Chủ nhật, 01.10.2017 GMT+7

VẤN ĐỀ MINH BẠCH TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức luôn là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu nhất. Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Với ý nghĩa đó, Luật Phòng chống tham nhũng quy định các vấn đề trong việc minh bạch tài sản, cụ thể:

* Quy định về đối tượng kê khai tài sản:

Đối tượng phải kê khai tài sảnđược quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Phòng chống tham nhũng, gồm: Thứ nhất, một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức. Luật không quy định toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức phải kê khai tài sản mà chỉ cán bộ từ phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương trở lên, một số chức danh ở cơ sở và người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản nhà nước và tiếp xúc trực tiếp và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Thứ hai, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Những người này có thể là cán bộ, công chức hoặc không và được điều chỉnh bởi pháp luật về Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

 Để cụ thể hóa đối tượng phải kê khai, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định chi tiết về người có nghĩa vụ kê khai. Nghị định đã quy định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm cán bộ, công chức giữ chức vụ có phụ cấp trách nhiệm tương đương phó trưởng phòng cấp huyện trở lên, một số công chức, viên chức, người lao động thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

* Quy định về phạm vi, trách nhiệm kê khai tài sản

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai.  

Các loại tài sản phải kê khai được quy định tại Điều 45, đó là: Nhà, quyền sử dụng đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Để tránh việc kê khai mang tính hình thức, kê khai không đầy đủ, Điều 8 Nghị định số 78/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể về tài sản, thu nhập phải kê khai, bao gồm: Các loại nhà, công trình xây dựng (Nhà, công trình xây dựng khác đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu; Nhà, công trình xây dựng khác chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác; Nhà, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước); Các quyền sử dụng đất (Quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng; Quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác); Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản ở nước ngoài; Ô tô, mô tô, xe máy, tầu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tổng thu nhập trong năm.

* Quy định về thủ tục kê khai tài sản.

Việc kê khai tài sản được thực hiện hằng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12; Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải ghi rõ những thay đổi về tài sản so với lần kê khai trước đó; Bản kê khai tài sản được nộp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Tại Điều 9 Nghị định số 78/2013/NĐ-CP bổ sung thêm quy định kê khai hàng năm, như sau:Hàng năm, chậm nhất là ngày 30 tháng 11, đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ lập danh sách Người có nghĩa vụ kê khai trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phê duyệt; gửi mẫu Bản kê khai, hướng dẫn và yêu cầu Người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được mẫu Bản kê khai, việc kê khai phải được hoàn thành và nộp về cho đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, cán bộ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Bản kê khai, đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ kiểm tra tính đầy đủ các nội dung phải kê khai; trường hợp Bản kê khai chưa đúng quy định (theo mẫu) thì yêu cầu kê khai lại, thời hạn kê khai lại là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Đơn vị, bộ phận phụ trách công tác tổ chức cán bộ lưu bản chính hoặc bản sao theo thẩm quyền, gửi 01 bản sao đến cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi sẽ công khai Bản kê khai để thực hiện việc công khai theo quy định. Việc kê khai tài sản, thu nhập phải hoàn thành chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 3 hằng năm. Trong trường hợp niêm yết, thì thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục. Luật cũng bổ sung quy định bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó; bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

Điều 13 Nghị định số 78/2013/NĐ-CP bổ sung quy định về công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê  khai bằng một trong hai hình thức: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức đơn vị thì thời gian niêm yết tối thiểu là 30 ngày liên tục. Vị trí niêm yết phải đảm bảo an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem Ban kê khai tài sản. 

* Về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm

Để bảo đảm tính minh bạch và hợp pháp của tài sản, Theo đó, Luật quy định, trong bản kê khai tài sản, người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc phần tài sản tăng thêm bên cạnh việc làm rõ mọi biến động về tài sản của mình có trong kỳ kê khai. Như vậy, người kê khai tài sản có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc phần tài sản tăng thêm thuộc sở hữu của mình và thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thanh niên. Đồng thời, Luật đã giao Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm, việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình và trình tự, thủ tục của việc giải trình.

Để cụ thể hóa nội dung này, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP quy định người có nghĩa vụ kê khai phải tự giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm ngay khi kê khai tài sản theo Mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập và khi có yêu cầu của người có thẩm quyền; người kê khai tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực, kịp thời của những thông tin về nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Có thể quy định về kê khai tài sản, thu nhập là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Với việc công khai minh bạch về tài sản, thu nhập, người dân sẽ dễ dàng nhận biết và chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình cũng như đòi hỏi cơ quan Nhà nước và các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thực hiện các quy định đó. Công khai, minh bạch sẽ làm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định bởi, mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để tư lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý. Công khai và minh bạch là những chìa khoá then chốt nhằm bảo đảm đấu tranh chống tham nhũng thành công.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-de-minh-bach-tai-san-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-phong-chong-tham-nhung
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com