Thứ ba, 27.02.2018 GMT+7

PHỐ DƯƠNG QUẢNG HÀM, QUẬN CẦU GIẤY, HÀ NỘI, NƠI GHI DANH MỘT NHÀ GIÁO, MỘT LIỆT SĨ TÀI BA CỦA DÂN TỘC

Từ đường Cầu Giấy đi qua Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội nối với phố Nguyễn Khánh Toàn ta thấy biển hiệu đặt tên Phố Dương Quảng Hàm. Phố Dương Quảng Hàm dài 950m, rộng 5-6m thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tên phố được đặt từ tháng 7 năm 2000 gắn liền với tên tuổi nhà giáo, liệt sĩ Dương Quảng Hàm, người con đất Việt sinh năm Mậu Tuất.

Dương Quảng Hàm sinh ngày 14/7/1898 tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Gia đình ông có truyền thống nho học.

Từ nhỏ Dương Quảng Hàm đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, tài ba. Khi còn trẻ tuổi ông đã được ra nước ngoài học. Tuy nhiên, ông vẫn kịp tiếp thu một số vốn nho học của cha, anh và những người đi trước để lại, đây chính là cái vốn ban đầu, là nền tảng để sau này ông trở thành một người uyên bác về Hán học. 

Năm 1920, ông tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm với tiểu luận “Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ”. Thời gian đầu ông dạy Sử - Địa, tiếng Việt, tiếng Pháp bậc cao đẳng tiểu học.  Từ năm 1920 đến 1946, ông làm giáo viên trường Bưởi (tức trường Chu Văn An ngày nay). 

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Dương Quảng Hàm được cử làm thanh tra trung học vụ, sau đó làm Hiệu trưởng trường Chu Văn An (trường Bưởi cũ). Toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội, ông bị quân Pháp bắt và sát hại trên đường tản cư từ nội thành ra vùng kháng chiến.

Suốt 25 năm từ lúc tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm cho đến khi mất, Dương Quảng Hàm gắn bó với nghề dạy học. Thời gian đầu, ông dạy ở bậc cao đẳng tiểu học trong các môn tiếng Pháp, tiếng Việt, Sử, Địa. Về sau ông chủ yếu dạy Văn ở bậc trung học. Nghề dạy học đã đưa nhà giáo Dương Quảng Hàm đến công việc viết sách giáo khoa, soạn các văn bản trong nhà trường. Dương Quảng Hàm trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu trong việc nghiên cứu và trình bày thực tiễn lịch sử văn học, văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng một nền học thuật mới, một nền kiến thức mới mang tính quốc tế hóa, tiếp nhận tri thức phương Tây, bảo tồn và đổi mới nền Văn học phương Đông.

Năm 1925 Dương Quảng Hàm soạn cuốn "Quốc văn trích diễn”, “Việt Nam giáo khoa thư” . Đến năm 1939 ông hoàn thành công trình lớn, đó là bộ sách "Trung học Việt văn giáo khoa thư" gồm hai quyển: Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam thi văn hợp tuyển. Bộ sách được công bố lần đầu vào năm 1943, và tính đến nay, riêng cuốn "Việt Nam văn học sử yếu" đã được tái bản gần 20 lần. Những ưu điểm của bộ sách đã ảnh hưởng tốt đến nhiều công trình văn học sử của thế hệ ngày nay. Bản thân bộ sách vẫn còn được dùng như tài liệu tham khảo có giá trị tính đến thời điểm hiện tại.

Ngoài công trình chủ yếu trên đây, Dương Quảng Hàm còn là tác giả một loạt sách giáo khoa về sử học, về Pháp văn. Đương thời, ông cũng là cộng tác viên của nhiều báo và tạp chí ở Hà Nội thời kỳ 1920- 1945 như Hữu Thanh, Nam Phong, Văn học tạp chí,...

Những đóng góp của Dương Quảng Hàm với tư cách nhà sư phạm và nhà nghiên cứu văn học ngày càng được hậu thế ghi nhận. Tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và thành phố Hưng Yên đã có đường phố mang tên Dương Quảng Hàm. Đó là vinh dự xứng đáng đối với một người có cống hiến đáng kể cho văn hóa và giáo dục Việt Nam. Nhà giáo, liệt sĩ sinh năm Mật Tuất.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=pho-duong-quang-ham-quan-cau-giay-ha-noi-noi-ghi-danh-mot-nha-giao-mot-liet-si-tai-ba-cua-dan-toc
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com