Thứ năm, 31.08.2017 GMT+7

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT QUYỀN CỦA PHỤ NỮ THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG

Phụ nữ Việt Nam là nguồn nhân lực quan trọng đối với sự phát triển. Lịch sử đã và luôn minh chứng vai trò quan trọng của phụ nữ trong các vai trò quan trọng xã hội. Trải qua hàng ngàn năm dựng và giữ nước, phụ nữ Việt Nam có những cống hiến to lớn cho nền độc lập, thống nhất dân tộc. Từ các cuộc chiến tranh giữ nước đã sản sinh ra những phụ nữ đảm đang, bất khuất là những con người gan dạ giỏi dang trong lao động sản xuất và trong chiến đấu nhân dân và nhà nước tôn vinh là những nữ Việt Nam anh hùng, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Từ khi Đảng ta ra đời đến nay, công tác vận động phụ nữ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, phụ nữ đã tiến bộ rất nhiều và luôn khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ. Việc tổ chức triển khai thực hiện phương hướng nêu trên là nhằm bảo đảm quyền phụ nữ trong đời sống xã hội, từ sức khỏe, giáo dục, đến tham gia chính trị, ổn định kinh tế, và sống trong môi trường không bạo lực...”. 

Thực tế thì phụ nữ có quyền được hưởng đầy đủ và bình đẳng tất cả các quyền con người, quyền công dân như nam giới. Hiến pháp năm 2013 quy định “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26). Tức là đã thay đổi quan niệm và cách tiếp cận về bình đẳng giới, từ chỗ chỉ xác định bình đẳng với giới nữ sang bình đẳng với cả giới nam và giới nữ. Chủ thể và nội dung quyền bình đẳng về giới, do vậy, được mở rộng và làm sâu sắc hơn. Theo Điều 26, Hiến pháp 2013 công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Hiện nay, có một số vấn đề về quyền của phụ nữ  chưa thực sự được quan tâm, chẳng hạn: hôn nhân ở tuổi vị thành niên, nhất là ở vùng núi cao, vùng dân tộc thiểu số, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vẫn còn hạn chế. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cũng chưa được coi trọng. Định kiến giới và tư tưởng trọng nam cùng với việc tiếp cận dễ dàng các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán sớm giới tính thai nhi và dịch vụ phá thai là những nguyên nhân cơ bản góp phần làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bất bình đẳng giới có những nguyên nhân phức tạp trong xã hội, tác động tiêu cực tới những thành tựu về bình đẳng giới, việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội,... đã đạt được từ trước đến nay.

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nhưng, phụ nữ thường phải tham gia các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương. Nhiều phụ nữ phải tự tạo việc làm hoặc làm việc. Trong các khu vực không chính thức, có tiền công thấp hơn, tay nghề thấp hơn và ít cơ hội nâng cao tay nghề và đào tạo. Trách nhiệm song song của người phụ nữ vừa chăm sóc con cái vừa làm nội trợ, vừa phải tạo thu nhập cho gia đình đã cản trở người phụ nữ tham gia các công việc được trả tiền lương, tiền công cao đặc biệt công việc trong khu vực chính thức. 

Tình hình đó đã góp phần làm gia tăng bạo lực về giới, bạo lực trong gia đình ở nhiều nơi, nông thôn cũng như thành thị và trong tất cả các nhóm xã hội. Những hình thức bạo lực trực tiếp hướng đến phụ nữ, đã tước đoạt những quyền lợi và đôi khi là cuộc đời của họ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về quyền của phụ nữ, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau: 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Cần chuyển biến quan niệm xã hội về cơ hội bình đẳng cho quyền của nữ giới và nam giới để phát triển, phát huy các khả năng, năng lực của cả hai giới trong đời sống xã hội và trong việc thụ hưởng kết quả phát triển một cách bình đẳng. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới không có nghĩa là thực hiện sự cào bằng trong việc phân công lao động giữa hai giới. Việc khắc phục sự bất bình đẳng về giới là tôn trọng những khác biệt giới tính trong lao động và quan hệ xã hội, nhưng không triệt tiêu những khác biệt tự nhiên giữa  hai giới.

Thứ hai, cần xác định và thực hiện những yêu cầu cụ thể nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giới

Đó là: 1/ Phụ nữ và nam giới đều bình đẳng tham gia và quyết định mọi công việc trong gia đình và xã hội; 2/ Nữ giới và nam giới cùng chia sẻ công việc trong gia đình và nuôi dạy con cái; 3/ Nữ giới không cam chịu bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử trong gia đình và xã hội; 4/ Không khoan nhượng với hành vi ngược đãi phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái; 5/ Hạn chế và khắc phục tư tưởng gia trưởng, vì là nguyên nhân chính dẫn đến bạo hành trong gia đình; 6/ Nữ giới có quyền và cơ hội học tập, nâng cao hiểu biết như nam giới; 7/ Cha mẹ khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ em gái đến trường và tiếp tục theo học lên cao; 8/ Hôn nhân không tự nguyện và tảo hôn là một nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình; 9/ Lựa chọn hành vi tình dục an toàn là quyền và trách nhiệm của nữ giới và nam giới để phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục; 10/ Nói KHÔNG với tình dục trước 18 tuổi.

Thứ ba, thực hiện các biện pháp thúc đẩy, bảo đảm quyền của phụ nữ trong đời sống xã hội:Tuyên truyền để nâng cao nhận thức và khuyến khích các hộ gia đình đầu tư quan tâm chăm sóc trẻ em gái và phụ nữ; tăng cường các dịch vụ xã hội thuận lợi và khuyến khích nam giới và trẻ em trai tham gia phòng chống bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới.

Tạo quyền và nâng cao vị thế xã hội cho phụ nữ, để hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ,  giải quyết những bất bình đẳng đối với phụ nữ, tạo cơ hội để phụ nữ được đào tạo, bảo trợ xã hội,....; tăng tỷ lệ tham gia của nữ giới vào các cơ quan nhà nước Hệ thống chính trị các cấp.

 Quy định cụ thể về trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng giới cho các cấp chính quyền.

Giám sát, phản biện xã hội để bảo đảm tính hiệu lực thực tế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quyền bình đẳng giới. Để bảo vệ quyền của phụ nữ có hiệu quả hơn, trong điều kiện nước ta hiện nay, cần coi trọng xây dựng mạng lưới giám sát thực thi pháp luật và hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội bảo vệ quyền của họ. 

Việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện trong việc tham gia hoạch định và thực hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện quyền bình đẳng giới.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=giai-phap-thuc-hien-tot-quyen-cua-phu-nu-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xii-cua-dang
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com