Thứ tư, 07.02.2018 GMT+7

Một số kết quả trong công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ở cấp xã, cấp huyện tỉnh Phú Thọ năm 2017

Năm 2017, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Quyết định số 2080-QĐ/TU ngày 10/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; chủ động đưa nội dung đối thoại vào chương trình công tác năm 2017 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân, trong đó cấp huyện đã ban hành 47 văn bản, cấp xã ban hành 380 văn bản.

 Đặc biệt, các huyện, thành, thị ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách cấp xã cùng với cán bộ, lãnh đạo Ban Dân vận tham dự và chỉ đạo hội nghị đối thoại tại đơn vị được phân công phụ trách. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, tổng hợp ý kiến, phản ánh của Nhân dân; phối hợp chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hội nghị đối thoại. Một số kết quả trong công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ở cấp huyện, cấp xã trong năm 2017 được thể hiện cụ thể là:

Ở cấp xã: 277/277 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 277 hội nghị đối thoại định kỳ, với 27.374 người tham dự; tiếp nhận tổng số 3.658 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đã trực tiếp giải quyết tại hội nghị 3.041 ý kiến (chiếm 83,1%); giao các bộ phận chức năng xem xét giải quyết 267 ý kiến (chiếm 7,3%); chuyển cấp trên giải quyết 350 ý kiến (chiếm 9,6%). Trong lĩnh vực phát triển kinh tế và quản lý ngành: có 2.741 ý kiến của Nhân dân, nội dung phản ánh, đề nghị tập trung chủ yếu về các vấn đề tiến độ thi công, nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng thêm các trạm điện; tình trạng khai thác cát sỏi trên sông Lô, sông Chảy gây sạt lở đất soi bãi, gây thiệt hại về hoa màu; lấn chiếm vỉa hè gây mất cảnh quan đô thị; tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, khói, bụi, nước thải từ các hộ gia đình, trang trại, lò mổ gia cầm, gia súc, doanh nghiệp và bệnh viện; việc thực hiện công khai, dân chủ các dự án trên địa bàn... Tại một số nơi, người dân đã đề xuất UBND cấp xã hỗ trợ xi măng, chủ động đóng góp ngày công, tiền để tu sửa các tuyến đường đã xuống cấp. Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội: có 613 ý kiến, tập trung chủ yếu vào các vấn đề thực hiện chế độ chính sách đối với các hộ nghèo, người có công; vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng giáo dục, công tác khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa… Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh: có 106 ý kiến tập trung chủ yếu vào vấn đề trật tự an toàn xã hội, công tác quân sự quốc phòng. Các ý kiến về xây dựng hệ thống chính trị - xã hội: có 130 ý kiến; nội dung các ý kiến tập trung góp ý thẳng thắn về thái độ, tinh thần trách nhiệm, phong cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong chỉ đạo, điều hành, tiếp xúc, giải quyết công việc với Nhân dân; về việc thực hiện hiệu quả Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị về "Việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú" tránh tình trạng nể nang, hình thức. Ngoài ra còn có 68 ý kiến về các vấn đề khác...

Tại các hội nghị cấp xã, người chủ trì đã tiếp thu ý kiến của người dân; trực tiếp trả lời đối với từng lĩnh vực; chỉ định các bộ phận chuyên môn trả lời cụ thể đối với các ý kiến liên quan đến quy định pháp luật, chính sách; thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức, thực hiện; thảo luận, trao đổi với người dân các giải pháp khắc phục; cho chủ trương đối với đề xuất của Nhân dân trong thực hiện phương châm "Nhân dân và Nhà nước cùng làm"; đồng thời vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ở cấp huyện: 13/13 huyện, thành, thị đã tổ chức được 14 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân (riêng huyện Thanh Sơn tổ chức 02 hội nghị), với 2.429 người dân tham dự; tiếp nhận 344 ý kiến (giảm 400 ý kiến so với hội nghị đối thoại cấp huyện năm 2016); trong đó đã giải quyết trực tiếp tại hội nghị 321 ý kiến (đạt 93,3%%); giao các cơ quan chuyên môn xem xét giải quyết 17 ý kiến (chiếm 5%); chuyển lên cấp trên 6 ý kiến (chiếm 1,7%). Trong lĩnh vực kinh tế và quản lý ngành: có 259 ý kiến, tập trung chủ yếu vào việc tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi; nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn; nâng cấp, làm mới hạ tầng về điện; về công tác quản lý, sử dụng đất; phản ánh việc ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải. Lĩnh vực văn hóa - xã hội: có 50 ý kiến, tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia, việc thu các khoản đóng góp, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác khám chữa bệnh, việc xây dựng trạm y tế đạt chuẩn; bảo hiểm y tế; việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo, các chính sách an sinh xã hội; công tác đào tạo giải quyết việc làm; xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh đô thị... Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh: có 06 ý kiến, tập trung vào vấn đề trật tự an toàn xã hội. Lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: có 19 ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến đã ghi nhận, đánh giá cao thái độ, trách nhiệm làm việc nhiệt tình, tích cực của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa, nhưng phản ánh tình trạng lòng vòng, mất thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính. Tại một số hội nghị người đối thoại cấp huyện, có nhiều ý kiến đã phản ánh những khó khăn, lúng túng, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện việc "Sắp xếp, kiện toàn cán bộ tại các khu dân cư và chủ tịch hội nông dân tại các phường, thị trấn" theo Kết luận 49-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy...

Tại các hội nghị cấp huyện, nhìn chung các ý kiến kiến nghị, phản ánh của Nhân dân đưa ra tại hội nghị đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trả lời cụ thể, rõ ràng từng ý kiến, chỉ ra những việc chính quyền và Nhân dân đã làm được, những việc còn khó khăn, vướng mắc để Nhân dân đồng thuận, chia sẻ với chính quyền địa phương. Những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của địa phương, người chủ trì đối thoại đã trực tiếp giao cho các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp trả lời, giải thích làm rõ cho Nhân dân hiểu; đồng thời thẳng thắn tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý đối với những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện sách nhiễu, phiền hà với người dân.

Về các hội nghị đối thoại đột xuất trong năm 2017: tổng số có 39 hội nghị đối thoại đột xuất ở cấp xã thuộc 06 huyện (Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Ba, Cẩm Khê, Thanh Thủy, Yên Lập) và 14 hội nghị đột xuất cấp huyện ở 05 đơn vị (Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ (tăng 9 cuộc so với năm 2016). Nội dung các cuộc đối thoại đột xuất tập trung vào các vấn đề như: công tác đền bù, hỗ trợ liên quan đến thi công, giải phóng mặt bằng; vận động di dời hoa màu, tài sản khỏi vùng sạt lở; việc khai thác cát sỏi; về việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, mở rộng đường giao thông, kênh mương thủy lợi; những tồn tại trong đấu giá đất, giao đất, cấp quyền sử dụng đất, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt; tình hình sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang giao thông, các công trình công cộng... Thông qua các hội nghị đối thoại đột xuất lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thông báo, công khai các thông tin; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân; kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, không để xảy ra điểm nóng về khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.

 Sau các buổi đối thoại ở cấp xã và cấp huyện trong năm 2017, tất cả các vấn đề được Nhân dân phản ánh, kiến nghị và góp ý với các cấp ủy, chính quyền đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ghi nhận và tiếp thu; đồng thời kết luận chỉ đạo, giao nhiệm vụ rõ ràng về thời gian thực hiện cho từng ngành, từng cấp, cơ quan, đơn vị, bộ phận, cán bộ, công chức có trách nhiệm giải quyết, báo cáo Thường trực cấp uỷ và trả lời cho Nhân dân được biết, nhất là những vấn đề đang nổi cộm, gây bức xúc. Riêng những vấn đề Nhân dân phản ánh, kiến nghị có liên quan đến cấp trên đều được tiếp thu, tổng hợp và báo cáo lên cấp có thẩm quyền giải quyết. Tổ chức rút kinh nghiệm chung và chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng kết quả giải quyết của các cơ quan liên quan theo kết luận tại hội nghị đối thoại và thực hiện giám sát cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan thực hiện kết luận đối thoại của người chủ trì tại hội nghị.

Hiện nay, công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả công tác đối thoại được nâng lên. Nhận thức của cấp uỷ, chính quyền về đối thoại trực tiếp với Nhân dân có những chuyển biến tích cực; đã chủ động, sâu sát hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức đối thoại định kỳ và tăng cường đối thoại đột xuất khi có những vấn đề phức tạp mà Nhân dân quan tâm. Các cuộc đối thoại đều thể hiện rõ tinh thần dân chủ, cởi mở và người dân được bày tỏ tâm tư nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị với tinh thần thẳng thắn, chân thành và có trách nhiệm với cấp ủy, chính quyền địa phương, qua đó tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Tuy nhiên, một số hội nghị bố trí thành phần tham gia hội nghị chưa rộng rãi do phân bổ số lượng bình quân; thời gian đọc báo cáo đánh giá kết quả kinh tế - xã hội, báo cáo tổng hợp ý kiến, kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị còn nhiều. Có nơi phương pháp dẫn dắt, gợi mở vấn đề trong đối thoại của người chủ trì chưa tốt; việc trả lời của cơ quan chuyên môn còn né tránh, vòng vo, thiếu trọng tâm. Còn tình trạng giải quyết ý kiến của người dân từ kỳ đối thoại trước nhưng chưa triệt để; chưa có nhiều ý kiến của Nhân dân tham gia góp ý xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền cần tập trung chỉ đạo, tổ chức quán triệt nghiêm túc Quyết định 2080-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đề caotrách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối thoại; tăng cường công tác đối thoại đột xuất khi có những vấn đề phức tạp. Quan tâm tổ chức kiểm tra, giám sát và nghiêm túc khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối thoại tại địa phương, cơ sở. Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác nắm bắt tình hình và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia đối thoại với tinh thần dân chủ, cởi mở; chủ động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

(Nguồn: Báo cáo kết quả công tác đối thoại trực tiếp với Nhân dân năm 2017 của Tỉnh uỷ Phú Thọ)

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-ket-qua-trong-cong-tac-doi-thoai-truc-tiep-giua-nguoi-dung-dau-cap-uy-chinh-quyen-voi-nhan-dan-o-cap-xa-cap-huyen-tinh-phu-tho-nam-2017
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com