Thứ ba, 27.03.2018 GMT+7

KHÁI QUÁT KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH PHÚ THỌ NĂM 2017

Tỉnh Phú Thọ qua 15 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và di sản vùng đất Tổ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm tới bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc sắc. Việc “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã từng bước khẳng định vị thế và lợi thế của văn hóa vùng đất Tổ. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc được đẩy mạnh, nhiều hạng mục công trình tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện khá đồng bộ. Nhiều lễ hội truyền thống, nhất là lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, khôi phục và phát huy.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đã phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 94,2% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 92% làng, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đơn vị văn hóa.  Nhiều thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh có 247/277 xã, phường, thị trấn xây dựng hội trường kiêm nhà văn hóa; xây hơn 2.700 nhà văn hóa khu dân cư; hầu hết các khu dân cư đã xây dựng được hương ước, quy ước[1]. Hoạt động văn hóa nghệ thuật; thông tin, báo chí, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo... đã có bước phát triển mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Qua đó, bản sắc văn hóa văn nghệ - văn hóa Phú Thọ được tôn vinh, vị thế của một trung tâm văn hóa, du lịch từng bước được khẳng định, là tiền đề đẩy mạnh quá trình hội nhập và phát triển...

Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30, du lịch tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển khởi sắc và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng: Nhận thức của các cấp, các ngành và một bộ phận người dân về vị trí, vai trò của du lịch trong tổng thể nền kinh tế - xã hội của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa - xã hội được quan tâm, chú trọng đầu tư, nhất là hạ tầng các Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy… đã góp phần thúc đẩy một số ngành, nghề khác phát triển như: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại... cơ bản hình thành các khu, điểm du lịch trọng điểm tại thành phố Việt Trì và các huyện: Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa, Tam Nông với một số sản phẩm du lịch đã được hình thành khá rõ nét, như: Du lịch tâm linh (Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ gắn với di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ); du lịch nghỉ dưỡng (nước khoáng nóng Thanh Thủy); du lịch sinh thái, danh thắng (Vườn Quốc gia Xuân Sơn - huyện Tân Sơn, Vườn Bưởi - huyện Đoan Hùng, Đầm Ao Châu - huyện Hạ Hòa…). Khách tham quan đến Phú Thọ từ 6 - 7 triệu lượt khách/năm với tốc độ tăng bình quân đạt 5,7%/năm (năm 2017, ước đón và phục vụ 8,5 triệu lượt khách tham quan, đạt 103% so với dự báo quy hoạch đề ra); có khoảng 12.600 lao động làm việc trong ngành du lịch; Doanh thu du lịch dịch vụ có bước tăng trưởng vượt bậc, đến năm 2017 ước thực hiện là 3.178 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với năm 2015[1].

Việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch được quan tâm đúng mức. Các dự án đầu tư vào tỉnh ngoài việc được thực hiện các chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi riêng của tỉnh. Do đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn đảm bảo chất lượng, có hiệu quả và ngày càng phát triển, như: Công ty cổ phần Ao Vua đầu tư Dự án Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân đầu tư Khu đô thị sinh thái du lịch nghỉ dưỡng - thể thao Tam Nông, Tập đoàn Vingroup đầu tư Trung tâm thương mại Vincom Việt Trì, khách sạn Mường Thanh…Tổng nguồn vốn huy động đầu tư vào phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 đạt 3.780,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với  đầu tư nguồn vốn phát triển văn hoá  và du lịch giai đoạn 2010 -2015[2].

Tồn tại, hạn chế: Một số chỉ tiêu kinh doanh du lịch đạt mức thấp; nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch chưa đáp ứng so với nhu cầu đề ra; hoạt động xúc tiến đầu tư về du lịch còn yếu; nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển du lịch đạt thấp; chưa hình thành được các tour, tuyến du lịch rõ nét; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách riêng thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho ngành du lịch của tỉnh phát triển; hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ chưa đạt hiệu quả cao...

Giải pháp:Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xác định phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội, dần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ngành du lịch sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thành, thị tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư hình thành hệ thống hạ tầng then chốt tại 5 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh (Thành phố Việt Trì, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn, Tam Nông); tích cực xúc tiến, kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế đầu tư vào các dự án, trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Xây dựng và áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù để tạo môi trường thuận lợi đầu tư, phát triển du lịch. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch về: Hạ tầng then chốt, thuế, đất đai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…

Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu phát triển du lịch trong những năm tiếp theo. Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, khai thác hiệu quả tour, tuyến du lịch của tỉnh; kết hợp giữa du lịch văn hóa tâm linh với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch danh thắng; phát huy giá trị của hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gắn với phát triển du lịch.

Chủ động  đẩy mạnh và đổi mới liên kết trong công tác xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp trên cơ sở nối các điểm du lịch đặc trưng tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Chỉ đạo và hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội du lịch tỉnh Phú Thọ và các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tỉnh Phú Thọ, đồng thời tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

Nguồn: (1) Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 Sở Văn hóa thể thao và du lịch.

            (2) Báo cáo công tác xây dựng Đảng giai đoạn 2010 – 2015 Sở Văn hóa, thể thao và du lịch

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=khai-quat-ket-qua-dat-duoc-tren-linh-vuc-van-hoa-phat-trien-cua-tinh-phu-tho-nam-2017
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com