Thứ sáu, 29.09.2017 GMT+7

NỘI DUNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2017 CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của công dân, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Vì vậy, làm tốt công tác PBGDPL có ý nghĩa quan trọng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ở tỉnh Phú Thọ, công tác PBGDPL đã được lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đại đa số các đơn vị xác định đúng ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, coi đây là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đặc biệt là đối với mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong giai đoạn hiện nay. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2017 mà tỉnh đề ra và yêu cầu các cấp, ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể là :

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh mới; chủ trương, chính sách lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 và các văn bản cụ thể hóa Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới ban hành năm 2016, 2017 như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phí và lệ phí, Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đấu giá tài sản ...

Tuyên truyền các chính sách, quy định dự kiến điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong dự thảo luật dự kiến ban hành trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật gắn liền với các vấn đề mới trong quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, chính sách an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, pháp luật phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền dân sự, chính trị của công dân.

Tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách phát triểnkinhtế- xã hội của tỉnh, chính sách pháp luật của tỉnh liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; các quy định mới về tư vấn, định hướng hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, ...

Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến các Điều ước, Công ước quốc tế mới được ký  kết

Tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan đến người dân, doanh nghiệp, chú trọng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á Âu, pháp luật về cộng đồng ASEAN...

Tiếp tục triển khai Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020”; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Công ước quốc tế chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với con người và pháp luật Việt Nam về lĩnh vực có liên quan”.

Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến định hướng các quy định về chính sách pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội

Các ngành, cấp của tỉnh Phú Thọ trong quá trình thi hành pháp luật cần kịp thời rà soát, nắm bắt những nội dung pháp luật được người dân, tổ chức quan tâm, vướng mắc hoặc khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật để giải đáp, tuyên truyền, đối thoại, làm rõ để người dân, tổ chức hiểu và chấp hành nghiêm túc, đồng thời có đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp thực thi hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế; Kết hợp tuyên truyền, vận động, thuyết phục thực hiện pháp luật trong quá trình thực thi công vụ.

Thứ tư, chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL; tiếp tục thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL cho thanh thiếu niên; phòng chống tham nhũng; PBGDPL cho người dân ở nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; PBGDPL trong trường học,...

Các đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL đó là người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người lao động trong doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, người bị phạt tù được hưởng án treo và người có nguy cơ vi phạm pháp luật cao.

Thứ năm, triển khai thực hiện Ngày Pháp luật năm 2017

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các nhà trường tổ chức ít nhất một hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật ở khu dân cư. UBND cấp huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức lồng ghép Ngày Pháp luật và Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị phối kết hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật, lồng ghép tuyên truyền pháp luật với các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hoạt động PBGDPL cho người dân ở cơ sở.

Thứ sáu, phát huy vai trò tư vấn của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, nhất là đối với các nhiệm vụ phát sinh đột xuất, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương

Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, huyện và các đơn vị có Hội đồng/Ban/Tổ PBGDPL xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể; kịp thời đề xuất UBND cùng cấp (Lãnh đạo đơn vị) các giải pháp, các hoạt động triển khai tuyên truyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Thứ bảy, rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên; chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật mới, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL gắn với quản lý sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên.

Trên cơ sở các nội dung trên, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện căn cứ vào nhiệm vụ công tác năm 2017 và điều kiện thực tế để xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Yêu cầu Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND cùng cấp để triển khai thực hiện các Đề án do cơ quan, đơn vị mình chủ trì và các nhiệm vụ PBGDPL năm 2017.

Trên cơ sở ban hành kế hoạch, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm. Có thể nói, trong những năm qua cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, giảm thiểu các tranh chấp, vi phạm pháp luật, hạn chế sự gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm thiểu tối đa các đơn thư khiếu nại, tố cáo và khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tạo môi trường lành mạnh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở tỉnh Phú Thọ.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=noi-dung-pho-bien-giao-duc-phap-luat-nam-2017-cua-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com