Thứ sáu, 13.04.2018 GMT+7

HAI THỜI ĐẠI, MỘT PHƯƠNG CHÂM “THẦN TỐC, TÁO BẠO VÀ BẤT NGỜ”

“Thần tốc, táo bạo và bất ngờ” là một nét đặc sắc của nghệ thuật dùng binh của dân tộc ta từ xưa tới nay. Nó xuất hiện sớm và ngày càng phát triển sáng tạo trong quá trình đấu tranh vì độc lập tự do, vì non sông Tổ quốc.

Trong lịch sử dân tộc, Lý Thường Kiệt đã hết sức táo bạo trong hành quân, khi ông thực hiện chiến lược “tiên phát chế nhân” (đánh trước để chặn mũi nhọn của quân địch). Lịch sử cũng đã ghi nhận và ngợi ca tài quân sự tuyệt vời của Quang Trung – Nguyễn Huệ về lối đánh thần tốc, táo bạo, bất ngờ và mãnh liệt. Nghệ thuật dụng binh thần tốc của Nguyễn Huệ thể hiện trong kháng chiến chống Xiêm (1785) và chống Thanh xâm lược (1789), khi ông hành quân từ Quy Nhơn vào Mỹ Tho thực hiện trận quyết chiến Rạch Gầm – Xoài Mút, hay khi ông từ Phú Xuân (Huế) hành quân ra Bắc thực hiện chiến dịch tiến công Ngọc Hồi – Đống Đa. Sự táo bạo của Nguyễn Huệ thể hiện ở việc ông dám tấn công địch khi chúng còn rất mạnh nhưng thiếu phòng bị. Những đòn đánh tài tình, bất thần, táo bạo đó đã dẫn đến thắng lợi vang dội. Trong chiến dịch Ngọc Hồi- Đống Đa (1789), Nguyễn Huệ đã táo bạo sử dụng lực lượng ít hơn để thực hiện đánh hiểm, điểm huyệt, đánh thọc sâu vào đại bản doanh, vào trung tâm đầu não quân Thanh, khiến chúng trở tay không kịp. Chỉ sau một tháng, trong điều kiện vô cùng khó khăn, Nguyễn Huệ đã thực hiện một cuộc hành quân thần tốc, tập kết quân ở Tam Điệp, rồi cũng chỉ trong chưa đầy 5 ngày đêm đầu xuân Kỷ Dậu (1789), ông đã chỉ huy quân Tây Sơn giải phóng Thăng Long, tiêu diệt và quét sạch 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh cùng hàng vạn quân bán nước Lê Chiêu Thống. Kẻ thù đã phải thừa nhận: “Nguyễn Huệ là tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn hành quân ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỉ thần, không ai có thể lường biết được” (Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn hóa, Hà Nội 1984, tập II).

Hai trăm năm sau, lịch sử đã lặp lại một cuộc tiến công thần tốc, một chiến thắng thần kỳ. Chiến dịch Hồ Chí Minh xuân 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc, như một cột mốc bằng vàng, ghi nhận chiến công mau lẹ thần kỳ của quân và dân ta. Khi thời cơ chiến lược đã xuất hiện, quân và dân cả nước đã thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với quy mô chưa từng có trong lịch sử. Đầu tháng 4-1975 Bộ Chính trị Trung ương Đảng đưa ra nhận định: “cả về thế chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo quân địch, còn địch thì đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế sụp đổ đến nơi của ngụy”. Bộ Chính trị khẳng định: “nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo THẦN TỐC, TÁO BẠO, BẤT NGỜ, CHẮC THẮNG, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”. Chỉ trong 55 ngày đêm, kể từ khi tiếng súng mở màn tiến công Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên, với sức mạnh áp đảo cả về chính trị và quân sự, quân dân ta đã giành toàn thắng trong cả ba chiến dịch lớn, trong đó chiến dịch Hồ Chí Minh - giải phóng Sài Gòn- Gia Định đã diễn ra và dứt điểm nhanh, buộc chính quyền Ngụy đầu hàng vô điều kiện chỉ trong gần 4 ngày đêm (từ 26 đến 30-4). Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chưa bao giờ ta sử dụng một lực lượng quân sự lớn mạnh đến như vậy. Tham gia chiến dịch gồm 5 quân đoàn và đơn vị tương đương tinh nhuệ cùng các lực lượng địa phương. Bên cạnh còn có hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân và binh chủng với nhiều vũ khí và phương tiện kỹ thuật tương đối hiện đại. Đây là một bước phát triển mới, một biểu hiện táo bạo của bộ chỉ huy về việc sử dụng tập trung lực lượng trong một chiến dịch tiến công, nhằm tạo thế mạnh áp đảo, tiêu diệt và làm tan rã tập đoàn phòng ngự lớn có chuẩn bị trước của quân thù tại trung tâm đầu não của chúng. Nếu như trước kia, trong chiến dịch Thăng Long, Nguyễn Huệ đã mạnh bạo sử dụng cùng một lúc hàng trăm voi chiến mang trên mình hỏa hổ, hỏa pháo khiến kị binh của quân Thanh vô cùng khiếp sợ, thì thời hiện đại ở chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã sử dụng khoảng 400 xe tăng và xe bọc thép, hơn hai chục trung đoàn, lữ đoàn, tiểu đoàn pháo binh, tên lửa và cả lực lượng không quân tham gia chiến đấu khiến quân địch hết sức ngạc nhiên.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, với sức mạnh triều dâng bão cuốn, trong một thời gian ngắn quân và dân ta đã đập tan bộ máy quân sự khổng lồ và hiện đại của chính quyền Ngụy Sài Gòn được xếp vào loại mạnh nhất ở Đông Nam Á. Hơn một triệu quân đội Sài Gòn và cả bộ máy chính quyền địch bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hơn 20 năm với 5 đời Tổng thống đã hoàn toàn sụp đổ. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đem lại hòa bình và thống nhất đất nước.

“Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” đã được quân và dân ta phát huy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại để Quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trước tình hình mới.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hai-thoi-dai-mot-phuong-cham-than-toc-tao-bao-va-bat-ngo
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com