Thứ tư, 28.02.2018 GMT+7

TRẢI NGHIỆM SƠN LA

Mùa đông năm nay hình như rét hơn mọi năm. Bản tin thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam vẫn dự báo rét đậm, rét hại kéo dài. Song ở Việt Trì - thành phố ngã ba sông, trên các đại lộ, chợ hoa đã thắm sắc đào phai, đào bích. Một năm lao động, mưu sinh, mỗi gia đình đang chuẩn bị cho cái Tết thật đầm ấm. Tết của tình thân. Tết của những đứa con xa quê trở về tổ ấm sau 360 ngày vất vả bận rộn. Đi chợ hoa ngắm sắc đào Xuân, tôi chợt nhớ về cây đào Tô Hiệu, nhớ về chuyến đi Sơn La đầy cảm xúc hương vị vùng cao, nhớ các thôn bản định cư còn thiếu thốn muôn bề đã nhường đất thổ cư cho xây dựng nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình Thế kỷ.

 Nhân Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, thực hiện chương trình đi thực tế,  Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường giao Hội Cựu chiến binh phố hợp với Công đoàn tổ chức chuyến nghiên cứu thực tế, thăm quan tại tỉnh Sơn La - một vùng đất hoang sơ phía Tây Bắc của Tổ quốc. Sau vài ngày chuẩn bị, hồ hởi phấn khởi; một sáng cuối đông, khi sương mù còn mơ màng với trời đêm, đoàn công tác của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ gồm 35 thành viên do Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhạ làm trưởng đoàn đã nhằm hướng Sơn La thẳng tiến.

 Từ Việt Trì qua cầu Phong Châu, chiếc xe du lịch màu xám bạc đưa đoàn đến Thành Phố Hòa Bình, ngược quốc lộ 6 về Sơn La. Những địa danh Mai Châu, Mai Sơn hiện ra bên đường nhựa trải thảm để mỗi người lại trải lòng về  “Tây Tiến” của Quang Dũng, về truyền thuyết “Đẻ đất đẻ Nước” những áng văn thơ bất hủ về đất và người   Sơn La.

 Đứng giờ ngọ thì Đoàn đến Trường Chính trị tỉnh Sơn La.  Sau bữa cơm trưa đầy hương vị núi rừng. Đoàn tiếp tục hành trình thăm nhà máy Thủy điện Sơn La - Công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

  Qua lời giới thiệu của cô gái người Thái xinh đẹp Cầm Thị Minh Ngọc - giảng viên phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu trường bạn, chúng tôi được biết nhà máy Thủy diện Sơn La nằm trên sông Đà đặt tại xã Ít Ong, huyện Mường La. Công trình được khởi công từ năm 2005 với quyết tâm cao của Điện lực Việt Nam, Đảng bộ, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Công trình được triển khai với tốc độ nhanh chóng. Khó khăn nhất của Thủy điện Sơn La bên cạnh các yếu tố địa chất, kỹ thuật là việc di dời dân ra khỏi vùng lòng hồ. Do làm tốt công tác tuyên truyền, đền bù, giải phóng mặt bằng, sau bảy năm triển khai tích cực việc di dời đã hoàn thành để các đơn vị thi công dẫn nước vào hồ chứa, công trình được khánh thành, hòa lưới điện quốc gia vào tháng 12 năm 2012.  Công trình thủy điện Sơn La với cao độ 228m, dài 961 m, chiều rộng đáy 105m, chiều rộng đỉnh 10m. Dung tích hồ chứa Thủy điện 9,26 tỷ m3/giờ với tổng công suất 2400 MGW, sản lượng bình quân hàng năm trên 10 tỷ KW. Góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế của nước ta. Trong nắng chiều lung linh, từ đập chính hùng vĩ nhìn ra lòng hồ mênh mông, làn sóng lăn tăn xô nhẹ, mấy chú chim bói cá mê mải lặn ngụp tìm mồi trong dòng nước sâu như chưa hề có công trình thế kỷ, thật ngoạn mục.

 4 giờ chiều thì đoàn đến khu di tích Nhà tù Sơn La. Qua giọng nói truyền cảm  của hướng dẫn viên, chúng tôi biết Nhà tù Sơn La được Pháp xây dựng từ năm 1908 để giam cầm các chiến sỹ cách mạng Việt Nam. Nơi đây, đã giam cầm 1007 tù nhân chính trị cộng sản. Cũng chính nơi này là trường học cách mạng, nơi ươm mầm hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam, các lãnh tụ, lãnh đạo cách mạng của Đảng ta như Lê Duẩn, Trường Chinh, Xuân Thủy, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Tô Hiệu... đã  từng bị giam cầm  tại nhà tù này.

 Nhà tù Sơn La nằm  trên đồi Khau Cả bên dòng suối Nậm La. Nơi có rừng núi âm u, thời tiết khắc nghiệt. Thực dân Pháp lợi dụng nơi rừng thiêng, nước độc để xây dựng Nhà tù, biến nơi đây thành địa ngục trần gian để giam cầm, đày ải, thủ tiêu ý chí  đấu tranh của những người Cộng sản Việt nam. Song vượt lên trên gông cùm và tội ác, những người Cộng sản đã biến nhà tù của đế quốc thành trường học cách mạng, biến phòng giam lạnh lẽo thành tổ ấm thắm tình đồng chí của bạn tù. Từ địa ngục trần gian những tư tưởng cách mạng soi khắp núi rừng Tây Bắc trong đó có Phú Thọ quê tôi.

 Theo hướng dẫn viên, chúng tôi đi tham quan các xà lim ngầm, xà lim chéo, trại tạm giam, phòng giam đặc biệt, những dụng cụ tra tấn, còng tay xích sắt… Mùa đông, phòng như băng giá, mùa hè nóng như chảo lửa, các loại dịch bệnh phù thũng, thương hàn, sốt rét hoành hành như một vũ khí tàn ác giết dần, giết mòn tù nhân.

 Địa ngục trần gian hôm nay như còn vang mãi bản yêu sách: Bốn phải một không (Phải thực hiện chế độ tù chính trị, phải  chuyển tù về đồng bằng, phải cải thiện ăn uống. Phải cấp thuốc cho người ốm. Không được đánh đập và bắt bệnh nhân làm việc nặng).  Trong gian khổ đấu tranh vẫn vang lên những bài thơ hào khí cách mạng

 “Lại đến Sơn La, lại núi rừng

Nằm trên đỉnh núi mà như bưng

Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ

 Thăm thẳm hầm giam sâu mấy tầng

 Tháng tháng cơm xôi đau cả bụng

Đêm đêm sàn đá buốt đau lưng

 Ai ơi sốt rét đừng ra máu

Non nước chờ xem ta vẫy vùng”.

 Cây đào Tô Hiệu, biểu tượng của mùa Xuân, vươn cành khiêm nhường bên lối đi, trên cành, nụ đã nhú phớt hồng lấm tấm. Mọi người tranh thủ làm vài kiểu ảnh bên  sắc hoa đào Tô Hiệu. Chúng tôi đã được tham quan nhiều nơi, song xúc động nhất, trải lòng nhiều chắc chắn là khi đứng trước cây đào Tô Hiệu, biểu tượng cách mạng sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản.

 Buổi tối đoàn giao lưu cùng Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng Trường Chính trị tỉnh Sơn La. Qua giới thiệu của Hiệu Trưởng Bùi Thanh Thủy, chúng tôi được biết một Trường Chính trị miền núi điển hình có nhiều thành tích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị trong tỉnh và cho hệ thống tỉnh Khăm Muộn - nước bạn Lào kết nghĩa. Cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng được cải thiện, những dãy nhà cao tầng hiện đại vươn cao cùng núi đã tạo thành bức tranh phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng. Buổi giao lưu như ấm cúng hơn với sự hiện diện của Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông - người con của quê hương Phú Thọ. Anh tâm sự về những ngày xa quê trên cương vị công tác mới đã được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng bộ, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sơn La trên bước đường hội nhập đã dần dần khởi sắc, chương trình 135, chính sách kinh tế xã hội, dân tộc của Đảng đang nở hoa kết trái nơi đây. Những chén rượu tình thân nhâm nhi cùng cá suối, cơm lam làm đêm vùng cao như ấm lại. Trong lời phát biểu chia tay Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Thanh Hương đã chúc mừng thành tích của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chúc sức khỏe đồng chí Nguyễn Hữu Đông luôn thành công trên cương vị công tác được giao.  

 Buổi sáng sương mù còn ngủ vùi trên đỉnh Khau Cả, đoàn đã lên đường tiếp tục hành trình thăm quan cao nguyên Mộc Châu với sản phẩm độc đáo là chè và bò sữa.  Những đồi chè mơn mởn búp đón Xuân tạo nên một Mộc Châu xanh và năng động.  Mọi người tranh thủ mua mỗi người một chút đặc sản vùng cao: Chè shan tuyết, bánh đậu xanh, sữa chua, phong lan rừng... về làm quà cho người thân.

 Xế chiều thì đoàn về đến đất cam Cao Phong - tỉnh Hòa Bình, mọi người tranh thủ thăm quan đồi cam, mua bán đặc sản Cam Cao Phong nổi tiếng toàn quốc rồi tiếp tục hành trình về Việt Trì. Tưởng mệt sẽ ngủ được ngay, song hình ảnh em bé di cư huyện Mường La mong manh áo vải, những mẹ già thồ củi đi bán vẫn còn sâu đậm trong tôi. Chuyến đi hết sức bổ ích giúp mọi người nhất là giảng viên có một thực tế sâu sắc về Sơn La. Những kết quả ban đầu về phát triển kinh tế vùng, bài học to lớn về di dân, công tác dân vận của Đảng. Cám ơn các đồng chí Lãnh đạo trường, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn trường đã tổ chức một chuyến đi bổ ích và lý thú, lòng lại mơ về những chuyến đi trải nghiệm sắp tới, hẹn một ngày sẽ gặp lại Sơn La.

                                                                             Việt Trì , Xuân 2018

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=trai-nghiem-son-la
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com