Thứ tư, 27.12.2017 GMT+7

DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG NĂM 2017

Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 6 -11 tháng 11 năm 2017. Năm APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay đổi tận gốc rễ nền tảng kinh tế toàn cầu, đặt các nền kinh tế trước những thử thách và cả cơ hội chưa từng có. Hội nhập và toàn cầu hóa vẫn là động lực tăng trưởng của kinh tế Thế giới. Hơn nữa, tình hình khu vực và thế giới có những biến động phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy ở một số nền kinh tế thành viên và đang trở thành rào cản đối với quá trình tự do thương mại và liên kết kinh tế trong khu vực, APEC thực sự cần một động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế APEC.

Chủ đề APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” rất phù hợp với yêu cầu hiện nay và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ. Bên cạnh đó, APEC đang trong quá trình phấn đấu hoàn thành mục tiêu tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại - đầu tư vào năm 2020.

APEC 2017 đã thu húthơn 11.000 đại biểu tham dự, gồm khoảng 4.500 quan chức các nền kinh tế thành viên APEC, hơn 4.000 doanh nghiệp và gần 3.000 phóng viên. Tuần lễ cấp cao APEC tại Ðà Nẵng là một trong những sự kiện cấp cao APEC thu hút đông đảo đại biểu, đặc biệt là sự xuất hiện của tất cả các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đều tham dự.

APEC 2017 với tư cách chủ nhà, Việt Nam có những cơ hội và thách thức sau:

Cơ hội:

Thứ nhất, hội nghị góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, trong khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương khu vực kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế của thế giới.

Thứ hai, với tư cách chủ nhà của APEC năm 2017, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội lồng ghép, ưu tiên những chính sách của Đảng, Nhà nước vào trong các chương trình nghị sự của APEC. Ví dụ, ta có thể ưu tiên ủng hộ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra thị trường quốc tế và khu vực, hay ưu tiên cho thương mại điện tử, cho phát triển bền vững…

Thứ ba, Việt Nam có những cuộc tiếp xúc song phương với các lãnh đạo cấp cao và các bộ trưởng thành viên APEC để tăng cường hợp tác thương mại, kinh tế, công nghiệp, song phương giữa Việt Nam với các đối tác, ký kết các hiệp định, thỏa thuận mới để tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Thứ tư, các cộng đồng doanh nghiệpViệt Nam cũng có cơ hội để giao thương mở rộng mạng lưới sang các thị trường khu vực và quốc tế.

Thứ năm, Việt Nam có cơ hội quảng bá đất nước ra bên ngoài, đặc biệt tâm điểm Đà Nẵng sẽ được giới thiệu ra khu vực và thế giới với vị thế một thành phố mới năng động, đây là một cơ hội rất tốt để Đà Nẵng cũng như các địa phương lân cận ở miền Trung, như Hội An, Huế... phát triển vươn lên.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tranh thủ nguồn lực của các nền kinh tế APEC để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Thách thức:

Thứ nhất, trong bối cảnh sự thay đổi cả về chính trị và kinh tế, có những vấn đề nổi lên: số nền kinh tế thay đổi chính sách, có thể họ không còn quá quan tâm đến hội nhập và muốn giải quyết vấn đề nội bộ trong nước trước. Điều này cũng gây khó khăn cho ta trong quá trình điều phối hội nghị.

Thứ hai, APEC là một diễn đàn bao gồm 21 nước thành viên và có sự đa dạng cả về văn hóa, chính trị, cũng như trình độ phát triển. Vì thế cách nhìn nhận về hội nhập kinh tế và mối quan tâm của các nước cũng khác nhau. Là nước chủ nhà, Việt Nam cần khéo léo đàm phán hài hòa quan điểm của các nước phát triển và các nước đang phát triển để đạt được kết quả như mong muốn.

Tuần lễ Cấp cao khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, tiếp tục các mục tiêu của APEC: tự do hóa thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và tăng trưởng trong khu vực. Bên cạnh đó, những vấn đề mới được đưa ra như cách mạng công nghiệp 4.0, tạo nguồn lực cho kỷ nguyên số, thương mại điện tử, cơ cấu kinh tế… Với định hướng "tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", hội nghị đã vạch ra tầm nhìn của APEC sau năm 2020 với việc đưa ra nhóm công tác để xây dựng tầm nhìn này. Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến và được các nước ủng hộ, trong đó lần đầu tiên tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, với sự tham gia của hơn 2.000 DN trong và ngoài nước, trong đó có 850 DN trong nước, tạo hiệu ứng lan tỏa với môi trường kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Có thể nói, các hoạt động của Năm APEC 2017 đã cho thấy vai trò của Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định những đóng góp của Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=dien-dan-hop-tac-kinh-te-chau-a-thai-binh-duong-nam-2017
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com