Thứ ba, 27.03.2018 GMT+7

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG NHÂN ĐẠO CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Công tác nhân đạo từ thiện là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần giáo dục, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chính sách xã hội của Đảng, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo từ thiện. Công tác nhân đạo từ thiện luôn phải quán triệt những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân đạo.

Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh không phải là một lý thuyết siêu thực, mà là một hệ thống những quan điểm về nhân đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh chắt lọc, phát triển từ truyền thống nhân ái của dân tộc và tinh hoa nhân văn của nhân loại đặc biệt là tư tưởng nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh biểu hiện cụ thể ở những nội dung sau:

Thứ nhất: Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh là tư tưởng về tình thương yêu con người, thương yêu nhân dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Hồ Chí Minh luôn thương yêu, quý trọng con người. Con người ở đây là đồng bào, đồng chí, là người Việt Nam ở mọi lứa tuổi; mọi giai cấp, tầng lớp; mọi vùng, miền trên đất nước Việt Nam.

Tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh thể hiện trước hết là tình yêu thương với đại đa số nhân dân, những người lao động, người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột trong xã hội. Xuất phát từ yêu thương con người mà Người luôn khát khao hòa bình, một nền hòa bình thật sự, trong độc lập, tự do; Người đã đi ra thế giới tìm đường cứu nước, cứu dân, trải qua muôn vàn gian khổ, Hồ Chí Minh cùng với Đảng do Người sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh, thoát khỏi ách thực dân phong kiến. Đúng như Người viết: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó.”

Tư tưởng nhân đạo thấm đẫm trong những lời Hồ Chí Minh giáo dục cán bộ, đảng viên, bộ đội phải biết “Thương dân, trọng dân và tốt với dân”. Còn với cán bộ lãnh đạo cao cấp hoặc các vị tướng lĩnh, Người khuyên phải có lòng thương người sâu sắc mới xứng đáng là tướng và có thể hoàn thành nhiệm vụ: “Thương người như thương con mình, chỗ khó khăn thì ta đi trước, có công trạng thì ta hưởng sau.” Đối với Đảng, Chính phủ, Người khẳng định trách nhiệm: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”   .

Thứ hai: Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh là tư tưởng về sự tin tưởng, coi trọng phẩm giá con người, tin tưởng vào sức mạnh to lớn của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ có niềm tin tưởng to lớn vào sức mạnh, năng lực sáng tạo của nhân dân. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Không có lực lượng nhân dân, thì một việc dù nhỏ đến mấy, dễ đến mấy, làm cũng không xong: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cán bộ, đảng viên phải có phong cách làm việc quần chúng, phải đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân. Người khuyên: “Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.

Đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không xa cách với quần chúng, luôn gần gũi với nhân dân; Người thường xuyên đi thăm các đơn vị bộ đội, nhà máy, xí nghiệp, trường học, các địa phương, cơ sở, thấu hiểu và chia sẻ mọi niềm vui, nỗi vất vả của bộ đội, của người dân.

Thứ ba:  Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh là tư tưởng về giải phóng con người, phát triển con người toàn diện. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản “tất cả vì con người, tất cả vì hạnh phúc của con người” được Hồ Chí Minh cụ thể hóa trong mệnh đề: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.  Người khẳng định sứ mệnh lịch sử của đời mình là: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

 Tóm lại, tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh là một bước phát triển mới giá trị nhân đạo truyền thống Việt Nam, tinh hoa nhân văn của nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Những nội dung cốt lõi đó được quán xuyến trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và xuyên suốt trong các hoạt động của Hồ Chí Minh; là kim chỉ nam cho chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh là cội nguồn sức mạnh của Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam; góp phần quan trọng trong việc giáo dục lòng nhân ái, tính hướng thiện làm lan tỏa các giá trị nhân đạo trong các tầng lớp nhân dân; động viên đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ Việt Nam thi đua thực hiện công tác nhân đạo - từ thiện, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong xã hội; tham gia xây dựng xã hội giàu tình người, giàu tinh thần chia sẻ và lòng nhân ái, đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-noi-dung-co-ban-trong-tu-tuong-nhan-dao-cua-chu-tich-ho-chi-minh
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com