Thứ sáu, 01.09.2017 GMT+7

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH, TỔ HỢP TÁC TRONG QUAN HỆ PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 với nhiều nội dung đổi mới so với Bộ luật Dân sự năm 2005. Một trong những điểm mới nổi bật đó là không thừa nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể của luật dân sự chỉ là cá nhân, pháp nhânmà không tồn tại chủ thể khác (hộ gia đình, tổ hợp tác) như trong pháp luật dân sự trước đây. Việc quy định này xuất phát từ thực tiễn áp dụng đã nảy sinh rất nhiều vướng mắc, gây mất an toàn pháp lý cho không ít những giao dịch dân sự có tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác như: khó xác định hoặc không xác định được tại một thời điểm nhất định tài sản chung và các khoản nợ chung của hộ gia đình gồm có những tài sản nào và tài sản nào là tài sản riêng. Hộ gia đình không có tên, tài sản riêng tách biệt với tên, tài sản riêng của thành viên, do vậy, khi muốn thưa kiện hộ gia đình cũng rất khó khăn; sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thành viên cụ thể, nhưng sự tham gia vào giao dịch dân sự của các chủ thể này còn rất nhiều vướng mắc, khi có tranh chấp thì Tòa án cũng không thể quy trách nhiệm chung của hộ gia đình, tổ hợp tác mà đều phải thông qua chủ thể là cá nhân.

Mặc dù, pháp luật hiện hành không thừa nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự, nhưng để phù hợp với các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình và lịch sử của Việt Nam, Bộ luật dân sự 2015, vẫn ghi nhận hộ gia đình, tổ hợp tác là những thực thể pháp lý đang tồn tại trong đời sống xã hội theo cách tiếp cận mới, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể tham gia, tài sản chung cũng như trách nhiệm của đại diện hộ gia đình, tổ hợp táccụ thể như sau:

- Về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác

Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.

Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.

Đối với hộ gia đình sử dụng đất thì quan hệ dân sự được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Đây là trường hợp đặc thù áp dụng cho quan hệ đất đai. Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

- Về tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác

 Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật Dân sự 2015 về sở hữu chung của các thành viên gia đình như sau: Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần. Đây là một sự bổ sung quan trọng của BLDS 2015, sự ghi nhận này đã khắc phục lỗ hổng của BLDS 2005, đồng thời khắc phục việc tranh luận xung quanh hình thức sở hữu chung của hộ gia đình là sở hữu chung theo phần hay hợp nhất.

Việc xác định tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 506 của Bộ luật Dân sự như sau: Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác. Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định pháp luật và phải bồi thường thiệt hại. Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đồng thời, để đảm bảo cho hoạt động của tổ hợp tác ổn định, pháp luật dân sự không cho phép các thành viên phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác, có thỏa thuận.

- Về trách nhiệm dân sựcủa thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác

Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên. Quy định này không bao gồm tất cả các nghĩa vụ dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác tham gia mà chỉ các giao dịch có mục đích là hướng tới lợi ích chung của hộ gia đình, tổ hợp tác và phát sinh nghĩa vụ dân sự theo quy định này thì mới được bảo đảm thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên.

Trường hợp các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác không có hoặc không đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ chung thì người có quyền có thể yêu cầu các thành viên thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 288 của Bộ luật dân sự. Theo đó,bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận, hợp đồng hợp tác hoặc luật không có quy định khác thì các thành viên hộ gia đình và tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự  theo phần tương ứng với phần đóng góp tài sản của mình, nếu không xác định được theo phần tương ứng thì xác định theo phần bằng nhau.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quy-dinh-phap-luat-doi-voi-ho-gia-dinh-to-hop-tac-trong-quan-he-phap-luat-dan-su
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com