cơ chế thị trường”.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-diem-cua-dang-cong-san-viet-nam-ve-co-che-phan-bo-nguon-luc-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com