Thứ hai, 17.07.2017 GMT+7

HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ GIẢI PHÁP ÁP DỤNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là nhu cầu thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Phú Thọ.

Hiện nay, hạ tầng cơ sở hệ thống CNTT tại Trường Chính trị tỉnh đã đáp ứng được việc kết nối các máy tính để bàn, máy tính xách tay; đã được trang bị đường truyền internet tốc độ cao (50 Mb/s).Mô hình hệ thống mạng LAN được thiết kế theo hình sao, tất cả các mode mạng từ các khoa, phòng được tập trung về Phòng làm việc của Trưởng phòng NCKH-TT-TL. Hiện nay, nhà trường có 48 máy trạm, 45 máy tính xách tay, 12 đầu wifi, 10 máy in (trong đó có 01 máy in mạng).

Số cán bộ có trình độ Đại học trở lên về CNTT là 01, cán bộ có trình độ Trung cấp, cao đẳng về CNTT là 03, số cán bộ có khả năng sử dụng máy tính, tin học văn phòng là 60, số cán bộ được bồi dưỡng về CNTT, có kiến thức về an toàn an ninh thông tin, có khả năng quản trị hệ thống là 05.

Công tác quản lý ĐTBD của Nhà trường từ khâu lập kế hoạch, đến chiêu sinh, quản lý học viên (học tập, rèn luyện), quản lý văn bằng chứng chỉ, cũng như các báo cáo định kỳ vẫn chưa có sự gắn kết, thiếu đồng bộ và tính hệ thống; chủ yếu thực hiện theo phương pháp thủ công.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng xét trên khía cạnh ứng dụng CNTT trong quản lý ĐTBD là:

Hệ thống hạ tầng CNTT, đặc biệt là cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ  hoạt động ĐTBD thiếu đồng bộ đã làm hạn chế khả năng quản trị, quản lý, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng ĐTBD nói chung và tra cứu dữ liệu thông tin cần thiết về ĐTBD nói riêng.

Việc kiểm soát giờ giảng của giảng viên, kết quả học tập của học viên, lập thời khóa biểu, phân công giảng dạy, tiến độ giảng dạy, quản lý khối lượng giờ dạy đều dựa vào việc quản lý thủ công trên phần mềm văn phòng đã biểu hiện nhiều bất cập trong quá trình tổ chức ĐTBD; chưa đảm bảo được tính thống nhất, trật tự, đúng lôgic, đôi khi xảy ra sai sót.     

Quá trình tổ chức đào tạo theo kiểu truyền thống vẫn còn chiếm hầu hết thời gian và công sức của người quản lý; sự thiếu hụt căn bản của cơ sở dữ liệu trong quản lý ĐTBD của Nhà trường là nguyên nhân dễ dẫn đến sai sót không đáng có.       

Những hạn chế trong ứng dụng CNTT vào công tác quản lý ĐTBD khiến cho việc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm theo dõi, bảo quản hồ sơ về công tác ĐTBD học viên sau khi tốt nghiệp chưa được tiến hành một cách đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả. Chính vì vậy, chưa có sự điều chỉnh kịp thời và đầy đủ những bất cập về nội dung và phương pháp ĐTBD cho phù hợp với yêu cầu khách quan của công tác lãnh đạo, quản lý, cũng như nhu cầu của học viên.

Trước yêu cầu của thực tiễn, công tác quản lý ĐTBD của Nhà trường và sự phát triển mạnh mẽ của CNTT. Do vậy, cần có sự thay đổi thông qua việc ứng dụng CNTT, vận dụng quy trình mới vào công tác quản lý ĐTBD.    

Ứng dụng CNTT vào chương trình quản lý ĐTBD cán bộ cần xây dựng phần mềm, cài đặt trên từng máy tính riêng lẻ hoặc được thiết kế, xây dựng theo mô hình quản lý dữ liệu phân tán có sự phân cấp. Với mô hình này, dữ liệu về quản lý ĐTBD sẽ được xử lý trên máy chủ (dưới sự kiểm soát trực tiếp của Phòng Đào tạo) nhằm quản lý công tác ĐTBD của Nhà trường một cách công khai, minh bạch, cụ thể, được chia sẻ trên mạng nội bộ của Nhà trường. Việc lập kế hoạch, chiêu sinh, mở lớp, thi cử... được cập nhật từ bất kỳ một máy tính nào đã được kết nối trong hệ thống mạng Nhà trường.

Về phương diện quản lý: ứng dụng tiến bộ mới về CNTT vào hoạt động đào tạo và quản lý ĐTBD tại Nhà trường cho phép bao quát được toàn bộ hoạt động này một cách kịp thời, chính xác; giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm bắt đầy đủ, chi tiết, chính xác mọi thông tin cần thiết trong bất kỳ thời điểm nào với đối tượng được quản lý; tiết kiệm thời gian, nhân lực và vật lực, đồng thời giảm thiểu những phiền hà, góp phần nâng cao chất lượng ĐTBD cán bộ của Nhà trường.            

Trên hệ thống mạng của Nhà trường, với sự hỗ trợ của các chương trình ứng dụng, phần mềm tương thích và các hệ thống quản trị dữ liệu, người sử dụng (theo sự phân cấp) có thể truy cập, khai thác các cơ sở dữ liệu để lựa chọn những thông tin cần thiết cho hoạt động quản lý; học viên cũng có thể theo dõi chương trình, kế hoạch, lịch học và kết quả học tập.

Để việc áp dụng phần mềm quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh được thực hiện hiệu quả, thiết thực và đồng bộ, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là: Nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị     

Nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị là một trong những giải pháp hàng đầu trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong công tác quản lý ĐTBD của Nhà trường. Theo đó:  

- Đảng ủy, Ban Giám hiệu, cũng như lãnh đạo các khoa, phòng cần thống nhất, nâng cao nhận thức về tính cần thiết, cấp thiết của việc tăng cường ứng dụng phần mềm CNTT trong công tác quản lý ĐTBD.     

- Nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của CNTT và việc ứng dụng CNTT trong công việc hằng ngày cho cán bộ, viên chức toàn trường, đặc biệt là cán bộ làm công tác ĐTBD.     

Hai là: Đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng phần mềm phù hợp với công tác  quản lý ĐTBD.

Trong đầu tư ứng dụng và phát triển CNTT, tránh tình trạng chỉ chú trọng đến đầu tư các trang thiết bị, xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng mà không quan tâm  đúng mức đến ĐTBD nhân lực sử dụng những thiết bị này.      

Khi xây dựng phần mềm ứng dụng cần chú ý đến tính năng, hiệu quả, khả năng phát triển và tính thân thiện của phần mềm đối với người sử dụng.

Ba là: Nâng cao trình độ của cán bộ, giảng viên trong việc ứng dụng CNTT trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng.

Đây là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý ĐTBD. Do vậy, cần xây dựng nguồn nhân lực CNTT đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng. Cần tiến hành khảo sát, phân loại, đánh giá nguồn nhân lực hiện có. Trên cơ sở đó, tiến hành xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo lại và phân công công việc cho phù hợp.           

Vận dụng chương trình ĐTBD theo hướng khoa học, phù hợp với thực tiễn của tỉnh, từng địa phương và học viên. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các khoa, phòng và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành, thị trong việc xác định một cách đúng đắn mục tiêu, nội dung của việc ứng dụng phần mềm CNTT vào quản lý ĐTBD.

Bốn là: Nhà cung cấp cần thiết kế thêm các tính năng truy cập hệ thống chương trình, bài giảng, giáo trình, giáo khoa, tài liệu tham khảo cũng như phản hồi về chất lượng bài giảng, giờ giảng và đánh giá chất lượng giờ lên lớp của giảng viên. 

Với việc áp dụng phần mềm quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽgiúp cho hoạt động quản lý điều hành được thuận tiện; việc theo dõi, quản lý học viên được khoa học, bài bản; giảm thiểu được các khâu trung gian và các thủ tục hành chính.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hien-trang-ha-tang-cong-nghe-thong-tin-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-va-giai-phap-ap-dung-phan-mem-quan-ly-cong-tac-dao-tao-boi-duong-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com