Thứ tư, 31.01.2018 GMT+7

TÌM HIỂU ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẢNH VỆ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT CẢNH VỆ NĂM 2017

Luật Cảnh vệ năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 2, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, gồm 06 chương, 33 điều, trong đó Luật quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định, cụ thể là:

* Thứ nhất, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

* Thứ hai, đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại; Khách mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.

* Thứ ba, khu vực trọng yếu gồm: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội.

* Thứ tư, sự kiện đặc biệt quan trọng gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Kỳ họp của Quốc hội; Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng quốc phòng và an ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;  Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; Đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; Hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định.

Ngoài các đối tượng và phạm vi cảnh vệ nêu trên, Luật còn quy định, căn cứ vào tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định của Luật. Luật cũng nhấn mạnh về nguyên tắc công tác cảnh vệ, đó là: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ; Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, kết hợp giữa hoạt động công khai và hoạt động bí mật để thực hiện công tác cảnh vệ; Bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương. Luật còn quy định lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, bao gồm: cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tổ chức, biên chế, chức danh, trang bị của lực lượng Cảnh vệ. Đây là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. 

Như vậy, có thể thấy cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Công tác cảnh vệ là thực hiện các biện pháp cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Luật Cảnh vệ năm 2017 đã giữ nguyên 18 chức danh được cảnh vệ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-doi-tuong-duoc-canh-ve-theo-quy-dinh-cua-luat-canh-ve-nam-2017
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com