Thứ năm, 04.01.2018 GMT+7

TÌM HIỂU MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

Ngày 21 tháng 6 năm 2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công gồm 10 chương, 134 điều, quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Sau đây, xin giới thiệu một số nội dung cơ bản được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:

Một là, đối tượng áp dụng của Luật, gồm: Cơ quan nhà nước; Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.

Hai là, khái niệm tài sản công. Theo đó, Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác. Như vậy, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã điều chỉnh tới tất cả các loại tài sản công được quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bao gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Ba là, về phân loại tài sản công: Luật quy định phân loại tài sản công thành 07 loại: (1). Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là: cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội, trừ tài sản quy định tại khoản 4 Điều 4 (sau đây gọi là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị). (2). Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. (3). Tài sản công tại doanh nghiệp. (4). Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước. (5). Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. (6). Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước. (7). Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật

Bốn là, nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công: Luật đã xây dựng những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công, gồm: 07 nhóm nguyên tắc trong quản lý, sử dụng tài sản công. (1). Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. (2). Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật. (3) Tài sản công là tài nguyên phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật. (4). Tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật. (5). Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. (6). Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. (7). Việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Năm là, về hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, để có cơ sở thực hiện khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công có hiệu quả, trên cơ sở rà soát các quy định hiện hành của pháp luật và kinh nghiệm quốc tế, Luật quy định 08 hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công gồm: (1). Giao quyền sử dụng tài sản công. (2). Cấp quyền khai thác tài sản công. (3). Cho thuê tài sản công. (4). Chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công. (5). Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết. (6). Sử dụng tài sản công để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước. (7). Bán, thanh lý tài sản (8). Hình thức khác theo quy định của pháp luật

Sáu là, về giám sát của cộng đồng đối với tài sản công, nhằm bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình, Luật quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công, trừ tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công; có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, đề nghị giám sát của Nhân dân; chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát đối với tài sản công theo kế hoạch và quy định của pháp luật.

Bảy là, về hành vi bị nghiêm cấm. Luật quy định 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công, cụ thể gồm: (1). Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. (2). Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. (3). Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng. (4). Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. (5). Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật. (6). Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật. (7). Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công. (8). Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công. (9). Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật. (10). Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan

Tám là, xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công. Luật quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Luật cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-mot-so-noi-dung-co-ban-cua-luat-quan-ly-su-dung-tai-san-cong
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com