Thứ hai, 26.02.2018 GMT+7

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG PHONG CÁCH GIẢNG DẠY LÝ LUẬN GẮN THỰC TIỄN

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung sinh hoạt chính trị rộng lớn được Bộ Chính trị phát động từ năm 2006 với Chỉ thị 06-CT/TW ngày 07-11-2006 về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nay là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hơn 10 năm qua, những kết quả triển khai cuộc vận động đã khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất quan trọng và cần thiết, chẳng những đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đối với người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì việc học tập, vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh lại càng đặc biệt quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo dục lớn của dân tộc. Người đã để lại cho chúng ta nhiều quan điểm giáo dục có giá trị, trong đó quan điểm “Học đi đôi với hành” là cơ sở khoa học, phương pháp luận biện chứng và là quy luật của sự phát triển toàn diện nhân cách con người, phát triển nền giáo dục Việt Nam hiện đại trong tương lai.

Tư tưởng giáo dục lý luận gắn với thực tiễn hay “học” đi đôi với “hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận rất quan trọng trong kho tàng lý luận về giáo dục, được Bác thường xuyên đề cập. Đây được coi là mục tiêu, phương pháp, phương châm dạy và học của nền giáo dục nước ta. Xuất phát từ nguyên lý quan hệ biện chứng lý luận - thực tiễn, việc học tập lý luận và hành động thực tiễn cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, Người chỉ rõ “Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế”, “Dạy một cách thiết thực. Lý luận gắn chặt với thực hành”. Bằng cách nói giản dị, dễ hiểu, Người chỉ ra: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”. Với tư tưởng nêu trên Bác đã chỉ cho chúng ta thấy rằng việc dạy - học không phải là một quá trình truyền đạt, tiếp thụ tri thức một cách thụ động, một chiều, mà ở đó diễn ra sự tương tác hai chiều giữa người dạy và người học. Người thầy giỏi là người phải biết khơi dậy sự hứng thú, tính năng động, tích cực sáng tạo ở người học, biến việc truyền thụ kiến thức của thầy từ một phía, thành mối quan hệ qua lại hai chiều giữa người dạy và người học, động viên, khích lệ học viên trong học tập, tạo sự ham thích học tập.

Với vai trò là một giảng viên, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác khi xác định “học” là một hoạt động nhận thức tích cực. Việc học của mỗi người bao giờ cũng gắn với một động cơ nhất định. Chính động cơ học tập quyết định phương hướng, thái độ, nội dung, phương pháp học tập. Vì vậy, trong mỗi bài giảng, người thầy cần có quan điểm trước hết phảigiúp cho học viên xác định đúng động cơ học tập, vạch ra ý nghĩa giá trị của việc học tập lý luận chính trị và coi học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ xã hội, nghĩa vụ đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, từ đó khơi dậy sự ham học và ý thức xây dựng đất nước, xã hội tốt đẹp.

Gắn kết được lý luận với thực tiễn trong từng bài giảng, đòi hỏi người giảng viên trước hết phải giỏi về chuyên môn và vững vàng về nghiệp vụ. Giỏi chuyên môn là để đảm bảo truyền thụ kiến thức đúng, đủ; còn vững về nghiệp vụ là để hướng dẫn học viên vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác. Để làm được điều đó, mỗi giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách tự nghiên cứu, qua thông tin đại chúng, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp thông qua dự giờ, trao đổi chuyên môn và thậm chí học ngay từ chính các học viên,đồng thời, cần tăng cường lấy các sự kiện chính trị trong đời sống thực tiễn để chứng minh, gắn liền với từng đối tượng học viên đưa những kiến thức lý luận chính trị gần gũi với đời sống thực tế. Đặc biệt, với đặc thù giảng dạy lý luận chính trị, mỗi giảng viên cũng hết sức chú trọng việc nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội, cập nhật thông tin kịp thời so với những vận động, thay đổi nhanh chóng của đời sống và những sửa đổi, bổ sung không ngừng của chính sách, pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Mặt khác, việcvận dụng các quan điểm dạy học mới bằng các phương pháp dạy học tích cực là cần thiết nhưng cần đảm bảo tính thực tế trong điều kiện cho phép. Không cứng nhắc áp đặt, coi đó là những công cụ hỗ trợ tích cực cho hoạt động dạy học có hiệu quả nhưng cũng không nên lạm dụng biến nó thành phương tiện dạy học chính yếu, phải phát huy tính sáng tạo của học viên. Bài giảng tốt là bài giảng có sự tham gia tích cực của học viên dưới sự dẫn dắt gợi mở của giảng viên đứng lớp. Muốn vậy, trước và trong khi giảng dạy, người giảng viên cần nắm rõ trạng thái tâm lý, năng lực chung của người học từ đó có sự lựa chọn phương pháp, nội dung, vấn đề mang tính trọng tâm, trọng điểm để trao đổi, gợi mở hướng nghiên cứu.

 Đất nước đang dần phát, triển đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị mới, vai trò của giáo dục càng được khẳng định. Để phát triển giáo dục và đào tạo lên một tầm cao mới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về giáo dục một cách toàn diện để xây dựng một nền giáo dục tiến bộ. Mỗi cán bộ, giảng viên phải thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về “Học đi đôi với hành”. Điều quan trọng là xây dựng, phát động phong trào chuyển từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Tin tưởng rằng, quan điểm “Học đi đôi với hành” của Người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho nền giáo dục nước nhà, cho quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” cho đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-trong-xay-dung-phong-cach-giang-day-ly-luan-gan-thuc-tien
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com