Thứ tư, 18.04.2018 GMT+7

GẮN THỰC TIỄN VÀO GIẢNG DẠY MÔN NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN Ở CƠ SỞ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TC LLCT - HC

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”.

Có thể khẳng định, công tác dân vận là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Xác định đúng vị trí, vai trò của công tác dân vận, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác dân vận, luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và xem đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác dân vận càng phải được phát huy để tập trung sức mạnh toàn dân, khơi dậy nội lực kết hợp với sức mạnh bên ngoài tạo thành động lực to lớn để hoàn thành mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Môn “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính thực chất là một môn học về nghiệp vụ công tác dân vận, chỉ được nghiên cứu khi học tại các trường chính trị tỉnh và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Mặt khác, giảng viên giảng dạy bộ  môn này hầu hết đều không được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành mà phải tự nghiên cứu; học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ thầy cô đi trước; nhất là tổng kết thực tiễn để vận dụng trong mỗi bài giảng.

Thực tiễn ở cơ sở sẽ cung cấp những tư liệu “sống” giúp giảng viên tự tin hơn khi đứng trên bục giảng và vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình; tạo được sự lôi cuốn cho người học, làm cho không khí buổi học sinh thêm động và hấp dẫn. Vì vậy, để giảng dạy môn “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” có sức thuyết phục, cần phải gắn thực tiễn vào từng chuyên đề cụ thể. Nếu người học làm rồi, biết rồi nhưng chưa nắm được lý luận một cách hệ thống, lôgic; mà giảng viên biết gắn thực tiễn vào giảng dạy thì sẽ giúp người học thấy lý luận đó rất gần gũi, sát đúng với những gì họ đang làm ở cơ sở; từ đó, sẽ tạo điều kiện cho họ nắm bắt lý luận nhanh hơn, quán triệt và vận dụng đúng những quan điểm, nguyên tắc công tác vận động quần chúng của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Trong quá trình giảng dạy các chuyên đề của môn học như: Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc; Nghiệp vụ công tác Công đoàn; Nghiệp vụ công tác Hội nông dân; Nghiệp vụ công tác Đoàn thanh niên; Nghiệp vụ công tác Hội phụ nữ; Nghiệp vụ công tác Hội cựu chiến binh, ngoài việc cung cấp cho học viên nắm được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và các nghiệp vụ công tác cụ thể của tổ chức Hội ở cơ sở; giảng viên phải chỉ ra được những cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến gắn với phong trào hoạt động cụ thể của từng tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân Việt Nam phát động hoặc ba phong trào hành động cách mạng của tổ chức Đoàn hiện nay là “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo” và “Tuổi trẻ xung kích  bảo vệ Tổ quốc”,v.v. Bên cạnh đó, giảng viên cũng phải chỉ ra những hạn chế họ thường mắc phải và cách tháo gỡ khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia thực hiện các chương trình, phong trào của Hội cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

Điều đó đòi hỏi giảng viên phải tăng cường đi nghiên cứu thực tế, tham quan các mô hình; đọc sách báo, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ Hội, cán bộ Đoàn ở cơ sở. Đặc biệt cần chú trọng khai thác thông tin từ học viên là cán bộ Đoàn, cán bộ Hội tham gia các lớp bồi dưỡng ở trường hàng năm, đây là một kênh rất thuận lợi và hiệu quả để giảng viên có thêm kiến thức thực tiễn phục vụ hoạt động giảng dạy.

Có thể khẳng định, việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy luôn là một yêu cầu thường xuyên và cần thiết đối với giảng viên khi giảng dạy môn “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” nói riêng và các môn học khác trong chương trình trung cấp LLCT - HC nói chung. Mỗi giảng viên cần tăng cường hơn nữa việc gắn lý luận với thực tiễn, thông qua đó vừa nâng cao năng lực, kiến thức của giảng viên và chất lượng giảng dạy của khoa chuyên môn,đồng thời xây dựng ý thức, thái độ học tập đúng của học viên; giúp người học vận dụng những kiến thức lý luận vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn một cách hiệu quả nhất, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=gan-thuc-tien-vao-giang-day-mon-nghiep-vu-cong-tac-mat-tran-to-quoc-va-cac-doan-the-nhan-dan-o-co-so-trong-chuong-trinh-tc-llct-hc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com