Thứ bảy, 08.07.2017 GMT+7

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA CÔNG ĐOÀN

Kiểm tra, giám sát là một trong những nội dung quan trọng của Công đoàn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn tại cơ quan, đơn vị. Bởi vậy, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn Trường Chính trị đã ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức của đoàn viên công đoàn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát công tác công đoàn.

Trên cơ sở đó, Ủy ban kiểm tra công đoàn đã chủ động xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát cả nhiệm kỳ và hàng năm, ban hành quy chế làm việc của UBKT, quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát. Nhiệm kỳ 2012 – 2017, UBKT Công đoàn Trường Chính trị đã thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát các tổ công đoàn trong việc chấp hành Điều lệ công đoàn; văn bản của công đoàn cấp trên; việc tham gia các hoạt động công đoàn và việc tổ chức sinh hoạt công đoàn.

Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát đã giúp cho Tổ công đoàn, đoàn viên chấp hành tốt Điều lệ Công đoàn Việt Nam, quản lý tài chính công đoàn đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc và quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hiệu lực và vị thế của tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng cao đồng thời cũng là yếu tố quyết định trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn.

 Đạt được những kết quả trên trước hết là nhờ sự lãnh đạo cấp uỷ Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của Công đoàn cấp trên, Ban Chấp hành Công đoàn Trường. Bên cạnh đó các Tổ công đoàn, đoàn viên đã ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc thực hiện tốt Điều lệ, Nghị quyết Công đoàn trong công tác kiểm tra, giám sát là yếu tố quyết định xuyên suốt trong hoạt động Công đoàn và cũng là chức năng quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn.

Trong thực tế hoạt động của UBKT Công đoàn cũng gặp không ít khó khăn, hầu hết cán bộ kiêm nhiệm nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thiếu chủ động, nghiệp vụ kiểm tra còn yếu. chất lượng và hiệu quả kiểm tra chưa cao; đôi lúc chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn bất cập, việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát chưa cụ thể, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ công đoàn chưa đi vào nề nếp, phương pháp kiểm tra, giám sát của công đoàn và Uỷ ban kiểm tra chưa thật sự đổi mới.

Công tác kiểm tra, giám sát là một khâu quan trọng trong hoạt động của Đảng ủy, chính quyền nói chung và tổ chức Công đoàn nói riêng, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, đảm bảo sự phát triển có hiệu quả và lành mạnh trong xã hội. Báo cáo chính trị Đại hội X Công đoàn Việt Nam đã khẳng định " Tăng cường công tác kiểm tra của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp đề ngăn ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để nhân rộng và nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, những vi phạm của tổ chức và đoàn viên. Kiện toàn bộ máy Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp để đảm bảo tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao".

 Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Công đoàn, và hoạt động của UBKT đáp ứng yêu cầu mới hiện nay, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Trường Chính trị, Nghị quyết Đại hội IV Công đoàn Viên chức tỉnh Phú Thọ. Công đoàn Trường cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là: Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát Công đoàn và hoạt động của UBKT Công đoàn. Để công tác kiểm tra, giám sát thực sự trở thành công cụ quan trọng của lãnh đạo quản lý, kết quả kiểm tra, giám sát phải được đánh giá khách quan, trung thực về tuân thủ pháp luật, tính hiệu quả, hiệu lực trong quản lý của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát và nhiệm vụ của UBKT Công đoàn, sự cần thiết phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra, giám sát của các Tổ công đoàn.

 Hai là: Tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát trong tổ chức công đoàn. Vai trò trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn, các Tổ trưởng công đoàn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, trách nhiệm của công đoàn, của Ủy ban kiểm tra Công đoàn, của cán bộ, đoàn viên đối với công tác kiểm tra, giám sát, khắc phục những lệch lạc về nhận thức và yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát, buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cuộc kiểm tra, giám sát mang tính hình thức, các kết luận kiểm tra, giám sát không được thực hiện nghiêm túc.

Ba là: Tăng cường hoạt động và nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải luôn đảm bảo tính thống nhất từ khâu tổ chức thực hiện các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát đến khâu đưa ra các kết luận kiểm tra, giám sát; kết quả thực hiện kiểm tra, giám sát phải đánh giá được tính hiệu quả và tính hiệu lực trong quản lý và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

 Bốn là: Hoạt động kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ tới phải luôn linh hoạt, đổi mới phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát, cải tiến tổ chức hoạt động các đoàn kiểm tra, giám sát của Công đoàn Trường và Công đoàn cấp trên. Công tác kiểm tra, giám sát cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, vận dụng đồng bộ và sáng tạo các hình thức kiểm tra thường xuyên, đột xuất, định kỳ, các phương pháp kiểm tra trực tiếp, gián tiếp....đồng thời hàng năm cần được  được nghiêm túc tổng kết đánh giá về hiệu quả để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, có phương hướng tốt hơn.

Năm là: Đội ngũ đoàn viên làm công tác kiểm tra, giám sát phải là những người có năng lực chuyên môn, có kiến thức tương đối toàn diện về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, bản thân người làm công tác kiểm tra, giám sát phải có đạo đức nghề nghiệp, công tâm trung thực, khách quan và mạnh dạn đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải luôn tự học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Sáu là: Tích cực tham mưu và cùng Ban Giám hiệu giải quyết tốt kiến nghị, đề nghị của đoàn viên, VC, NLĐ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn.

Trên đây là một vài giải pháp bản thân tôi xuất phát từ thực tế hoạt động kiểm tra, giám sát xin được phát biểu trước Đại hội. Xin ý kiến đóng góp của Đại hội để hoạt động kiểm tra, giám sát của Công đoàn Trường nhiệm kỳ tới đạt hiệu quả cao nhất góp phần cùng với Nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=nang-cao-chat-luong-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-cua-cong-doan
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com