Thứ sáu, 18.08.2017 GMT+7

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ VẤN ĐỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo là bảo đảm thi hành pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế, hiệp định với các nước có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia. Thông qua các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi pháp luật trên biển; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm ở trên biển, bảo đảm cho pháp luật về biển của nhà nước được tuân thủ chính xác và nghiêm minh.

Trên cơ sở đó, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia; bảo vệ nguồn lợi cho đất nước; bảo vệ tài nguyên môi trường biển, sự phát triển bền vững của kinh tế biển… Quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển còn là bảo vệ các quyền của quốc gia về biển phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định mà Việt Nam đã ký với các nước có liên quan. Đó là quyền của quốc gia về bảo tồn, quản lý, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng trời, các đảo và quần đảo.

Quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo quốc gia của Việt Nam là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Tình hình liên quan đến chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển nói chung và trong khu vực biên giới nói riêng cơ bản ổn định. Diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 29% biển Đông, rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền. Việt Nam có chủ quyền với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo xa bờ là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Biển Đông là một biển lớn của Thái Bình Dương, nằm ở phía đông lục địa Việt Nam, tiếp giáp với nhiều nước và vùng lãnh thổ. Vấn đề tranh chấp ranh giới các vùng biển, đảo và thềm lục địa giữa các nước trong khu vực, là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và hết sức phức tạp. Do đó, các bên liên quan cần kiềm chế, cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công cước về Luật Biển năm 1982.

Vì vậy quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Nội dung quản lý và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Một là, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển, đảo.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển, đảo cần thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển.

Vùng biển của Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế,  thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo luật pháp Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Bảo vệ quyền chủ quyền quốc gia ở những vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là bảo vệ đặc quyền của quốc gia về bảo tồn, quản lý, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của biển ở những nơi đó; thực chất là bảo vệ lợi ích kinh tế ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia. Như vậy, chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển gắn bó mật thiết với nhau.

Hai là, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội và văn hóa trên biển, đảo và vùng ven biển.

An ninh, trật tự an toàn xã hội là nhu cầu và điều kiện cần thiết để con người tồn tại và hoạt động ở mọi môi trường địa lý. Biển là mội trường có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và có nhiều biến động, lại là môi trường mở, thường xuyên có sự giao lưu quốc tế, nên đòi hỏi về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội lại càng cao hơn. Bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trên biển không chỉ mang tính chất đối nội mà còn mang tính chất đối ngoại; là sự thể hiện năng lực làm chủ vùng biển quốc gia của nước ven biển trước cộng đồng thế giới và khu vực.

Nội dung chủ yếu của bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội và văn hóa trên biển và vùng ven biển của nước ta là: bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh…; ngăn chặn kịp thời người và phương tiện xâm nhập đất liền để tiến hành các hoạt động phá hoại, gây rối, làm gián điệp, truyền bá văn hóa đồi trụy và thực hiện các hành vi phạm tội khác; bảo vệ lao động sản xuất, tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân trên biển và ven biển; bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên biển và ven biển; bảo vệ môi trường, xử lý các vụ ô nhiễm môi trường trên biển và ven biển; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Phòng ngừa, chế ngự, xử lý các xung đột do tranh chấp lợi ích giữa các tổ chức và cá nhân trong sử dụng và khai thác biển; giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biển đảo, gắn liền với bảo vệ chủ nghĩa xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định lâu dài và lợi ích cao nhất.

Như vậy, mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo thể hiện cụ thể đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với mục tiêu chung của Đảng và Nhân dân ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chỉ có giữ vững hòa bình, ổn định lâu dài mới có thể xây dựng và phát triển đất nước.

Ba là, phương thức quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Đảng ta  đưa ra quan điểm trong tình hình mới, những năm qua và dự kiến sự phát triển tình hình trong những năm tới thì phương thức bảo vệ biển là: trên cơ sở nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, lấy khu vực phòng thủ ven biển làm chỗ dựa, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam làm nòng cốt; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh của mọi ngành, mọi lực lượng hướng biển, vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh với tinh thần tự lực là chính để quản lý,, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên các vùng biển; sẵn sàng ngăn chặn, đẩy lùi, đánh thắng các hành động xâm lấn của bất kỳ thế lực nào để bảo vệ biển, đảo.

Bốn là, tăng cường tiềm lực quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa, khoa học, giáo dục.

Tăng cường tiềm lực quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo cần phải hoàn thiện hệ thống các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách về biển đảo.

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ quyền biển đảo là biện pháp quan trọng, làm cho quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, biến những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thành sức mạnh hành động của cả dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế xã hội ở vùng ven biển, đảo làm nền tảng giữ vững ổn định, bảo vệ biển đảo.

Bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng tiềm lực khoa học, công nghệ biển.

Năm là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên biển đảo.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên biển, vùng ven biển. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Vì vậy, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên biển, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về khai thác, quản lý biển với nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều ngành nghề, nhiều vùng, nhiều quy mô, nhiều trình độ…

Xây dựng thế trận kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trên biển nhằm chống lại mọi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải và an ninh quốc gia trên biển, đảm bảo hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế biển…

Xây dựng Quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng an ninh.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển.

Hoạt động đối ngoại phục vụ mục tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo phải ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi nguy cơ phá vỡ hòa bình, ổn định trong khu vực; ngăn chặn và làm thất bại mọi ý đồ, hành động gây hấn, xâm lấn  nhằm biến vùng không tranh chấp thành “những khu vực tranh chấp” trên vùng biển và thềm lục địa của nước ta.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại về quốc phòng, an ninh tạo sự tinn cậy và không khí hòa dịu trong khu vực và thế giới; bảo đảm thi hành pháp luật trên biển trong các hoạt động chống buôn lậu, buôn ma túy, chống cướp biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần giữ vững an ninh, trật tự và ổn định lâu dài.

Tích cực tuyên truyền đối ngoại bằng các hình thức đa dạng, phong phú làm cho thế giới ngày càng hiểu rõ hơn về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, về đường lối đối ngoại và cơ sở pháp lý, lịch sử của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo.

Bảy là, tăng cường hoạt động pháp lý trên trường quốc tế, tạo cơ sở bảo vệ chủ quyền biển đảo bền vững.

Trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã chủ động, tích cực đàm phán với các bên hữu quan để giải quyết những vấn đề về vùng biển chồng lấn, tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Các hiệp định về phân định ranh giới trên biển và thềm lục địa được ký kết giữa Việt Nam với các nước là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh và các quyền lợi quốc gia, dân tộc trên các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong những năm tới, Việt Nam cần tăng cường các hoạt động pháp lý, tích cực chủ động thúc đẩy đàm phán với các nước láng giềng nhằm giải quyết những vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế về Luật biển năm 1982, tạo môi trường thuận lợi, cơ sở pháp lý để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=quan-diem-cua-dang-ve-van-de-quan-ly-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-viet-nam-trong-tinh-hinh-moi
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com