Thứ sáu, 06.10.2017 GMT+7

MỐI QUAN HỆ GIỮA HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ VỚI XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ VÀ BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập kinh tế là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là mở cửa, thu hút nguồn lực từ bên ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội trong nước, mà còn là hình thức hợp tác quốc tế trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, thiết lập các thể chế song phương và đa phương nhằm quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau, xử lý các bất đồng để giữ vững ổn định chung.

 Trong giai đoạn hiện nay, quá trình toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế đã làm thay đổi sâu sắc môi trường quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế vốn dựa trên nền tảng chủ quyền quốc gia. Trên thực tế, quá trình hội nhập của mỗi nước vào nền kinh tế toàn cầu cũng chính là quá trình từng bước cơ cấu lại chủ quyền quốc gia, điều chỉnh lại kết cấu độc lập, tự chủ nhằm thích ứng với môi trường quốc tế mới. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ sẽ tạo điều kiện cho hội nhập kinh tế quốc tế thành công, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đối với nước ta, hội nhập kinh tế quốc tế là do yêu cầu nội sinh và do yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn liền với việc giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Để bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đòi hỏi phải nhận thức rõ các vấn đề sau đây:

- Về kinh tế, để tham gia một cách bình đẳng vào thị trường quốc tế, đòi hỏi các nước phải thực hiện mở cửa các thị trường nội địa, chuyển giao dần chủ quyền kinh tế của mình cho các tổ chức khu vực và thế giới, đồng thời giành được quyền gia nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu, phân công lao động quốc tế. Bên cạnh đó, các nước hội nhập cũng phải cam kết tự do hóa nền kinh tế theo chuẩn mực chung quốc tế, chuyển giao đáng kể chức năng của nhà nước sang thị trường.

- Về chính trị, khi hội nhập kinh tế quốc tế, quyền lực nhà nước bị thu hẹp, phạm vi và cách thức chi phối của nhà nước vào đời sống kinh tế - xã hội đất nước bị hạn chế. Bộ máy nhà nước phải chịu áp lực do kiểm tra, giám sát của các doanh nghiệp, người dân, truyền thông đại chúng, các tổ chức quốc tế,... nhiều hơn. Các mối quan hệ giữa khu vực công và tư, nhà nước và thị trường sẽ gia tăng và ngày càng phức tạp, tạo kẽ hở cho tham nhũng, móc ngoặc, ảnh hưởng đến quyền lực nhà nước. Dân chủ hóa được tăng cường do người dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, họ tích cực hơn trong việc tham gia đời sống chính trị - xã hội.

- Về đối ngoại và bảo vệ chủ quyền quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế làm tăng cường quan hệ đối ngoại với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để tập trung vào phát triển kinh tế. Tuy vậy, trong quá trình đẩy mạnh hội nhập kinh tế, các nước cần thận trọng với nguy cơ tranh chấp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho Việt Nam chúng ta nhiều thuận lợi, đồng thời cũng có rất nhiều thách thức. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải chủ động hội nhập, dựa vào nguồn lực trong nước là chinha, đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài. Cần nắm vững mối quan hệ biện chứng, tuy hai nhưng mà một của nội lực và ngoại lực. Nội lực là chính, là quyết định. Nhưng phát huy tốt nội lực thì phải có sự tham gia của ngoại lực. Ngoại lực tham gia càng nhiều, càng mạnh thì càng xuất hiện nhiều và nhanh các khả năng tối đa để phát huy nội lực. Và ngược lại, để tranh thủ được ngoại lực nhất thiết phải biết động viên tối đa nội lực. Vì vậy, Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cần tiếp tục xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước.

Ở nước ta, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trước hết là độc lập, tự chủ về đường lối phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ, cơ sở vật chất ký thuật đủ mạnh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và đủ sức cạnh tranh; có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm một nền kinh tế đủ sức đứng vững và ứng phó được với các tình huống phức tạp, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế.

Độc lập, tự chủ về chính trị là yêu cầu có tính nguyên tắc trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Đòi hỏi phải tự xác định mục tiêu, con đường phát triển đất nước; hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển, xác lập và duy trì thể chế chính trị, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Độc lập, tự chủ về chính trị được thể hiện cả trong đối nội và đối ngoại, cả kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng,... Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế và đối ngoại thể hiện trước hết ở tư duy, nhận thức độc lập, sáng tạo, xuất phát từ lợi ích giai cấp và dân tộc, không giáo điều, rập khuôn, máy móc trong hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại, trong xác định bạn. Kinh tế có vững mạnh thì mới có “thế” và “lực” để mở rộng quan hệ quốc tế.

Qua 30 năm đổi mới, quan hệ đối ngoại của Đảng không ngừng được mở rộng theo hướng đa phương và đa dạng hóa các quan hệ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã định ra đường lối mới, kế thừa những nội dung cơ bản của đường lối đối ngoại được thông qua tại các kỳ Đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XI, và có những bổ sung, phát triển mới. Đại hội XII của Đảng đã đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều thuận lợi để phát triển đất nước. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu… Công tác đối ngoại được đẩy mạnh sẽ tạo môi trường quốc tế thuận lợi, hòa bình, thiết thực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=moi-quan-he-giua-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-voi-xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu-va-bao-ve-vung-chac-to-quoc-viet-nam-xa-hoi-chu-nghia
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com