Thứ ba, 31.10.2017 GMT+7

KẾT QUẢ 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 25-NQ/TW, NGÀY 12/3/2003 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG (KHOÁ IX) VỀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Phú Thọ là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên 3.532,9 km2; toàn tỉnh có 13 huyện, thành, thị trong đó có 10 huyện miền núi với 218/277 xã, thị trấn là miền núi; có 01 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP, 72 xã đặc biệt khó khăn và ATK; 208 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 82 xã, thị trấn khu vực I, II. Dân số toàn tỉnh gần 1,4 triệu người, với 34 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó có trên 230.000 người là dân tộc thiểu số chiếm 16% dân số toàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, có 02 tôn giáo chính đang hoạt động là đạo Công giáo và đạo Phật, với tổng số 219.205 tín đồ. Trong đó: đạo Công giáo có 128.327 tín đồ, chiếm 9,8% dân số; có 35 giáo xứ, với 138 họ giáo thuộc 2 giáo phận Hưng Hoá và Bắc Ninh, có trên 20 loại tổ chức hội đoàn tôn giáo. Đạo Phật có 90.878 phật tử, chiếm 7% dân số, có 325 ngôi chùa. Về tổ chức: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Thọ; 13/13 Ban Trị sự GHPG cấp huyện; 225 Ban đại diện Phật giáo các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có 02 tôn giáo khác hoạt động là đạo Tin lành có 7 hệ phái hoạt động với 269 tín đồ và đạo BaHa,i hiện có 11 tín đồ.

Quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác tôn giáo, trong 15 năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết tới lãnh đạo, những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành chức năng; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức thực hiện, cụ thể hoá bằng chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, Tỉnh uỷ đã xây dựng Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 24/4/2003 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7(khoá IX) về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo; Chương trình hành động số 49-CTr/TU ngày 22/6/2010 về Thực hiện Kết luận 57-KL/TW của Bộ Chính trị " về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo"; ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 22/7/2005 của Tỉnh uỷ "về tăng cường lãnh đạo công tác tôn giáo trong tình hình mới" và một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo khác… Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, quán triệt thực hiện nội dung của Nghị quyết và các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền, viết tin bài về thực hiện công tác tôn giáo trên các trang báo, tạp chí của tỉnh để tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về công tác tôn giáo; kịp thời đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết theo đúng quy định; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trên địa bàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhìn chung sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác tôn giáo, tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cơ bản ổn định, không xẩy ra vấn đề phức tạp, điểm nóng về tôn giáo. Việc sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo đi vào nền nếp; các hoạt động tôn giáo đều được các cơ sở tôn giáo đăng ký với chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, chương trình đã đăng ký. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo thực hiện có hiệu quả; tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo được nâng cao trình độ về chuyên môn. Các cấp uỷ đảng, chính quyền ngày càng coi trọng công tác tôn giáo, quan tâm giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của các cá nhân, tổ chức tôn giáo và chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những hoạt động tuyên truyền đạo trái phép. Các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, yên tâm hành đạo cùng chung sống đoàn kết. Một số kết quả về công tác tôn giáo của tỉnh Phú Thọ trong 15 năm qua được thể hiện:

Một là, nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về tôn giáo và công tác tôn giáo được nâng lên.

Thông qua công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm của Đảng và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo và công tác tôn giáo đã góp phầnnâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác tôn giáo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân.Đội ngũ chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong sinh hoạt tôn giáo cũng như việc thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, luôn xác định "một tín đồ tốt trước hết phải là công dân tốt". Các tổ chức tôn giáo có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc theo phương châm "Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội", thực hiện tốt cả "việc đạo" và "việc đời", tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Hai là, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo được nâng cao.

Trong 15 năm qua đã triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các công trình thiết yếu về giao thông thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, các thiết chế về y tế, văn hóa, giáo dục, các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội… Trong đó, đồng bào tôn giáo đã có những đóng góp tích cực góp phần cùng các cấp, các ngành và nhân dân địa phương hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Đến nay, kinh tế ở vùng đồng bào tôn giáo đã phát triển khá, xoá được hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều làng nghề truyền thống với nhiều hộ gia đình là người Công giáo tham gia như: mô hình kinh tế đồi rừng, trang trại ở huyện Cẩm Khê; 17 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chủ hộ là người Công giáo với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm ở huyện Lâm Thao; nhiều làng nghề truyền thống ở huyện Cẩm Khê, Lâm Thao được duy trì phát triển tốt; huyện Cẩm Khê có 4/4 xã Công giáo toàn tòng đạt chuẩn quốc gia về y tế và nhiều trường tiểu học ở các xã vùng Công giáo đạt chuẩn quốc gia. Nhiều hộ gia đình, cá nhân có đạo tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động giáo dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Đặc biệt tại Hội nghị biểu dương đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới và công tác xã hội tốt lần thứ IV (giai đoạn 2011 - 2016) do Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức đã có 140 tấm gương tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho đồng bào DTTS và đồng bào tôn giáo được lựa chọn, bình xét từ cơ sở về dự hội nghị; có 03 đại biểu Công giáo được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 34 đại biểu là đồng bào Công giáo được Uỷ ban MTTQ tỉnh trao Giấy chứng nhận.

Ba là, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm, chú trọng.

Trong những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền, Ban chỉ đạo công tác tôn giáo các cấp, các ban, ngành chức năng có liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tuyên truyền, phối hợp, quản lý tình hình hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn. Tích cực theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trong việc đăng ký và thực hiện chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm; việc tổ chức các ngày lễ trọng, các lễ phát sinh trong năm; các hoạt động đối ngoại, tổ chức lễ đón tiếp các đoàn tôn giáo từ nước ngoài sang thăm và làm lễ tại địa phương theo đúng quy định pháp luật và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng. Trong 15 năm, trên toàn tỉnh có 175 công trình tôn giáo, 79 công trình tín ngưỡng được UBND tỉnh chấp thuận cho xây dựng, sửa chữa; chấp thuận cho nhà sư về trụ trì tại các chùa trên địa bàn tỉnh; chấp thuận cho đạo Công giáo thành lập họ giáo, chủng sinh được phong chức linh mục; chủng sinh được tham gia các khoá đào tạo tại các Đại chủng viện; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo đến nay đạt 61,02% với tổng diện tích là 902.183m2, đảm bảo tiến độ yêu cầu, góp phần hạn chế các vi phạm về mua bán, lấn chiếm, tự ý cơi nới, xây dựng cơ sở tôn giáo trái phép.Chỉ đạo giải quyết ổn định các vụ việc phức tạp và giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến tôn giáo. Đấu tranh chấm dứt hoạt động của các đạo lạ và việclợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, các yếu tố tâm linh để lôi kéo người dân tin theo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc.

Bốn là, thực hiện tốt công tác vận động, tập hợp quần chúng trong đồng bào có đạo.

Xác định công tác vận động, tập hợp quần chúng là một trong những nội dung cốt lõi góp phần giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo. Tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"...; tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong đó, có đồng bào tôn giáo chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy ước, hương ước của địa phương. Vận động, hướng dẫn đồng bào các tôn giáo tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ, ủng hộ người nghèo, gia đình chính sách.Từ năm 2003 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức được 03 hội nghị biểu dương những cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong phát triển kinh tế, công tác xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Kết quả có 756 hộ đồng bào tôn giáo được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp biểu dương khen thưởng. Công tác kết nạp, phát triển đảng viên là người có đạo đượccác cấp, các ngành quan tâm; lựa chọn giới thiệu những nhân tố tích cực là người tôn giáo tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Năm là, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh được củng cố, kiện toàn, đảm bảo nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo ở các cấp thường xuyên được củng cố, bổ sung, kiện toàn khi có thay đổi về nhân sự; duy trì nền nếp chế độ hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ các hoạt động tôn giáo thuộc địa bàn, lĩnh vực phụ trách theo qui chế. Ban Tôn giáo thuộc sở Nội vụ và một số cơ quan chức năng khác như Ban Dân vận,Công an, MTTQ đều có phòng, bộ phận và cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ làm công tác tôn giáo được tổ chức thường xuyên, với tổng số 166 lớp trên 10 ngàn lượt cán bộ tham gia. Các cán bộ làm công tác tôn giáo đã phát huy được vai trò, trách nhiệm; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, tín đồ tôn giáo; tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề liên quan đến tôn giáo, hạn chế những hoạt động tôn giáo sai quy định xảy ra trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW còn một số tồn tại hạn chế nhất định như: công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, chưa sâu rộng và thiếu các biện pháp cụ thể. Một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân, chức sắc, nhà tu hành, chức việc tôn giáo nhận thức về công tác tôn giáo chưa đầy đủ và sâu sắc. Tình trạng mua bán, lấn chiếm, đòi đất đai để xây dựng cơ sở tôn giáo, việc tự ý sửa chữa, cơi nới, xây dựng các công trình tôn giáo và vi phạm trong việc truyền đạo, tuyên truyền hoạt động của các đạo lạ trái phép còn xảy ra ở mộtsốđịa bàn. Một bộ phận cán bộ làm công tác tôn giáo còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn; công tác tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý, giải quyết các vấn đề về tôn giáo có lúc còn thụ động; việc nắm bắt tình hình tôn giáo tại các địa bàn, cơ sở còn chậm, xử lý thiếu kiên quyết nên có lúc, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng trong toàn tỉnh tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tôn giáo; các cấp chính quyền phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo, đảm bảo hoạt động của các tôn giáo diễn ra đúng quy định pháp luật, giải quyết hiệu quả các vấn đề tôn giáo nảy sinh. Các cấp, các ngành chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng các tôn giáo; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, làm tốt công tác phát triển đảng viên và xây dựng đội ngũ cốt cán là người có đạo; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân; chú trọng hơn nữa đến số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; nâng cao chất lượng, hiệu quả các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=ket-qua-15-nam-thuc-hien-nghi-quyet-25-nqtw-ngay-1232003-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-ix-ve-cong-tac-ton-giao-tren-dia-ban-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com