Thứ hai, 23.10.2017 GMT+7

TÌM HIỂU MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ GIÁM HỘ TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

Ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Bộ luật Dân sự, Luật số 91/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, với 06 phần, 27 Chương, 689 điều. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập tới một số nội dung cơ bản về giám hộ được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như chúng ta biết, giám hộ là một chế định được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 để đảm bảo sự bình đẳng trong việc tham gia các quan hệ dân sự của các chủ thể không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, do còn khuyết thiếu về sức khỏe tinh thần, hạn chế về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình, bởi vậy không thể tự xác lập, thực hiện được các giao dịch dân sự, cũng như tự chăm sóc bản thân mình. Thông qua chế định giám hộ, các quyền và nghĩa vụ của cá nhân đó sẽ được bảo đảm và được thực hiện thông qua người giám hộ và các chủ thể có liên quan.

Tại Điều 46, Bộ luật Dân sự 2015 có xác định các hình thức giám hộ, đó là: giám hộ theo quy định của pháp luật; giám hộ theo việc cử của ủy ban nhân dân cấp xã; giám hộ theo sự chỉ định của tòa án; giám hộ theo sự chỉ định của chính người được giám hộ tại thời điểm họ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Việc giám hộ nhằm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Bởi vậy, việc giám hộ phải được thực hiện chặt chẽ theo trình tự, thủ tục nhất định: phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch (khoản 2, điều 46, Bộ luật Dân sự).

Về phía người được giám hộ, được quy định tại Điều 47, Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm: Người chưa thành niên: không còn cha mẹ; không xác định được cha mẹ; có cha mẹ nhưng cha mẹ trong tình trạng đều mất năng lực hành vi dân sự; đều có khó khăn trong nhân thức, làm chủ hành vi; đều bị hạn chế năng lực hành vi dân dự; đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ. Người mất năng lực hành vi dân sự; Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Đồng thời, cá nhân được giám hộ chỉ có một người giám hộ duy nhất nhằm hướng tới việc tập trung trách nhiệm của người giám hộ đối với cá nhân được giám hộ; đảm bảo cho mục đích của việc giám hộ được thực hiện, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các chủ thể giám hộ.

Trong Điều 47 còn xác định trường hợp ngoại lệ, đó là người giám hộ là cha, mẹ đối với con mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu thì người giám hộ có thể là cả cha, mẹ; cả ông bà. Bởi quy định này xuất phát từ thực tế, phong tục tập quán của nước ta trong cả khía cạnh pháp lý và tình cảm, cha mẹ đối với con, ông bà đối với cháu tuy bao gồm nhiều người nhưng đều ngang bằng và như nhau.

Về phía người giám hộ được quy định tại Điều 48: có thể là cá nhân, pháp nhân mang tính khái quát để nhận diện người giám hộ rõ ràng và nhất quán theo nguyên tắc của pháp luật dân sự.

Đồng thời người giám hộ phải đảm bảo những điều kiện nhất định, quy định tại Điều 49 và Điều 50.

Với cá nhân, để trở thành người giám hộ phải đáp ứng 4 nhóm điều kiện về mức độ năng lực hành vi dân sự, về tư cách đạo đức, về lý lịch tư pháp  liên quan đến trách nhiệm hình sự và về lý lịch tư pháp của cá nhân; Đối với pháp nhân phải đảm bảo 2 nhóm điều kiện về năng lực pháp luật dân sự và các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện hoạt động giám hộ nhằm đảm bảo việc giám hộ được thực hiện đúng mục đích cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Người giám hộ là người chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người giám hộ và đồng thời giúp họ quản lý tài sản, thực hiện các giao dịch liên quan đến các tài sản. Vì vậy, việc giám hộ ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống vật chất, tinh thàn của người được giám hộ. Do đó cần thiết phải có cơ chế giám sát, kiểm tra để đảm bảo việc giám hộ được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ. Điều 51, Bộ luật Dân sự cũng đã quy định về vấn đề giám sát việc giám hộ. Người giám sát việc giám hộ thực hiện theo các phương thức: theo thỏa thuận cử hoặc sự lựa chọn của người thân thích của người giám hộ; theo quyết định cử của UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ; theo quyết định của tòa án. Đồng thời, người giám sát việc giám hộ phải đảm bảo các điều kiện nhất định: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám sát; có điều kiện cần thiết để thực hiện việc giám sát nhằm đảm bảo khả năng thực hiện việc giám sát; đảm bảo việc giám sát là thực tế, không phải trên danh nghĩa.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự còn quy định quyền và nghĩa vụ của người giám sát với 3 nhóm: giám sát, kiểm tra việc giám hộ của người giám hộ có bảo đảm mục đích của giám hộ hay không; giám sát và có ý kiến kịp thời bằng văn bản về việc giám hộ xác lập, thực hiện giao dịch dân sự bằng tài sản của người được giám hộ; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ khi phát hiện thấy việc giám hộ không đảm bảo mục đích của giám hộ hoặc không còn cần thiết; thay đổi, chấm dứt việc giám sát việc giám hộ khi việc giám sát, người giám sát không còn đáp ứng đủ các điều kiện hoặc không còn cần thiết.

Thủ tục xác định người giám sát việc giám hộ yêu cầu phải có sự đồng ý của người này, nếu liên quan tới tài sản thì người giám sát còn phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tim-hieu-mot-so-noi-dung-co-ban-ve-giam-ho-trong-bo-luat-dan-su-nam-2015
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com