Thứ tư, 05.04.2017 GMT+7

MỘT THOÁNG ĐỀN HÙNG

“Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Từ bao đời nay trong tâm thức mỗi người dân Việt, các Vua Hùng là Quốc Tổ, có công dựng lên nhà nước đầu tiên thuở Lạc Hồng, là Tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng).

 Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu hiện tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Dù đi đâu, ở đâu mỗi người dân đất Việt đều hướng về cội nguồn với tấm lòng thành kính tri ân.

 Khu di tích lịch sử đền Hùng thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trong từ điển Tiếng Việt: Việt Trì, nghĩa là cái ao của nước Việt, Kinh đô xưa của nhà nước Văn Lang cổ đại với bao truyền thuyết gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ con Lạc, cháu Hồng chiến đấu, dựng xây nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Truyền thuyết xưa kể rằng: Thuở Hồng hoang, nàng Âu Cơ xinh đẹp và duyên dáng nên duyên cùng chàng Lạc Long Quân sức khỏe, mưu trí hơn người, sinh ra một trăm người con. Đến tuổi trưởng thành, năm mươi người con  theo cha về miền biển làm nghề chài lưới, 49 người con theo mẹ lên rừng khai khẩn ruộng nương. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu lập nên Triều Đại Hùng Vương. Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt với những truyền thuyết: Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở làng Minh Nông, sự tích Lang Liêu dâng vua cha bánh chưng, bánh giầy trong ngày lễ mừng thọ thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên, đất trời….  

Núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng, nơi có quần thể: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng. Tương truyền rằng Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng. Đền Trung là nơi các Vua Hùng và quần thần họp bàn việc nước. Đền Thượng là nơi các Vua Hùng làm lễ tế trời đất, kính báo tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở, con người được no đủ. Dưới Đền Hạ không xa là Đền Giếng thờ hai nàng Công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, nước trong vắt, tương truyền trai, gái đến tuổi trưởng thành đều đến lễ cầu xin hai cô ban hạnh phúc. Cũng chính nơi đây, ngày 19/9/1954, trong buổi nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 Theo lời dạy của Người, lớp lớp con Lạc, cháu Hồng đã lên đường tòng quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Biết bao anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh thân mình vì nền độc lập tự do của dân tộc. Để đến ngày 30/4/1975, Tổ quốc ta ca vang khúc khải hoàn thống nhất và xây dựng cuộc sống mới…

 Từ núi Nghĩa Lĩnh, nhìn xa xa là núi Tản Viên nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản),  là khu núi Tam Đảo mờ ảo trong sương, mới thấy sự uyên thâm, sâu sắc của các Vua Hùng khi chọn Việt Trì là Kinh đô đầu tiên của nhà nước Văn Lang. Chín mươi chín quả đồi tượng trưng cho chín mươi chín con voi chầu về Nghĩa Lĩnh, sáng xuân nay khoác trên mình màu xanh óng mượt của chè, của  sắn, khoai. Chè Phú Thọ đã trở thành thương hiệu xuất đi các nước Châu Phi và Trung Đông mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Theo các tài liệu cổ còn lưu truyền lại, Ngày giỗ Tổ đã xuất hiện cách đây 2000 năm. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương đã dựng trên núi Nghĩa Lĩnh cột đá thề lớn, trên cột đá ghi rõ: “ Nguyện có đất trời lồng lộng, chứng giám nước Nam được trường tồn, lưu ở Miếu tổ Hùng Vương.  Xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu sai hẹn sai thề  sẽ bị gió giăng búa dập”.

 Đời Hồng Đức (hậu Lê năm 1497), hàn lâm viện học sỹ Nguyễn Cổ soạn Ngọc phả cổ truyền về 18 đời thánh vương Triều Hùng nêu rõ:  “Đền Hùng nơi thờ tự các vua Hùng được xác định vững vàng trên nền tảng pháp lý của nhà nước quân chủ phong kiến Việt Nam”. Dưới thời Nguyễn, năm  Khải Định thứ 2  (năm 1917),Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng  năm là ngày Quốc giỗ.

Ngày nay, ngày giỗ Tổ Vương đã trở thành điểm hẹn lịch sử văn hóa tín ngưỡng  và tâm linh. Đầu tháng 3 âm lịch, đồng bào sinh sống khắp mọi miền của tổ quốc, vui tươi, phấn khởi trẩy hội Đền Hùng. lắng lòng mình thành kính nhớ công ơn Quốc tổ Hùng Vương. Giỗ Tổ Hùng Vương  năm 2017 còn có sự tham gia góp giỗ của bốn tỉnh  thành là Thủ Đô Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước và Bến Tre. Phần Lễ diễn ra  trong 6 ngày ngày 5 đến 10 tháng 3 âm lịch. Với các nghi thức dâng hương  tại đền Quốc  Tổ Long Quân,  Đền Mẫu Âu cơ  và lễ Giỗ tổ tại Đền Thượng …

 Về phần Hội: Không gian lễ hội năm nay được trải rộng từ  Khu Di tích Lịch sử  Đền Hùng đến thành phố Việt Trì bao gồm các chương trình lễ hội dân gian đường phố, các chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ Hội Đền Hùng. Hội thi bơi chải trên hồ công viên Văn Lang ….

 Thành phố Việt Trì trên đường phát triển và hội nhập đã trở thành thành phố lễ hội,về với cội nguồn của tộc dân tộc Việt Nam, Tuyến đường chính, Đại lộ Hùng Vương, đường Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Hùng Vương sáng xuân nay lộng lẫy cờ hoa, các màn biểu diễn Xoan ghẹo, đi cà kheo,rước kiệu âm thanh rộn ràng mời gọi. Trên Sông Lô, sông Hồng là màn bơi chải sôi động của bao thanh niên trai tráng làng Bạch Hạc, Tiên Cát, bao gương mặt hân hoan bừng sáng chào đón khách muôn phương về trẩy hội.

Phú Thọ - mảnh đất Trung du nơi phát tích của con Lạc, cháu Hồng. Mỗi năm đến dịp mồng mười tháng 3 âm lịch con cháu từ mọi miền quê trở về thắp nén  hương thơm cúi mình trước Mộ Tổ, báo công với các bậc tiền nhân, tự vấn những điều chưa làm được để lòng mình thanh thản, phấn chấn bước vào cuộc sống mới:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà nhàn năm”.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-thoang-den-hung
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com