Thứ sáu, 12.01.2018 GMT+7

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI - MÁU VÀ HOA TRÊN ĐẤT NƯỚC LÀO

Ghi theo lời kể của Cựu chiến binh - Đại úy: Hoàng Quang Thược, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Đại đội C18, tiểu đoàn D4 quân tình nguyện Việt Nam thuộc sư đoàn 316 Anh hùng - từ năm 1960 đến năm 1972. Tác phẩm đạt giải Khuyến khích cấp toàn quốc trong cuộc thi : Tìm hiểu mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào năm 2017)

Năm 1971, thực hiện nhiệm vụ của Quân khu Tây Bắc sang Lào quy tập mộ liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Lúc bấy giờ tôi đang công tác tại cục chính sách của Quân khu, tại đây lưu trữ rất nhiều các tài liệu liên quan đến các trận đánh ở phía Bắc Lào của quân tình nguyện Việt Nam như là các bản đồ trận địa, các bản đồ, sơ đồ mộ chí nơi chôn cất liệt sỹ đã hy sinh và cùng với rất nhiều các kỷ vật của những người đã khuất.

Tháng 10 năm 1971, với cương vị đội trưởng, cấp bậc Trung úy, là người có nhiều năm đã từng tham gia chiến đầu ở chiến trường Bắc Lào, thông thổ địa hình và nắm bắt được nhiều thông tin về quân tình nguyện Việt Nam ở Lào, tôi cùng các đồng chí: Lường Văn Vinh (người dân tộc Thái, quê ở xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) Thiếu Úy, đội phó; Lò Văn Biến, cấp bậc Chuẩn Úy cán bộ cục chính sách (quê ở xã Mường Lạn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) cùng với 27 chiến sỹ dân quân tự vệ (có kinh nghiệm trong chiến đấu và đi quy tập hài cốt liệt sỹ trong nước) của đơn vị khai hoang thuộc nông trường Chiềng Xơ, huyện Sông Mã (nay là huyện Sốp Cộp), tỉnh Sơn La, thực hiện nhiệm vụ sang Lào giúp nhân dân Lào khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng lại bản làng và quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam ở tỉnh Huaphan  về Việt Nam. Lúc này tình hình chiến sự ở một số khu vực phía Bắc nước bạn Lào đã được giải phóng và tạm thời bình yên. Bản Tở, huyện Mường Son thuộc tỉnh HuaPhan nơi chúng tôi đóng quân đã được giải phóng, dân Lào bắt đầu từ trong rừng trở về các bản làng xây dựng nhà cửa, sản xuất và khôi phục kinh tế.

Đội tìm kiếm gồm 30 cán bộ, chiến sĩ, với nhiệm vụ là căn cứ vào các sơ đồ, bản đồ (có cả bản vẽ tay) của các đơn vị đã tham gia chiến đấu ở Lào còn lưu trữ ở quân khu Tây Bắckhảo sát, tìm kiếm, cất bốc và di chuyển hài cốt quân tình nguyện Việt Nam từ kháng chiến chống Pháp đến thời kỳ đầu của kháng chiến chống Mỹtrở về đất mẹ Việt Nam.

 Có lẽ chúng tôi là thế hệ đầu tiên tham gia tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ hy sinh từ Lào mang về Việt Nam. Vì thời tiết ở Lào rất khắc nghiệt, chia ra làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Tham gia tìm kiếm các liệt sĩ  bên Lào chỉ có thể từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 5 năm sau. Đây là mùa khô của Lào nên thuận tiện cho việc tìm kiếm và sinh hoạt của đội. Thời gian còn lại trong năm là mùa mưa, không thể khai quật được thì anh em đi nắm thông tin trong các bản làng của dân Lào và giúp dân dựng nhà, làm nương, dạy học...

Từ Sơn La, anh em trong đội được trang bị đầy đủ quân tư trang, đồ dùng thiết yếu phục vụ cá nhân, nhiệm vụ của cấp trên giao cho đội là sẽ cất bốc được khoảng trên dưới 100 đồng đội đã hy sinh mang về Việt Nam, nên anh em được trang bị thêm cuốc, xẻng, câu liêm, vải đỏ, vải xô trắng, hương, nước hoa... để sử dụng phục vụ nhiệm vụ đặc biệt này. Đón tiếp chúng tôi tại Bản Tở - Mường Son là đồng chí Đại úy Lò Văn Ụ, đồn trưởng đồn công an vũ trang (nay là lực lượng bộ đội biên phòng) đóng chốt tại bản, là trạm trung chuyển cung cấp quân lương cho bộ đội Việt Nam tại khu vực này, và đây cũng là địa điểm chúng tôi sẽ tập kết hài cốt của anh em khi tìm được sẽ mang về đây để chuyển về Việt Nam. Những năm tham gia chiến đấu trong Sư đoàn 316 ở các tỉnh Bắc Lào, trước sự hy sinh của đồng đội, bản thân tôi cũng đã nhiều lần tự tay mình khâm liệm, chôn cất đồng đội hy sinh, những lần di chuyển quân từ Huổi Phăn sang Luông Nậm Thà, tôi đã chứng kiến cảnh mồ mả liệt sĩ nằm rải rác khắp vùng biên giới Việt - Lào. Có hài cốt nằm rục bên gốc cây, không một tấm bia, không một dòng địa chỉ. Nhiều khu mộ cây rừng đã mọc đè lên, rễ cây đâm ngang qua nơi các liệt sĩ đang yên nghỉ. Những liệt sĩ được chôn cất gần hai bên bờ suối khi qua còn mộ, đến mùa lũ về, quay lại đã bị nước xói, phơi xương cùng sương gió.

Sau một đêm ngủ lại đồn, đoàn chúng tôi bắt đầu lên đường bằng hành trình những ngày tháng đằng đẵng trên đất Lào đi tìm mộ chí. Theo bản đồ, địa điểm đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là khu vực quy tập mộ liệt sỹ ở nghĩa trang Bản Tở, nơi đây theo chỉ dẫn có cả phần mộ liệt sỹ hy sinh từ thời chống Pháp của đoàn quân Tây Tiến mà linh hồn họ: “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi” và của Trung đoàn 98 thuộc Đại đoàn 316 trong chiến dịch chống Pháp từ năm 1948-1954 (sau này là sư đoàn 316). Khu vực quy tập những phần mộ liệt sĩ này nằm sâu trên rừng và núi cao, anh em vừa đi, vừa mở đường, phát cây, trèo đèo vượt suối, đánh đấu đường đi theo dấu lối mòn xưa nay đã phủ xanh cỏ cây. Tình hình an ninh lúc bấy giờ còn rất phức tạp, tàn dư của các cuộc chiến giữa Mỹ và quân đội ta với bộ đội Pa Thét Lào còn nhiều chứng tích. Đó là những mảnh bom, miếng đạn còn găm lại trên đất Lào, còn sót lại rất nhiều bom, mìn, ngày nào đội tìm kiếm hài cốt cũng tìm được vài quả đạn còn nguyên…

 Để làm việc, anh em trong đội phải dựng lán ở trong rừng. Cây cỏ dại mọc hoang phủ kín cả khu vực quy tập ở Bản Tở, gọi là nghĩa trang quy tập cho rõ ràng chứ thực ra khu vực quy tập này được bộ đội Việt Nam và dân bản Lào cất bốc từ dọc biên giới Việt Lào giáp khu vực Sơn La, Lai Châu đưa về chôn thành mấy khu vực rải rác trong rừng cách xa khu dân cư. Từ Bản Tở, cả đội đi theo đường mòn vào rừng, vừa đi vừa phát cây cỏ và đánh dấu đường trở về, đường đi lối lại quanh co rừng núi và trèo đèo lội suối. 30 anh em trong đội phải dùng dao phát và cuốc xẻng mất 3 ngày trời mới phát quang lối và khoanh vùng được các phần mộ. Những mô đất đắp cao lần lượt hiện ra giữa rừng già thăm thẳm, các anh đã ở đây ngót 20 năm rồi, hôm nay chúng tôi sẽ đưa các anh về đất mẹ Việt Nam. Và các anh nằm lại nơi đây đã góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi ở Việt Nam và Lào. Thời đánh Pháp, bộ đội ta còn thiếu thốn trăm bề, từ cái ăn đến cái mặc, nên khi các anh ngã xuống chôn cất vội vàng trong bom đạn không được cuốn trong tăng, bạt, dù...nên một số hài cốt đã bị phân hủy gần hết, nhiều người chỉ có tên, không có địa chỉ, có những nấm mồ vô danh hoàn toàn, có những nấm mồ khi đào lên thì  quần áo đã mục hết chỉ còn vài chiếc xương lẫn trong đôi dép cao su và chiếc mũ đội đầu của liệt sỹ có hình ngôi sao Tổ quốc, thời gian làm cho nhiều hài cốt đã không còn nguyên vẹn, thậm chí là không còn xương. Có những liệt sĩ, khi được khai quật, các di vật vẫn nguyên nhưng chỉ còn lại đôi ba mảnh xương nhỏ. Trong nhiều ngôi mộ, đội quy tập gặp được những chiếc lược rất đẹp được làm từ xác máy bay rơi khắc hình đôi chim bồ câu lồng vào nhau, những chiếc bút chạm khắc tỉ mẩn… Hay có những ngôi mộ còn có cả những chiếc khăn tay mới tinh gói trong túi ny lông. Theo các chiến sỹ phán đoán, người dưới mộ có lẽ đã mang theo kỷ vật của người yêu hoặc người vợ tặng theo bên mình để luôn có hơi ấm quê hương.

 Đội quy tập chúng tôi làm việc rất cẩn thận, đào bới tỷ mẩn từng cục đất để tìm hài cốt sao cho được đầy đủ nhất, xếp vào trong lần màn xô trắng cuộn chặt lại và bọc ngoài bằng vải đỏ, những bộ cốt còn nguyên vẹn thì xếp được 2 bộ trong 1 ba lô, còn những bộ không còn nguyên vẹn thì xếp được 4 bộ vào trong 1 ba lô. Thời tiết mùa khô ở Lào rất khắc nghiệt, ngày nóng, đêm có khi lại lạnh đột ngột. Nước ngọt ở trong rừng núi là rất hiếm, đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: “Nước khô cạn bướm bay lèn đá”. Xác định nước sinh hoạt mùa khô ở Lào là rất quý giá, nên khi chọn địa điểm dựng lán trại ở, tôi và anh em trong đội tìm nơi gần suối để ở trong thời gian dài. Đào bới cả ngày nên quần áo ai cũng bụi bặm và mồ hôi rất bẩn, phút thư giãn chính là lúc anh em trong đoàn cùng nhau xuống suối tắm và bắt cá cải thiện bữa cơm, cá dưới suối bơi thành đàn nhiều vô kể, còn trên rừng xung quanh khu vực dựng lán trại thì cơ man nào là khỉ, chúng chạy nhảy và dồn đuổi nhau ầm ĩ, thỉnh thoảng lại ngó nghiêng anh em trong đoàn, có đám khỉ làm cho khung cảnh vui vẻ và náo nhiệt hơn.

Nhiều đêm nằm trong lán trại đếm sao trời cả đoàn thao thức không ai ngủ được, nhớ nhà, nhớ quê hương. Trong đội có tôi là người lớn tuổi nhất, kinh qua nhiều trận mạc và là người duy nhất trong đoàn có gia đình, lúc này ở Sơn La vợ tôi đang mang bầu đứa con đầu tiên, khi tôi đi đã được 6 tháng (đến tháng 4/1972 chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và về Sơn La thì con gái đầu của tôi đã được 3 tháng tuổi). Những đêm như thế, tôi lại kể chuyện đánh trận ở Lào cho các anh em chiến sỹ trẻ tuổi trong đoàn cùng nghe. Trong nhiều trận đánh ác liệt chống Mỹ và phỉ Vàng Pao ở các tỉnh Bắc Lào mà tôi đã trực tiếp tham gia như trận đánh Nậm Thà, cao điểm Pha Thí, Tông Sơ, Nậm Bạc...tôi nhớ đến đồng đội trong trận chiến ở Luông Nậm Thà trong chiến dịch Nậm Thà năm 1962, thời điểm ấy chúng tôi đã chiến đấu ở đất Lào được 03 năm, cánh lính Việt Nam đa phần là lính trẻ được tuyển mộ sau chiến dịch Điện Biên Phủ và sau 3 năm sang Lào thuộc cả địa hình, thời tiết ở Lào. Ở trung đội của tôi nhiều anh em cùng quê hương Cẩm Khê-Phú Thọ, trong đó tôi rất quý Nguyễn Văn Thảo sinh năm 1939 quê ở xã Văn Bán - Cẩm Khê, kém tôi cả gần chục tuổi, dáng người thư sinh, trắng trẻo, đàn giỏi, hát hay rất khéo tay trong việc nấu ăn và công việc gia đình. Thảo đang học dở cấp 3, nhà đông anh em có mình em là nhanh nhẹn nhất nên Bầm (cách gọi Mẹ của người Phú Thọ) cho em đi ra ngoài học hỏi để khôn lớn và trưởng thành. Nhờ có năng khiếu nên Thảo được giao phụ trách văn nghệ của đơn vị. Nhiều bài hát Thảo chỉ nghe qua một lần là nhớ và thuộc ngay sau đó hát lại và dạy anh em sau những ngày hành quân và chiến đấu ác liệt, như: Hành quân xa, Qua miền Tây bắc, Hò kéo pháo, hoa đẹp Chăm pa... xua tan đi bao mệt nhọc, Thảo còn mày mò học tiếng Lào, học hát học múa Lào, điệu Lăm vông, điệu Chăm pa. Những đêm 2 anh em nằm tâm sự chuyện trò Thảo bảo sau này giải phóng sẽ đi học về nông nghiệp để về cải tạo đất trồng lúa và hoa màu, đưa công cụ sản xuất hiện đại vào làm nông nghiệp cho người nông dân đỡ khổ, em cũng mơ ước được sang Liên Xô học kinh nghiệm làm nông nghiệp của họ về những nông trường bạt ngàn lúa và hoa quả. Nhưng rồi những cơn sốt rét rừng Lào đã quật ngã Thảo, em thường lên cơn sốt về chiều, người cứ run lên bần bật... Rồi trận chiến Nậm Thà ấy, Thảo bị trúng đạn pháo của địch vào bụng, xổ tung hết cả ruột ra, máu mất quá nhiều, tôi cùng với Dũng (quê Cẩm Khê) quấn băng cầm máu cho Thảo mà máu phun sang cả người 2 anh em. Thảo đuội dần trong tay tôi, mắt em rưng rưng nhìn tôi rồi nói anh nhớ đưa em về Cẩm Khê nhé, rồi Thảo thiếp đi trong tay tôi. Tôi và đồng đội đã chôn cất Thảo trên cánh rừng đại ngàn của Luông Nậm Thà, thêm một nấm mồ trên bản đồ địa chí bằng tay của trung đội. Sự hy sinh của Thảo và đồng đội trong chiến dịch Nậm Thà đã làm nên chiến thắng vang dội của Sư đoàn 316, tiếp nối chiến thắng vẻ vang của cha ông thời chống Pháp. Đêm ấy, trên đất Lào, tôi đã gặp Thảo trong mơ, Thảo tung tăng ở bờ suối, đi lấy rau rừng về nấu canh cho anh em. Thảo cười rất tươi và bảo tôi anh nhớ sau này giải phóng về Cẩm Khê, lên Văn Bán nhà em chơi nhé, em sẽ nấu cho anh ăn món cá trắm đồng Sủng kho trám cực ngon. Tôi tỉnh dậy, xung quanh mình anh em đang ngủ say, chỉ thấy bóng đêm và tiếng rừng núi róc rách trong đêm. Luông Nậm Thà cách Bản Tở cả ngàn cây số, phía ấy đang còn chiến sự ác liệt, Sư đoàn đang đánh đuổi tàn quân Mỹ và Vàng Pao về bên Thái Lan, nên chưa thể đến đó đưa Thảo về Phú Thọ được, Thảo ơi!...

Càng đi sâu vào trong rừng để tìm mộ anh em càng gặp nhiều khó khăn, trong đội đã có người ốm, lại phải cử người làm cáng khiêng về bản và xin người trợ giúp. Bản Tở đã đưa hơn chục nam giới là những người có kinh nghiệm đi rừng hỗ trợ đoàn. Có những huyệt mộ chôn trên cao, thời tiết khô quanh năm, khi mở túi ny lông chôn cất ra liệt sỹ vẫn còn nguyên hình hài da thịt, băng trắng pha máu đỏ vẫn cuốn trên đầu chưa phân hủy, vậy là anh em trong đội lại phải rạch túi để liệt sỹ nằm lại đất Lào, chưa thể về đất mẹ Việt Nam ...Chứng kiến cảnh này, nhiều anh em trong đội không khỏi rơi nước mắt.

Với những ngôi mộ có di vật đặc biệt, có tên và quê quán thì việc xác định danh tính trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng, không phải ngôi mộ nào cũng như thế. Từ tháng 10/1971 đến tháng 4 /1972, đội đã quy tập được hơn 70 phần mộ, nhưng chỉ có 2/3 là xác định được tên tuổi, số còn lại thuộc về “những liệt sĩ chưa biết tên”.

Cuối tháng 4/1972, thời tiết Lào bắt đầu chuyển sang mùa mưa, nước trên thượng nguồn bắt đầu đổ về đầy các khe suối, rừng âm u và ẩm ướt gây nhiều khó khăn cho công tác tìm mộ. Đội công tác đặc biệt chúng tôi trở về nơi tập kết là đồn công an vũ trang Bản Tở để đưa hài cốt anh em về Việt Nam. Những anh linh liệt sỹ này được chôn cất tại nghĩa trang Coong Khéo, xã Lành Bánh, huyện Sông Mã (nay là huyện Sốp Cộp), tỉnh Sơn La.

Trước hôm về Việt Nam một ngày, trưởng Bản Tở đã đưa nhà sư và các thanh niên trẻ của bản mang hương, hoa đến làm lễ đưa vong linh các liệt sỹ Việt Nam về quê hương. Tôi còn nhớ, trưởng bản đã nói rất chân thành: “Bà con các bộ tộc Lào có ngày hòa bình như hôm nay là nhờ sự hy sinh rất lớn của “Tà hán” (bộ đội) Việt Nam. Chúng ta giúp bộ đội Việt là giúp mình mà. Chủ tịch Xuphanuvông từng nói với chúng ta: Việt – Lào xa ma khi (đoàn kết) mãi mãi mà”. Thay mặt cho dân bản, trưởng bản đã bày tỏ lòng tiếc thương và biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sỹ Việt Nam, những người đã không tiếc máu xương ngã xuống vì tình đoàn kết hữu nghị anh em 2 nước Việt –Lào, vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Một phần xương máu của đồng đội tôi, của biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam đã hoà quyện với máu thịt của quân và dân Lào, của đất nước Lào, để đem lại ngàn hoa thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc.

Cái giá của độc lập, tự do được đo bằng tầm vóc lớn lao và khí phách của dân tộc, được ghi nhận bằng xương máu của nhân dân, mà trước hết là xương máu của hàng ngàn, hàng vạn người lính trên chiến trường. Tôi biết rằng hiện giờ vẫn còn hàng ngàn nấm mộ của đồng đội tôi vẫn nằm rải rác trên những vùng núi cao, rừng sâu của đất nước Lào và hơn bao giờ hết, thế hệ trẻ sống trong tự do của nước Việt ngày hôm nay hãy luôn khắc ghi công ơn của họ và sớm đưa anh linh họ về Việt Nam. Đó là điều mà những người cựu chiến binh như tôi hằng mong muốn.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hanh-trinh-di-tim-dong-doi-mau-va-hoa-tren-dat-nuoc-lao
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com