Thứ bảy, 24.02.2018 GMT+7

HIỆP ĐỊNH PARI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TỪ QUAN HỆ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 1965 - 1975

Trải qua gần 20 năm (1954 - 1973) kiên trì đấu tranh gian khổ, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam đã kết thúc bằng bản Hiệp định Pari vào ngày 27/1/1973. Việc ký kết Hiệp định Pari là kết quả của cuộc đấu trí đầy bản lĩnh và trí tuệ, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự của Đảng ta. Ngọn cờ chính nghĩa và sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân tạo nên sức mạnh chính trị vững chắc và kiên định. Những chiến thắng trên chiến trường thúc đẩy diễn biến phát triển của cuộc đấu tranh ngoại giao như cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc đối phương phải đề nghị đàm phán, chiến dịch Xuân-Hè 1972 đưa cuộc đàm phán đi vào đúng hướng và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đi tới việc ký kết Hiệp định.

Trên thực tế, bản Hiệp định Pari về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Việt Nam và Hoa Kỳ đề cập từ rất sớm (từ năm 1968) nhưng do nhiều yếu tố nên bản Hiệp định này đã kéo dài hơn 4 năm mới được ký kết. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin đi vào tìm hiểu những yếu tố khách quan từ tình hình, bối cảnh quốc tế đã tác động đến sự kéo dài không được ký kết sớm của bản Hiệp định, đặc biệt là sự chuyển dịch trong quan hệ tam giác 3 nước Trung Quốc, Mỹ và Liên Xô.

Trong những năm 1960 - 1970, quan hệ quốc tế vẫn xoay quanh trục chính của trật từ thế giới hai cực Yalta, mối mâu thuẫn giữa hai cực tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa vẫn chi phối tình hình chung giữa các nước, đứng đầu là hai siêu cường đại diện cho hai cực là Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, sự vươn lên phát triển của một số nước Tây Âu, Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh cũng đã khiến tình hình thế giới xoa dịu căng thẳng, xu hướng hòa hoãn, hòa bình khi giải quyết tranh chấp đã dần được chấp nhận giữa các nước, kế cả Mỹ và Liên Xô.

Sau năm 1949 giành độc lập, bắt tay vào xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc dần vươn lên khẳng định ở khu vực và có tham vọng khẳng định trên thế giới. Trung Quốc đã đưa ra thuyết “ba thế giới”: Mỹ và Liên Xô là siêu cường thuộc thế giới thứ nhất; các nước “trung gian” như Nhật Bản, Châu Âu, Canada là thế giới thứ hai; còn Trung Quốc và các nước Châu Á (trừ Nhật Bản), Châu Phi và Mỹ Latinh là thế giới thứ ba. Thế giới thứ ba cần đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc để chống lại thế giới thứ nhất là siêu cường Liên Xô và Mỹ.

Chính vì xuất phát tư tưởng trên nên trong thập niên 1960, giữa Xô - Trung đã có những mâu thuẫn nghiêm trọng, dẫn đến hàng loạt các cuộc xung đột vũ trang như cuộc nổ súng giành giật đảo Trân Bảo (Damansky) vào tháng 3/1969, xung đột biên giới Tân Cương tháng 6/1969... Mặc dù, hai nước đã có sự gặp mặt nhằm tìm hướng điều đình giải quyết xung đột nhưng đều không đi đến kết quả. Điều này đã tác động không nhỏ vào quan hệ ứng xử giữa các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhất là Việt Nam - luôn có mối quan hệ tốt với hai nước.

Trong khi thi hành chính sách đối đầu căng thẳng với Liên Xô, phía Trung Quốc lại đi tìm khả năng bắt tay với Mỹ với ý đồ tìm kiếm đồng minh trong cuộc đối đầu với Liên Xô. Tháng 12/1970,Mao Trạch Đông trong buổi tiếp đón người bạn Mỹ Edgar Snow đã khẳng định: Nixon đến Bắc Kinh với tư cách khách du lịch hay Tổng thống đều được hoan nghênh. Tháng 4/1971, Trung Quốc mời đội bóng bàn Mỹ sang thi đấu hữu nghị, Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại với Trung Quốc đã kéo dài hơn 20 năm. Tháng 1/1972, Mỹ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 2/1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức thăm Trung Quốc, tiếp kiến Chủ tịch Mao Trạch Đông, hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai. Hai bên ra Thông cáo chung Thượng Hải. Trước đó, ngày 26/5/1971, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu tán thành Cộng hòa nhân dân Trung Hoa giữ vị trí Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an, thay chỗ của Trung Hoa dân quốc (Đài Loan). Như vậy, Trung Quốc đã ra khỏi tình trạng bị cô lập, bước vào vũ đài chính trị thế giới với tư cách một trong năm nước lớn có địa vị đặc quyền ở Liên hợp quốc. Về phía Liên Xô, tiếp tục theo đuổi chính sách cải thiện quan hệ với Mỹ đối với các vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là vấn đề chiến tranh ở Việt Nam với ý đồ kéo Mỹ về phía mình trong thế đối chọi với Trung Quốc.

Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm 1972, trong quan hệ quốc tế đã diễn ra những chuyển biến lớn. Quan hệ Trung - Mỹ được khai thông, quan hệ Xô - Mỹ được cải thiện. Điều này cũng cảnh báo những vết rạn nứt khó cứu vãn trong hệ thống các nước XHCN mà nổi bật là mối quan hệ Xô - Trung. Sự tính toán theo lợi ích của mỗi quốc gia đã dần thay thế cho sự thống nhất về ý thức hệ XHCN.

Vấn đề Việt Nam luôn là một trọng điểm trong các cuộc tiếp xúc nói trên. Hai nước XHCN là Liên Xô và Trung Quốc đều muốn giữ ảnh hưởng trong phong trào cách mạng thế giới nên không thể đi ngược hoàn toàn với cuộc đấu tranh của Việt Nam. Hoa Kỳ thì thấy rõ lợi thế của mình trong mâu thuẫn Xô - Trung nên càng tranh thủ lợi dụng tình hình đó để vận động hai nước gây sức ép với Hà Nội trong cuộc đàm phán Pari về chiến tranh ở Việt Nam. Tổng thống Mỹ Nixon đã tuyên bố: “Việc nối lại quan hệ với Trung Quốc và hòa dịu với Liên Xô là những phương pháp khả quan để đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh. Nếu Washington tiếp xúc Moscow và Bắc Kinh thì ít nhất cũng làm cho Hà Nội thiếu tự tin. Còn trong trường hợp tốt nhất, nếu hai cường quốc cộng sản thấy cần quan tâm nhiều tới mối quan hệ với Mỹ, thì Hà Nội sẽ buộc phải thương lượng một giải pháp mà chúng ta có thể chấp nhận được... Chúng ta đang chia rẽ Hà Nội với các nước đồng minh của họ”. Với ý đồ trên, Mỹ đã tăng cường các hoạt động quân sự trong cuộc chiến tranh với Việt Nam, đặc biệt là cuộc tập kích B52 trên bầu trời Hà Nội 12 ngày đêm (18/12- 30/12/1972) với âm mưu “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.

Song với đường lối kiên định, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục tiến triển theo đường lối và kế hoạch đã định. Miền Nam đẩy mạnh đánh Mỹ trên toàn chiến trường, đặc biệt là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm kiên cường ở thành cổ Quảng Trị. Miền Bắc anh dũng đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại, nhất là cuộc tập kích 12 ngày đêm cuả Mỹ. Việt Nam đã giữ vững được quyền tự chủ trong những quyết sách để đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngày 27/1/1973 ngoại trưởng bốn bên đã chính thức ký bản Hiệp định Pari về Việt Nam, không có sự tham gia góp mặt của bất kỳ nước nào ngoài 4 bên tham chiến trực tiếp là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Cuộc đàm phán Pari giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kết thúc.

Hiệp định Pari đánh dấu thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu trang chống Mỹ cứu nước. Hoa Kỳ buộc phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quân đội Mỹ và các đồng minh của Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, chấm dứt mọi hành động quân sự chống phá hai miền Nam - Bắc. Đó là thành quả đấu tranh kiên cường của toàn dân tộc vì mục tiêu thiêng liêng là độc lập, thống nhất.

45 năm đã trôi qua (1973 - 2018) nhưng giá trị của bản Hiệp định Pari thể hiện sự thắng lợi của tinh thần tự chủ, tự quyết định trong đường lối chung cũng như từng bước sách lược trong cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, là một trong những thắng lợi to lớn nhất của nền ngoại giao Việt Nam ở thế kỷ XX.     

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hiep-dinh-pari-va-nhung-tac-dong-tu-quan-he-quoc-te-giai-doan-1965-1975
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com