Thứ sáu, 29.09.2017 GMT+7

VẬN DỤNG LÝ LUẬN GIÁ TRỊ THẶNG DƯ CỦA CÁC MÁC ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác ra đời trên cơ sở nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Học thuyết đã vạch trần thực chất bóc lột tư bản chủ nghĩa và cội nguồn đối lập kinh tế giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Ngày nay, từ quan điểm đổi mới về chủ nghĩa xã hội, học thuyết còn có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc vận dụng học thuyết giá trị thặng dư đã và đang được nghiên cứu để đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Đất nước ta phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN, việc vận dụng học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác trước hết phải nhận thức đúng khái niệm bóc lột và bóc lột giá trị thặng dư trong học thuyết Mác. Từ đó, có cơ sở khoa học để luận giải những hiện tượng kinh tế của xã hội hiện nay. “Bóc lột” là một bộ phận người trong xã hội hoặc tập đoàn xã hội nào đó, chiếm đoạt không có bồi thường thành quả lao động của một người khác hoặc của tập đoàn xã hội khác. Theo C. Mác, việc bóc lột lao động đều có trong tất cả các hình thái xã hội từ trước tới nay vận động trong những mâu thuẫn giai cấp. Nhưng chỉ khi nào kẻ sở hữu tư liệu sản xuất tìm ra được người công nhân tự do, với tư cách là đối tượng bóc lột, và bóc lột người công nhân đó nhằm mục đích sản xuất ra hàng hoá để thu được giá trị tăng thêm, thì khi đó mới là bóc lột giá trị thặng dư, tư liệu sản xuất mới mang tính chất đặc biệt là tư bản. Ngày nay, học thuyết giá trị thặng dư vẫn có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc nghiên cứu, vận dụng học thuyết này ở nước ta trở thành một việc làm cần thiết, theo các hướng sau đây:

Một là, học thuyết giá trị thặng dư của Mác được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu lịch sử nền sản xuất hàng hoá, đặc biệt là nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa. Cho nên, chính C. Mác chứ không phải ai khác là một trong những người nghiên cứu sâu sắc về kinh tế thị trường. Nước ta đang phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù nền kinh tế hàng hoá ở nước ta có những đặc trưng riêng của nó, song đã là sản xuất hàng hoá thì phải nói đến giá trị và giá trị thặng dư. Điều khác nhau chỉ là trong những quan hệ kinh tế khác nhau thì giá trị và giá trị thặng dư mang bản chất xã hội khác nhau. Do vậy, việc nghiên cứu những lý luận của Mác về nền kinh tế hàng hoá tư bản chủ nghĩa là việc làm có ý nghĩa thực tiễn ở nước ta hiện nay. Khi phân tích sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa, Mác cho rằng mọi hoạt động của tư bản đều xoay quanh việc tận dụng phương tiện bóc lột nhằm khai thác tối đa sức lao động để tăng thêm lao động thặng dư. Do đó, dẫn đến tất yếu kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động hay cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, tăng năng suất lao động để có thêm điều kiện thu hút nhiều hơn nữa giá trị thặng dư, nguồn gốc làm giàu của giai cấp tư sản. Trong hai yếu tố của sản xuất hàng hóa, thì sức lao động là yếu tố cơ bản nhất, còn tư liệu sản xuất là phương tiện cần thiết cho sản xuất. Yếu tố tư liệu sản xuất là yếu tố được tận dụng để đạt năng suất lao động cao - quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Yếu tố thực sự tạo ra của cải, tạo ra giá trị và giá trị tăng thêm là người lao động. Do đó, lao động và chiến lược con người là vấn đề quan trọng để tạo được bước phát triển nhảy vọt trong lực lượng sản xuất đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Hai là, khai thác những luận điểm của C. Mác nói về quá trình sản xuất, thực hiện, phân phối giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản cùng những biện pháp, thủ đoạn nhằm thu được nhiều giá trị thặng dư của các nhà tư bản để góp phần vào việc quản lý thành phần kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta sao cho vừa có thể khuyến khích phát triển, vừa hướng thành phần kinh tế này đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội. Điều đó đòi hỏi cần có chính sách thích đáng và có hiệu lực để thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển với nhiều loại hình sản xuất kinh doanh, qua  đó thu hút nhiều lao động xã hội, sử dụng nhiều trình độ lao động để tạo ra nhiều sản phẩm thỏa mãn nhu cầu xã hội. Đó là con đường để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Ba là, khai thác di sản lý luận của C. Mác nói về quá trình tổ chức sản xuất và tái sản xuất tư bản chủ nghĩa với tính cách là một nền sản xuất lớn gắn với quá trình xã hội hóa sản xuất ngày càng cao nhằm tạo ra khối lượng giá trị thặng dư ngày càng lớn.  Khi phân tích giá trị thặng dư tương đối, Mác đã trình bày rõ các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản trong công nghiệp với các đặc điểm, ưu thế và vị trí lịch sử của từng giai đọan. Việc nghiên cứu các giai đoạn đó giúp chúng ta nhiều bài học bổ ích trong quá trình tổ chức sản xuất ở một đất nước mà sản xuất nhỏ còn phổ biến. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta phải coi trọng phân công lao động, phân công phải thích ứng với kỹ thuật mới phù hợp với từng đơn vị, từng ngành và toàn xã hội, mở rộng hợp tác phân công lao động quốc tế. Phân công lao động phải đảm bảo thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự phát triển hợp lý của các ngành, nghề trong xã hội, đảm bảo chuyên môn hóa và năng suất lao động cao trong từng đơn vị nhằm thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ một nền sản xuất nhỏ trở thành nền sản xuất lớn hiện đại.

Bốn là, thu hồi giá trị thặng dư và định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cho phép bóc lột giá trị thặng dư. Điều này đã được V.I.Lênin trình bày qua lý luận và kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn ở nước Nga Xô Viết.

Ở nước ta hiện nay, đẩy mạnh xã hội hoá sản xuất theo định hướng XHCN từ một nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn để sản xuất ra ngày càng nhiều giá trị thặng dư, cần phải: + Làm cho kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. + Khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khai thác tối đa các nguồn lực để nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân. + Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu. + Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tăng cường hiệu lực quản lý vĩ mô của Nhà nước; phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường.

Từ việc nghiên cứu học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác và vận dụng lý luận này trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam có thể rút ra một số kết luận sau đây:

Một là, học thuyết giá trị thặng dư - học thuyết về bản chất bóc lột và địa vị lịch sử của chủ nghĩa tư bản vẫn là cơ sở phương pháp luận để nhận thức đúng chủ nghĩa tư bản hiện đại. Học thuyết đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam.

Hai là, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nền kinh tế nước ta trong một chừng mực nào đó, quan hệ bóc lột chưa thể xóa bỏ ngay. Chừng nào quan hệ bóc lột còn có tác dụng giải phóng sức sản xuất và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, thì chừng đó nước ta còn phải chấp nhận sự hiện diện của nó.

Ba là, đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước phải được thể chế hóa thành luật để đảm bảo cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển, góp phần xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bốn là, phát triển kinh tế thị trường nhưng phải bảo vệ được quyền lợi chính đáng của cả người lao động và các chủ doanh nghiệp bằng luật và bằng chế tài cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=van-dung-ly-luan-gia-tri-thang-du-cua-cac-mac-doi-voi-su-phat-trien-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com