Chủ nhật, 01.10.2017 GMT+7

PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA DI SẢN TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI Ở TỈNH PHÚ THỌ

Phú Thọ - Đất Tổ Hùng Vương, vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi, nơi lưu giữ nhiều di tích văn hoá, di tích lịch sử, cách mạng đặc sắc, với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Trong lịch sử dân tộc, Phú Thọ là nơi phát tích của đồng bào các dân tộc Việt Nam, nơi xây đắp nên truyền thống con Lạc, cháu Hồng và khí phách của người Việt Nam trong hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Xác định được vị thế quan trọng và tiềm năng, lợi thế đó trong phát triển du lịch tâm linh, tín ngưỡng gắn với di sản, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 tiếp tục xác định du lịch là một trong những khâu đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong các di sản văn hóa quý báu của tỉnh Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cũng Hùng Vương là một trong những di sản có ý nghĩa giá trị to lớn về nhiều mặt, cả về giá trị văn hóa tâm linh và giá trị kinh tế đầy tiềm năng.

Trong những năm qua, Phú Thọ luôn xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, có tính xã hội hóa cao và nội dung nhân văn sâu sắc; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với hai di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIIIvề phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2016 – 2020.Tỉnh đã tập trung các nguồn lực khai thác các tiềm năng du lịch địaphương. Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đã huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư cho những dự án, công trình lớn như: Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích; nhóm dự án Khu Trung tâm lễ hội; nhóm dự án Bảo vệ tu bổ, xây dựng Khu rừng quốc gia Đền Hùng... Đã đầu tư xây dựng một số cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch như: xây dựng khu nhà nghỉ Mai An Tiêm, nhà hàng Cổ Tích, chợ quê, bãi đỗ xe, trang bị ô tô điện vận chuyển du khách... Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành các công trình đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh, phục hồi hệ sinh thái rừng quốc gia, các công trình kiến trúc cảnh quan, hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách, mỗi năm thu hút từ 6 -7 triệu lượt khách đến tham quan và thực hành tín ngưỡng. Các điểm du lịch hình thành rõ nét với các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch văn hóa tâm linh về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, gắn với di sản văn hóa phi vật thể của thế giới hát Xoan Phú Thọ. Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hằng năm được tổ chức với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang bản sắc vùng Đất Tổ.Chính bởi những độc đáo, đặc sắc đó, trong chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Phú Thọ đã được coi là điểm đến đầu tiên của cung đường Tây Bắc trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Phát triển kinh tế du lịch ở Phú Thọ đa phần là phát huy giá trị kinh tế của các di sản liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc khai thác các di sản văn hóa Hùng Vương nhằm phát triển du lịch, hay việc khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm về các di sản văn hóa Hùng Vương là cách tốt nhất để xây dựng, củng cố bản sắc văn hóa thông qua các quá trình giao lưu và nhận thức của cả du khách lẫn người dân Việt Nam về các giá trị trong di sản văn hóa Hùng Vương của mình. Tín ngưỡng Hùng Vương không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn thể hiện tư tưởng đạo đức, lối sống và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Đó chính là nét độc đáo, là bản sắc trong văn hóa Việt Nam mà Phú Thọ có vinh dự là điểm khởi nguồn.

Giải pháp phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Thứ nhất: Có kế hoạch kiểm kê và xác định giá trị của các di sản văn hóa Hùng Vương. Đồng thời phân tích giá trị kinh tế của mỗi di sản để đưa ra những quyết sách đúng trong các quy hoạch, dự án khai thác di sản văn hóa Hùng Vương, đảm bảo được việc vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị di sản,đem lại lợi ích phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ hai: Cần có biện pháp tuyên truyền giới thiệu sâu rộng trong cộng đồng về giá trị của tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân cả trong và ngoài nước. Các giá trị tích cực phải được bảo tồn và phát huy; đồng thời cũng cần tuyên truyền để tránh những nhận thức lệch lạc, sai lầm giữa những giá trị văn hoá của tín ngưỡng với các hoạt động chứa đựng yếu tố dị đoan, tiêu cực, đảm bảo việc phục vụ các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu một cách đầy đủ, chính xác và sống động nhất về tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng.

Thứ ba: Tổ chức tốt lễ hội đền Hùng hằng năm với đầy đủ các giá trị và bản sắc văn hoá theo nghi thức truyền thống nhằm phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của lễ hội. Bên cạnh đó, cần có biện pháp bảo tồn, duy trì, phục dựng trong nhân dân các lễ hội truyền thống, các nghi thức thuộc tín ngưỡng thờ Hùng Vương trên địa bàn cả nước, tạo điều kiện cho đồng bào cả nước (nhất là những nơi có di tích thờ Hùng Vương) được thực hiện một cách đầy đủ các nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đặc biệt là ngày giỗ Tổ 10/3 âm lịch. Cần tăng cường công tác quản lý lễ hội đền Hùng và các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương trên địa bàn cả nước, tránh tình trạng thương mại hoá lễ hội hoặc các hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến giá trị văn hoá của tín ngưỡng.

Thứ tư: Cần đầu tư quy hoạch bảo tồn các di sản vật thể, di tích thờ tự các vua Hùng và các nhân vật có liên quan đến thời đại Hùng Vương trên địa bàn cả nước. Đây là yếu tố gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng thờ Hùng Vương, ưu tiên đầu tư các dự án quy hoạch Khu di tích lịch sử đền Hùng xứng tầm là Khu di tích đặc biệt Quốc gia; đặc biệt, tập trung ưu tiên các nguồn lực để xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Thứ năm: Đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, bởi đối với di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nguồn nhân lực còn có những đòi hỏi cao và đặc thù: kiến thức sâu rộng về thời kỳ tiền sử, niềm say mê với nghệ thuật cổ truyền dân tộc, lòng tâm huyết với nghề, ý thức giữ gìn tinh hoa văn hóa...

Phát huy giá trị du lịch của di sản nói chung, cũng như di sản văn hóa Hùng Vương nói riêng là phương cách hữu hiệu cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, cải thiện công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh quá trình hội nhập, quảng bá hình ảnh về đất và người Đất Tổ. Phú Thọ đang có trong mình di sản văn hóa Hùng Vương quý báu của dân tộc, đó là nền tảng tinh thần, cũng là động lực cho sự phát triển đi lên của vùng đất Tổ. Việc phát triển kinh tế du lịch của địa phương thông qua hoạt động khai thác giá trị du lịch của di sản là rất cần thiết, là nhu cầu, là xu thế không phải chỉ cho phát triển lợi ích kinh tế mà còn cho việc bảo tồn di sản dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là niềm tự hào vô hạn của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Biểu tượng Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là hình tượng của ý thức dân tộc sâu sắc, như sự minh triết văn hóa được cha ông ta để lại, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi chỉ đỏ gắn kết mọi người ở khắp mọi miền, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=phat-huy-gia-tri-cua-di-san-tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-o-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com