Thứ hai, 20.03.2017 GMT+7

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VIỆC LỰA CHỌN VÀ TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ

Thực hiện “Quy chế Hoạt động nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Quy định các hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học: nghiên cứu khoa học được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, giảng viên ở các trường chính trị tỉnh. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã triển khai hội nghị học tập bộ Quy chế đến toàn thể cán bộ giảng viên nhà trường. Riêng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học cấp cơ sở luôn được nhà trường quan tâm và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu.

         Năm 2016, nhà trường triển khai thực hiện 08 đề tài khoa học ấp cơ sở, 8/8 đề tài đã nghiệm thu đều đạt Xuất sắc, có tính lý luận và ứng dụng thực tiễn cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác giảng dạy. Là tài liệu tham khảo cho các cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, như đề tài:“Biên soạn tập bài giảng Tình hình nhiệm vụ địa phương tỉnh Phú Thọ" trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính năm 2014” đã được đưa vào giảng dạy tại các lớp trung cấp LLCT-HC của nhà trường.

         Năm 2017, 10 đề tài khoa học cấp cơ sở đã được Hội đồng Đào tạo- Khoa học nhà trường phê duyệt thuyết minh và bắt đầu triển khai thực hiện. Việc lựa chọn đề tài khoa học cấp cơ sở phù hợp để nghiên cứu ở trường chính trị là việc làm cấn thiết, cần được xem xét đầy đủ tới các yếu tố, nhất là tính khả thi và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của một công trình khoa học. Vì vậy cần phải lựa chọn, triển khai đề tài khoa học đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả tốt, có giá trị lý luận và thực tiễn. Là đơn vị trực tiếp tham mưu cho Lãnh đạo trường về công tác nghiên cứu khoa học, với bài viết này, xin trao đổi, gợi mở một số nội dung về cách thức, kinh nghiệm lựa chọn và triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở nhằm đạt kết quả tốt, như sau:

         Thứ nhất: Về lựa chọn đề tài nghiên cứu

        Nhiệm vụ đầu tiên của cán bộ giảng viên nhà trường khi tham gia nghiên cứu khoa học cấp cơ sở là lựa chọn đề tài. Đối với chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, các đề tài thường được lựa chọn qua kinh nghiệm và kiến thức tích luỹ được, đặt trong bối cảnh yêu cầu về mặt chuyên môn, quản lý hoặc nhu cầu thực tế của đơn vị khoa phòng công tác.    Một đề tài nghiên cứu thông thường được đánh giá tốt cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

          Có phạm vi giới hạn cụ thể: phạm vi ở mức độ giới hạn phù hợp thì vấn đề nghiên cứu càng được đào sâu phân tích; còn phạm vi rộng (nhất là quá rộng với một đề tài cấp cơ sở) thì dễ dẫn đến dàn trải, thiếu tập trung, xử lý các vấn đề chỉ ở trên bề mặt.

         Có tính thiết thực: Nội dung đề tài nghiên cứu cần phải mang tính thiết thực, phải hỗ trợ tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở khoa, phòng hoặc cơ quan, đơn vị, địa phương.

          Có tính mới mẻ và độc đáo: kết quả nghiên cứu phải mang lại một phát hiện mới, một nét riêng và sự tiến bộ nhất định trong tri thức khoa học, không trùng lặp với những kết quả, công trình đã công bố trước đó.

         Xử lí vấn đề tương đối trọn vẹn: kết quả  nghiên cứu phải đưa ra được những kết luận rõ ràng, góp phần giải quyết các vấn đề cơ bản các mục tiêu đã đặt ra.

          Bên cạnh đáp ứng các yêu cầu trên, việc lựa chọn đề tài khoa học cấp cơ sở còn cần phải đảm bảo các tiêu chí sau:

          Một là, tiêu chí thích đáng: Đây là tiêu chí trung tâm của đề tài nghiên cứu, nhằm đánh giá tính chất khoa học và logic của đề tài (thường được thể hiện qua phần lý do chọn đề tài).

         Hai là, tiêu chí “có thể đo lường được”: Do lĩnh vực xã hội bao gồm rất nhiều khái niệm trừu tượng không thể quan sát trực tiếp được nên để có thể áp dụng thực tế vào các khái niệm ấy, cần phải cụ thể hóa những khái niệm trừu tượng, nghĩa là phải biến các khái niệm trừu tượng thành những công thức, những vấn đề có thể đo đếm được. Muốn vậy, phải biết kết hợp tốt phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính trong nghiên cứu khoa học xã hội.

          Ba là, tiêu chí đạo đức: Nghiên cứu khoa học là một chu trình vòng tròn, bắt đầu từ đặt câu hỏi, phát biểu giả thuyết, tiến hành thực nghiệm, và công bố kết quả. Trong mỗi bước của chu trình nghiên cứu, khía cạnh đạo đức luôn hiện diện. Những chuẩn mực đạo đức khoa học là nguyên tố quan trọng cho sự tồn tại của khoa học và văn hóa khoa học. Bởi sứ mệnh của khoa học (dù là công trình khoa học cấp cơ sở) cũng đều phục vụ đời sống con người nên các công trình khoa học là nhằm phục vụ cho con người.

         Bốn là, tiêu chí khả thi: được đánh giá ở mức độ có thể thực hiện được hay không thực hiện được của đề tài. Tính khả thi bao gồm các khía cạnh sau:

         + Quy mô đề tài phù hợp;

         + Quỹ thời gian phù hợp;

         + Kinh phí cho phép thực hiện đề tài đảm bảo;

         + Địa bàn tiếp cận khảo sát đề tài đảm bảo tính đầy đủ và toàn diện;

         + Phương tiện kiểm chứng trung thực, khách quan.

         Về đặt tên đề tài, đây cũng là vấn đề khó, thường gây ra những tranh luận trong quá trình xét duyệt và thông qua phiếu đề xuất của đề tài. Tên đề tài, ít nhất cũng phải đảm bảo được hai yêu cầu sau đây:

         + Do nội dung nghiên cứu của một đề tài khoa học được phản ánh một cách cô đọng nhất trong tiêu đề của nó, cho nên tên đề tài cần có tính đơn nghĩa, khúc chiết, rõ ràng, không dẫn đến những sự hiểu lầm, hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.

         + Tên đề tài phải thống nhất với mục đích, nhiệm vụ, phạm vi và nội dung nghiên cứu đã được xác định và trình bày trong đề tài.

          Thứ hai: Cách thức triển khai đề tài như thế nào để thực hiện đúng tiến độ và có chất lượng

Sau khi đã lựa chọn được vấn đề nghiên cứu, để thực hiện đề tài đúng tiến độ và có chất lượng, thông thường các bước triển khai một đề tài khoa học cơ sở ở trường chính trị tỉnh được thực hiện như sau:

         Bước 1: Xây dựng và bảo vệ thuyết minh chi tiết

         Bước 2: Lập kế hoạch thực hiện đề tài, phân công công việc

         Bước 3: Khảo sát, điều tra, thu thập số liệu, xử lý thông tin, tài liệu, số liệu.

          Bước 4: Tổng hợp, xử lý thông tin, tài liệu, số liệu điều tra

          Bước 5:Xây dựng đề cương chi tiết đề tài.

          Bước 6:Xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài khoa học.

          Bước 7: Hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài, tổ chức hội thảo

          Bước 8:Hoàn thiện Báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài sau hội thảo

          Bước 9: Nghiệm thu cơ sở (cấp khoa, phòng)

          Bước 10: Bổ sung, hoàn chỉnh toàn bộ hồ sơ  đề tài khoa học.

          Bước 11: Nghiệm thu chính thức: Trình bày, bảo vệ kết quả nghiên cứu.

          Bước 12: Hoàn thiện các báo cáo theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu và chuyển Phòng NCKH - TT - TL quản lý; báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện đề tài.

         Khi tiến hành nội dung cụ thể của các bước nêu trên, các chủ nhiệm đề tài cần chú trọng một số điểm cơ bản sau:

         1. Cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách hợp lý, chi tiết. Đây là vấn đề quan trọng, nhưng nhiều khi người nghiên cứu không chú ý hoặc bỏ qua công đoạn này. Do đó, quá trình triển khai thường gặp những khó khăn như: không triển khai đầy đủ các nội dung nghiên cứu; không hoàn thành đúng tiến độ thời gian như đã đăng ký…

         2. Cần xây dựng giả thiết nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu phải xây dựng một giả thiết nghiên cứu ban đầu về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài. Sau đó dựa vào việc khai thác những tài liệu khoa học hiện có, chỉ rõ sự đúng đắn của giả thiết nghiên cứu về mặt lý luận. Đồng thời, trên cơ sở đi nghiên cứu thực tiễn, thực hành, tiến hành kiểm chứng giả thiết có đúng trên thực tế hay không. Từ đó, rút ra những nhận định, kết luận khoa học của đề tài nghiên cứu.

         3. Cần tiến hành đề tài đúng tiến độ như đề cương nghiên cứu đã xác định và theo đúng quyết định của Hội đồng nghiệm thu thuyết minh nghiên cứu đề tài. Điều này một mặt, đòi hỏi nhóm nghiên cứu cần có sự tuân thủ, thực hiện đúng đắn tiến độ thực hiện. Mặt khác, cần có sự quản lý chặt chẽ của Phòng Nghiên cứu khoa học- Thông tin-Tư liệu và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài một cách nghiêm túc.

         4. Viết kết quả nghiên cứu: Khi nhóm nghiên cứu đã làm tốt việc viết tổng quan tài liệu ngay từ ban đầu, giai đoạn này trở nên nhẹ nhàng hơn. Ngoài các tài liệu ban đầu đã có, nhóm nghiên cứu có thể tìm thấy hoặc cần phải tìm thêm những tài liệu mới hơn, chuyên sâu hơn nữa để bổ sung cho các khía cạnh quan trọng trong đề tài và bắt tay vào viết các phần còn lại: phân tích, thảo luận kết quả nghiên cứu và đưa ra các kết luận, xác nhận hay bác bỏ những giả thuyết đã đặt ra, gợi mở những vấn đề cần nghiên cứu tiếp...

         Sau khi hoàn thành những phần việc trên, cần tập hợp các nội dung đó thành một bài viết hoàn chỉnh dưới dạng Báo cáo tổng hợp đề tài.

         Kinh nghiệm cho thấy việc lựa chọn một thư ký tổng hợp để chắp bút, thể hiện kết quả nghiên cứu là rất quan trọng. Một đề tài có kết quả triển khai các phần việc tốt nhưng đến khi người trình bày báo cáo đề tài thiếu khả năng diễn đạt các nội dung trôi chảy, hấp dẫn, thiếu tính logic, chặt chẽ, thì dẫn đến Hội đồng nghiệm thu và đánh giá kết quả để tài không hiểu rõ được ý đồ của nhóm nghiên cứu, hoặc đánh giá đề tài có chất lượng không cao.

         5. Trình bày, bảo vệ kết quả nghiên cứu: đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở sẽ được bảo vệ trước Hội đồng nghiệm thu của nhà trường gồm Lãnh đạo trường phụ trách chuyên môn của các khoa, phòng và các đồng chí Lãnh đạo các khoa, phòng và giảng viên có chuyên môn về lĩnh vực mà đề tài nghiên cứu. Việc thành lập Hội đông sẽ do Chủ tịch Hội đồng Đào tạo- Khoa học nhà trường quyết định. Các nội dung cơ bản của đề tài (mục đích, đối tượng, phương pháp, kết quả, thảo luận, kết luận, đề nghị) được trình bày ngắn gọn, cô đọng trong khoảng 15-20 phút. Sau đó, các thành viên Hội đồng sẽ phản biện, chất vấn và nhận xét về chất lượng đề tài.

               Việc soạn bài thuyết trình để nhóm nghiên cứu trình bày trước Hội đồng nghiệm thu tuy không khó nhưng cũng không đơn giản. Bài thuyết trình dựa chủ yếu vào bài viết, nhưng không phải là bản sao nguyên vẹn của bài viết. Kinh nghiệm cho thấy, trong khoảng thời gian ngắn, nên tránh việc trình bày dàn trải và phân tích chi tiết các nội dung của đề tài nghiên cứu, mà cần tập trung làm rõ cách thức tiếp cận, phương pháp giải quyết vấn đề, những kết quả đạt được, tính mới, tính sáng tạo trong từng nội dung. Trong đó, nhấn mạnh những đóng góp mới về khoa học và những giá trị thực tiễn đạt được của công trình nghiên cứu. Đồng thời, cũng phải có một bản tóm tắt kết quả nghiên cứu, tập hợp những bài viết, sản phẩm có liên quan được khai thác của đề tài được ứng dụng, hoặc đăng tải trong các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín, trên nội san và trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

              Trên đây là một số suy nghĩ  về lựa chọn và thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, được rút từ những kinh nghiệm triển khai thực hiện đề tài khoa học cơ sở trong những năm qua của nhà trường. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp thêm cho các đồng nghiệp những kiến thức bổ ích để triển khai thực hiện thành công các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2017, góp phần vào thành tích chung trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được phân công.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=mot-so-suy-nghi-ve-viec-lua-chon-va-trien-khai-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc-cap-co-so-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com