Thứ ba, 10.04.2018 GMT+7

HƯỚNG DẪN Đi nghiên cứu thực tế, viết thu hoạch cuối khóa chương trình TCLLCT- HC

Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; Căn cứ Hướng dẫn 134/HD-HVCTQG ngày 21/7/2016 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thực hiện chương trình trung cấp lý luận chính trị- hành chính.

Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ ban hành Hướng dẫn thực hiện việc đi nghiên cứu thực tế, viết thu hoạch cuối khóa cho học viên các lớp đào tạo chương trình Trung cấp LLCT- HC như sau:

1- Mục đích, yêu cầu:

- Đi nghiên cứu thực tế cuối khóa là một phần học trong chương trình đào tạo Trung cấp LLCT – HC được nhà trường tổ chức vào cuối khóa học, có đánh giá bằng bài thu hoạch. Phần học này giúp học viên rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn để đánh giá, phân tích một vấn đề cụ thể ở cơ sở, góp phần thực hiện trong thực tế nguyên lý “ học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”.

- Nội dung đi nghiên cứu thực tế phải phù hợp và thiết thực, sát với mục tiêu, chương trình đào tạo của Học viện cũng như của nhà trường. Giảng viên và học viên phải tập trung nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu của địa phương, đơn vị để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, học hỏi kinh nghiệm về thực tiễn tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, gắn với nhiệm vụ công tác.

- Kết thúc đợt đi thực tế, học viên phải viết bài thu hoạch về một chủ đề mà học viên đã lựa chọn, đăng ký. Học viên không đi nghiên cứu thực tế cuối khóa hoặc bài thu hoạch không đạt yêu cầu thì không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp hoặc viết khóa luận tốt nghiệp.

- Mỗi khóa học, học viên được đi nghiên cứu thực tế 01 lần, thời gian 40 tiết (05 ngày).

2- Nội dung đi nghiên cứu thực tế viết thu hoạch cuối khóa:

Nội dung đi nghiên cứu thực tế cuối khóa là những vấn đề cơ bản trong 5 phần học của chương trình Trung cấp LLCT – HC. Cụ thể:

Phần 1: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh:

1- Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và sự vận dụng ở địa phương.

2- Nội dung cơ bản của khối liên minh Công- nông- trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và sự vận dụng ở địa phương.

3- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (đại đoàn kết, cán bộ và công tác cán bộ).

4- Vấn đề sản xuất hàng hóa và sự vận dụng ở địa phương.

Phần 2: Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở:

5- Lịch sử Đảng bộ địa phương và vấn đề phát huy các giá trị truyền thống của lịch sử Đảng bộ địa phương.

6- Thực trạng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của tổ chức cơ sở Đảng.

7- Thực trạng công tác Đảng viên của tổ chức cơ sở Đảng.

8- Thực trạng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở Đảng.

9- Thực trạng công tác văn phòng cấp ủy ở cơ sở.

10- Thực trạng vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở.

Phần 3: Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, Nhà nước pháp luật và Quản lý hành chính nhà nước:

11- Thực trạng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

12- Thực trạng công tác cải cách hành chính ở cơ sở.

13- Thực trạng công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, y tế,  tư pháp.

14- Thực trạng công tác kiểm tra, xử phạt hành chính ở cơ sở.

15- Thực trạng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân ở cơ sở.

Phần 4: Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực của đời sống xã hội:

16- Việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, quyền con người, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống tội phạm và tệ nan xã hội

17-Việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở địa phương.

18-Việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở địa phương.

Phần 5: Kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và Đoàn thể nhân dân cấp cơ sở:

19- Thực trạng hoạt động lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

20- Thực trạng công tác đánh giá, sử dụng cán bộ ở địa phương.

        21- Thực trạng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở.

3- Cách thức tổ chức đi thực tế:

-   Sau khi hoàn thành 5/6 phần học, học viên đăng ký nội dung, địa điểm nghiên cứu thực tế gửi giáo viên chủ nhiệm lớp. Phòng Đào tạo phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổng hợp danh sách và xây dựng kế hoạch chi tiết trình Ban Giám hiệu duyệt.

-   Dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm lớp, học viên thực hiện nghiên cứu thực tế theo nội dung, địa điểm đã được duyệt.

4- Bố cục và hình thức bài thu hoạch cuối khóa:

4.1- Bố cục: gồm 03 phần:

A- Mở đầu:    - Sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu.

                      - Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.

B- Nội dung: gồm 03 chương

                      - Chương 1: Cơ sở lý luận (Học viên nêu khái quát, ngắn gọn phần lý luận đã được học gắn với chủ đề nghiên cứu).

                      - Chương 2: Thực trạng của vấn đề nghiên cứu

                               1- Đặc điểm, tình hình địa phương

                               2- Thực trạng của vấn đề nghiên cứu

                                         2.1- Kết quả đạt được và nguyên nhân (có số liệu)

                                         2.2- Hạn chế và nguyên nhân.

                      - Chương 3: Giải pháp và kiến nghị.

C. Kết luận: Đánh giá khái quát vấn đề nghiên cứu.

4.2- Hình thức trình bày:

Bài thu hoạch được viết tay trên khổ giấy A4; Số trang: từ 8-12 trang. Bài thu hoạch phải đóng bìa bằng giấy cứng (bìa cacton), ghi đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn.

Học viên nộp bài thu hoạch về phòng Đào tạo. Thời gian theo kế hoạch chi tiết của đợt nghiên cứu thực tế.

5- Tổ chức thực hiện:

5.1- Phòng Đào tạo:có trách nhiệm phổ biến Hướng dẫn này đến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đồng chủ nhiệm lớp và học viên để thực hiện.

5.2- Lãnh đạo các khoa chuyên môn: có trách nhiệm phối hợp với phòng Đào tạo, giáo viên chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm trong việc tổ chức chấm bài thu hoạch của học viên các lớp đảm bảo đánh giá chính xác, khách quan và chuyển kết quả về phòng Đào tạo để tổng hợp báo cáo Ban Giám hiệu. Điểm bài thu hoạch tính hệ số 1.

Hướng dẫn đi nghiên cứu thực tế, viết thu hoạch cuối khóa Chương trình Trung cấp LLCT-HC được thực hiện từ ngày ban hành và thay thế cho Hướng dẫn 03/HD-TCT ngày 25/3/2016. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, các khoa chuyên môn phản ánh kịp thời qua phòng Đào tạo để báo cáo Ban Giám hiệu xem xét, giải quyết.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=huong-dan-di-nghien-cuu-thuc-te-viet-thu-hoach-cuoi-khoa-chuong-trinh-tcllct-hc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com