Thứ tư, 29.03.2017 GMT+7

MÙA XUÂN Ở TÂN LẬP

Thực hiện Quyết định số 590 – QĐ/TU ngày 01/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về việc mở lớp TCLLCT – HC hệ vừa làm vừa học tại trại giam Tân Lập năm 2016 - 2017, ngày 27/11/2016, tại Trại giam Tân Lập, Tổng cục VIII, Bộ Công an: Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ phối hợp với đơn vị tổ chức Lễ khai giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ vừa làm, vừa học. Lớp học có 98 học viên là cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Trại giam Tân Lập, từ tháng 11/2016 đến nay, lớp đã học được 5 môn thuộc Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính.

Một ngày tháng ba, tiết trời tràn ngập hương sắc mùa xuân, đoàn công tác Trường Chính trị tỉnh chúng tôi đã đến trại giam Tân Lập. Chuyến đi lần này, chúng tôi được thăm cảnh vật của địa danh đặc biệt mà trước đây chúng tôi chỉ được đọc qua các trang sách, báo và tìm hiểu thêm về con người, công việc của cán bộ, chiến sỹ Trại giam Tân Lập, nhất là các đồng chí đang theo học tại lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính của nhà trường. Trại đóng quân tại xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa và xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, nằm trong thung lũng hẹp sát mạn Yên Bái, tứ phía là núi, có dòng Ngòi Lao chạy dọc theo địa phận hơn 900 ha mà trại quản lý. Gọi là Ngòi Lao, bởi theo người dân địa phương vùng này, cứ có mưa nhiều một chút là nước từ thượng nguồn đổ về lao vun vút như ngựa phi nước đại, quét sạch mọi vật trên đường đi.

Tiếp đón chúng tôi giữa tiết trời, cảnh vật tại Trại giam Tân Lập đang vào xuân, những sắc hoa đủ màu sắc đua nhau khoe sắc, đồng chí Giám thị Nguyễn Khắc Chính cho biết: Là đơn vị trực thuộc Tổng cục cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an, Trại giam Tân Lập được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, cụ thể là giam giữ, giáo dục và cải tạo phạm nhân. Trại gồm trung tâm chỉ huy và 05 phân trại giam, các phân trại cách xa nhau từ 4km đến 14km. Trại giam Tân Lập trước đây nguyên là trại giam Loại I, tức là chuyên giam giữ cải tạo những phạm nhân bị kết án tù về tội đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia, bị kết án tù thuộc loại tái phạm nguy hiểm và phạm nhân bị kết án tù 20 năm, tù chung thân. Từ đầu năm 2008 đến nay, thực hiện chủ trương về xóa bỏ loại trại giam, trại mới tiếp nhận phạm nhân có mức án thấp. Hiện trại đang quản lý giam giữ gần 4.000 phạm nhân, trong đó hơn 800 phạm nhân nữ.

Trong những năm qua, số lượng phạm nhân đưa đến trại chấp hành án liên tục tăng, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng phức tạp, địa bàn đơn vị đóng quânlà khu vực giáp ranh giữa huyện Hạ Hoà và Yên Lập, tiếp giáp với các khu dân cư, đường dân sinh, khu trồng trọt của nhân dân địa phương nên tình hình an ninh trật tự khu vực này trong những năm vừa qua rất phức tạp, nhiều loại tội phạm như trộm cắp, ma tuý, mại dâm, cờ bạc, cho vay nặng lãi… thường lợi dụng móc nối, tiếp tay cho phạm nhân đưa đồ vật cấm vào trại. Để làm tốt công tác quản lý, giam giữ phạm nhân và góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, trại đã tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công an nhằm quản lý chặt chẽ phạm nhân, hạn chế đến mức tối đa việc phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc phạm nhân vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy trại giam. Đấu tranh khai thác triệt để không bỏ lọt tội phạm, thường xuyên phối hợp trao đổi nắm bắt tình hình liên quan đến an ninh trật tự trong địa bàn khu vực giáp ranh nơi đóng quân. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, công an, quân đội và nhân dân địa phương trong công tác truy bắt, đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật, cung cấp các thông tin phối hợp hiệp đồng chặt chẽ theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra trong các chuyên án. Ký kết quy chế phối hợp, tham gia cụm liên kết đảm bảo an ninh trật tự trân địa bàn khu vực giáp ranh với 13 xã thuộc huyện Hạ Hoà và Yên Lập; Ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự với Công an tỉnh Phú Thọ nhằm tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo tuyết đối an toàn trại giam và góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Lãnh đạo Trại giam Tân Lập chụp ảnh lưu niệm với nữ cán bộ, nhân viên của Trại

Trong số 700 cán bộ,chiến sỹ đang công tác tại trại giam Tân Lập, có 97 đồng chí nữ, đa số đang công tác tại phân trại số 5 làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân nữ. Đến thăm phân trại số 5 của trại giam Tân Lập, tôi mới hiểu được những khó khăn vất vả và khâm phục nghị lực công tác của các chị. Đồng chí Trung tá Nguyễn Thế Anh, Trưởng Phân trại số 5 cho biết: Phân trại số 5 giam giữ trên 800 phạm nhân nữ, mức án cao nhất là chung thân, mức án thấp nhất cũng vài năm, trong đó nhiều phạm nhân là người dân tộc, nói tiếng Kinh có khi còn chưa sõi. Họ phạm đủ các loại tội nhưng nhiều nhất là các tội liên quan đến ma túy, trước khi đến trại chấp hành án họ từng nghiện ma túy, từng làm gái mại dâm, nhiễm HIV, lao và các bệnh xã hội khác, bên cạnh đó, nhiều phạm nhân có mức án cao, mắc bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình khó khăn…tâm lý không ổn định, nói như ngôn ngữ của Trại giam là "sáng nắng - chiều mưa - trưa giở mặt", thoắt vui, thoắt buồn, cười đấy mà khóc đấy, bình tĩnh đấy mà lập tức trở nên điên loạn đấy. Chính vì vậy, việc dạy chữ, truyền nghề (may, thêu, đan lát…) cho họ, việc giáo dục họ nhận rõ những sai lầm trong quá khứ, tích cực cải tạo, hướng thiện là một nhiệm vụ khó khăn, người cán bộ quản giáo vừa là người thầy, vừa là luật sư, vừa phải như bác sĩ tâm lý cừ khôi để trấn an họ, giúp họ vượt qua cơn hoảng loạn, khó khăn về tâm lý.

Với đặc thù công tác như vậy, nữ cán bộ, chiến sỹ tại đơn vị phải trực gác ngày đêm, công việc nguy hiểm, vất vả đã ảnh hưởng không nhỏ đến thiên chức làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình của người phụ nữ. Tuy nhiên khi tiếp xúc, tôi không hề bắt gặp một ánh mắt buồn phiền, gương mặt của các chị ai nấy đều toát lên sự cương nghị, rắn rỏi và nụ cười luôn hiện hữu trên môi. Thiết nghĩ, trong tim những người nữ chiến sỹ ấy đã thực sự đồng cảm và tự nguyện gắn đời mình để gieo mầm thiện, cải tạo những con người lầm lỡ...

Trong số cán bộ chiến sỹ nữ, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với đồng chí Thượng úy Đỗ Thị Hằng, là học viên, lớp phó lớp trung cấp lý luận chính trị -hành chính, đã gắn bó gần 20 năm với công tác quản giáo nữ phạm nhân. Sinh ra và lớn lên tại Lâm Thao, vùng đất học của tỉnh Phú Thọ, chị tốt nghiệp trung cấp Công an khi tuổi đời rất trẻ và được điều động về công tác tại trại giam Tân Lập. Trò chuyện với chúng tôi, chị kể: Khi mới nhận công tác, những đêm mùa đông, mưa phùn, gió bấc, một mình gác trên chòi cao giữa bốn bề heo hút rừng hoang, nỗi sợ, nỗi nhớ gia đình làm chị không kìm được nước mắt, những đêm đi tuần, suốt những dãy buồng giam dài hun hút, yên lặng như tờ, chỉ có tiếng gót giày khua lộc cộc và bóng mình đổ dài ở phía trước lặng lẽ theo tiếng bước chân. Mỗi lần giáo dục các phạm nhân vi phạm nội quy trại giam thì một số trường hợp cá biệt còn lớn tiếng mắng lại chị là “Ranh con biết gì mà nói” chị chỉ muốn bỏ nghề. Sau những tháng ngày khó khăn, được sự động viên giúp đỡ của đồng đội, đồng chí chị đã vững tay súng, chắc nghiệp vụ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, năng nổ nhiệt tình trong công tác phong trào, là điển hình phụ nữ tiên tiến của trại giam Tân Lập. Một ngày mùa xuân cách đây hơn 10 năm, Hằng đã nên duyên với một đồng chí đồng nghiệp có tổ ấm gia đình, nhưng 2 vợ chồng vẫn mải miết với nhiệm vụ giáo dục lại những mảnh đời lầm lỡ, phải gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc, một tháng đôi lần mới về thăm các cháu được, trò chuyện với chúng tôi nét mặt chị thoáng chút bùi ngùi.

Niềm vui lớn nhất của những chiến sỹ công an ở Trại giam Tân Lập đó là  vào ngày Quốc khánh (2/9) hằng năm, khi có Quyết định của Chủ tịch nước về việc đặc xá cho phạm nhân. Hàng trăm phạm nhân được trở về với gia đình và xã hội, cán bộ trại lại tích cực chuẩn bị tư tưởng, tâm lý, kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho họ, tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các phạm nhân được đặc xá ở các phân trại với sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ với mong muốn phạm nhân sẽ không bị lạc lõng khi trở về và có thể tìm được việc làm và suy xét lại những lỗi lầm trong quá khứ, đánh giá kết quả cải tạo của mình, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Xe của chúng tôi đi qua những triền rau bát ngát, bên những hàng nhãn, hàng xoài hoa thơm ngát, Tân Lập đẹp như một bài thơ xuân tràn ngập màu xanh của cỏ cây và đất trời. Chúng tôi tin rằng, với kinh nghiệm và truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, chuyên môn nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng, thấm nhuần những quan điểm chỉ đạo của Đảng và kiến thức quản lý hành chính Nhà nước, cán bộ, chiến sỹ của trại giam Tân Lập sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, giáo dưỡng, cảm hóa, cải tạo được nhiều con người hoàn lương, trở về với cuộc sống đời thường, là những công dân tốt cho xã hội./

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mua-xuan-o-tan-lap
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com