Thứ hai, 09.10.2017 GMT+7

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TÁC PHONG CỦA NGƯỜI CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC DÂN VẬN

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước ta , là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Công tác dân vận luôn luôn gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Xã Hội Chủ Nghĩa vì vậy, thực hiện tốt nhiệm vụ dân vận là yêu cầu đặt ra đối với mọi cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách của cán bộ Dân vận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt câu hỏi: Dân vận là gì?Ai phụ trách Dân vận?Và Người  định nghĩa: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không bỏ sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”

67 năm trước, ngày 15-10-1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo Dân vận. Người đã chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, Đoàn thể và Hội viên của các tổ chức nhân dân…v..v đều phải phụ trách dân vận”

Để làm tốt công tác Dân vận người cán bộ dân vận phải không ngừng bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trình độ,năng lực,nghiệp vụ, nắm vững những quan điểm, mục tiêu, nội dung, quy trình, phương thức công tác dân vận, ra sức rèn luyện tác phong người cán bộ dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh thực hành “Dân vận khéo” Để thực hành phong cách “Dân vận khéo” của chủ tịch Hồ Chí Minh người cán bộ làm công tác Dân vận cần phải rèn luyện những tác phong sau:

Thứ nhất, người cán bộ làm công tác dân vận nhất thiết phải có tác phong quần chúng. Tác phong này bắt nguồn từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Vì quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Có lòng tin vô tận đối với quần chúng, chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Theo Người “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” Do đó các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải bỏ đi hoặc sửa lại; việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh; phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.

Người đã dạy cán bộ: Trước tiên ta phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Thứ hai, người cán bộ dân vận cần có tác phong làm việc khoa học, mà trước hết, phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe”

Theo Bác thì những khi gặp mỗi vấn đề, phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy. Muốn quyết định đúng một vấn đề, trước hết phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng. Có nắm chắc tình hình thì đề ra chính sách mới đúng. Và mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, phải biết tổng kết, rút kinh nghiệm để làm khuôn phép cho những công việc khác, coi đó là chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới.Làm việc gì cũng có mục đích rõ ràng, có chương trình, kế hoạch khả thi, và biết tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất.

Thứ ba, người cán bộ dân vận phải có tác phong làm việc thiết thực, cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc lên án bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh hình thức, khi ra chỉ thị, nghị quyết thì không gắn với điều kiện thực tế, không gắn với quần chúng và cơ sở. Trong chỉ đạo thực hiện thì không có kế hoạch và biện pháp cụ thể, không kiểm tra, kiểm soát, không tổng kết đúc rút kinh nghiệm. Người còn chỉ rõ: Khi ra quyết định công tác, hay định ra cách tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng mà không đi sâu,đi sát thực tế. Do vậy phải thực hành tác phong “Chân đi”, nắm bắt cơ sở, thực tiễn tình hình dân chúng.

Thứ tư, người cán bộ dân vận phải có tác phong “miệng nói, tay làm” , là nói và làm thống nhất, nói và làm đi liền với nhau. Đối lập với tác phong miệng nói, tay làm là lối chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, tức là nói mà không làm của những người hứa suông, hoặc nói một đàng, làm một nẻo của những kẻ cơ hội. Người cán bộ dân vận “phải thật thà nhúng tay vào việc”, phải làm việc một cách thật sự, cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hằng ngày của quần chúng để thực hiện mục đích của công tác dân vận. Miệng nói, tay làm, và làm có hiệu quả vì lợi ích của nhân dân, là một nội dung đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thứ năm,  người cán bộ dân vận phải có tác phong nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống; mọi lúc, mọi nơi, phải nêu gương để quần chúng noi theo. Theo Người, nói chung thì các dân tộc phương Đông giàu tình cảm và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Tác phong nêu gương có sức thuyết phục và hướng dẫn rất lớn đối với quần chúng.

Qua  30 năm đổi mới, đội ngũ các thế hệ cán bộ làm công tác dân vận  đã có những đóng góp to lớn cho  sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các thế lực thù địch luôn luôn tìm cách quấy phá hòng làm thay đổi niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước ta dưới các chiêu bài về tôn giáo, tín ngưỡng gây bạo loạn chính trị…Khắc sâu những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về  tác phong công tác dân vận mỗi cán bộ Dân vận, tiếp tục nhận sự giao phó trước Đảng, trước nhân dân, vượt qua những thách thức, yếu kém, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt, bền vững giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=tu-tuong-ho-chi-minh-ve-tac-phong-cua-nguoi-can-bo-lam-cong-tac-dan-van
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com