Thứ tư, 04.01.2017 GMT+7

HOẠT ĐỘNG THANH TRA GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Hoạt động thanh tra giáo dục luôn được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ rất quan tâm và xác định là rất quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy chế, quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của nhà trường liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, thông qua hoạt động thanh tra giáo dục nhằm phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên của nhà trường.

Để tổ chức tốt động thanh tra giáo dục, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TCT ngày 18/3/2009 về việc thành lập Ban Thanh tra giáo dục gồm 05 thành viên (trong đó, đồng chí Trưởng phòng NCKH-TT-TL kiêm nhiệm chức vụ Trưởng ban Thanh tra giáo dục). Đồng thời, ban hành Quy chế hoạt động thanh tra giáo dục ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ theo Quyết định số 128/QĐ-TCT ngày 12/5/2010 của Hiệu trưởngthay thế cho Quy chế hoạt động thanh tra giáo dục được ban hành từ năm 2004. Trên cơ sở Quy chế hoạt động thanh tra giáo dục của Học viện Ban hành tại Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG, ngày 21/4/2016 nhà trường đã tiến hành sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động thanh tra giáo dục mới và được áp dụng bắt đầu từ năm học 2016-2017.

Hàng năm, căn cứ Quy chế hoạt động thanh tra giáo dục và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Tỉnh uỷ giao, Ban Thanh tra giáo dục đề xuất, tham mưu cho Lãnh đạo trường ban hành kế hoạch hoạt động thanh tra giáo dục. Kế hoạch thanh tra giáo dục được thực hiện nghiêm túc theo từng tháng, quý và đem lại hiệu quả thiết thực, với những kết quả cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong lĩnh vực liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng

Từ năm 2010 đến hết tháng 11/2016, hoạt động thanh tra giáo dục trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng luôn được tổ chức thường xuyên. Nhà trường đã tổ chức 28 đoàn thanh tra định kỳ theo kế hoạch; 62 lượt kiểm tra đột xuất tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở các cơ sở liên kết đào tạo; 23 lượt thanh tra bài thi, coi thi và tổ chức chấm thi hết môn và 02 lượt thanh tra chấm tiểu luận tốt nghiệp. Đặc biệt, Ban Giám hiệu thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất tình hình giảng dạy, học tập tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính để nắm bắt thực chất việc dạy và học, việc thực hiện quy chế đào tạo, bồi dưỡng.

Nội dung công tác thanh tra các cơ sở liên kết đào tạo gồm: làm việc với Ban chỉ đạo các lớp học, dự giờ, phát phiếu thăm dò học viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên; kiểm tra hồ sơ, sổ sách, chuyên môn, sổ điểm danh, sổ đầu bài, sổ điểm, hồ sơ lớp học, kiểm tra tiến độ thực hiện hợp đồng đào tạo, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của hợp đồng.

Trong năm học 2015-2016, nhà trường đã tiến hành thanh tra, dự giờ đối với 6 đơn vị cơ sở liên kết đào tạo trong tỉnh, thu về 584 phiếu điều tra đánh giá về chất lượng của đội ngũ giảng viên đã và đang tham gia giảng dạy (Một phiếu đánh giá về nhiều giảng viên và bao gồm toàn diện các hoạt động giảng dạy). Kết quả xếp loại giảng dạy qua ý kiến của học viên như sau: xuất sắc 6.369 (chiếm 72.4%), tốt 1.975 (chiếm 22.5%),  khá 629 (chiếm 4.8%), trung bình 29 (chiếm 0.3%). Qua kết quả trên, 94,8% học viên của nhà trường được xin ý kiến đều đánh giá đội ngũ giảng viên của nhà trường giảng dạy đạt xuất sắc và tốt.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, về cơ bản các đơn vị liên kết đào tạo đều tuân thủ đúng nội quy, quy chế đào tạo. Giảng viên thực hiện đúng chương trình, nội dung, mẫu giáo án đã được ban hành, nhiệt tình, trách nhiệm trong giảng dạy và quản lý học viên, các bài giảng đã được đầu tư chuẩn bị công phu, cập nhật kiến thức mới, gắn lý luận với thực tiễn và phù hợp với đối tượng người học. Giáo viên chủ nhiệm các lớp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý chặt chẽ sĩ số học viên, theo dõi đôn đốc nhắc nhở kịp thời, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, góp phần tích cực nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của học viên. Học viên các lớp đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để vừa làm, vừa học, nỗ lực trong  học tập và rèn luyện.

Tuy nhiên, thông qua công tác thanh tra giáo dục cũng đã kịp thời phát hiện một số tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường. Cụ thể là:  

Về phía các cơ sở liên kết đào tạo: Một số đơn vị, cơ sở liên kết đào tạo cơ sở vật chất còn khó khăn, nên việc bố trí phòng học, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác đồng chủ nhiệm lớp của một số đơn vị liên kết đào tạo chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, quản lý học viên còn thiếu sự chặt chẽ, đôi khi nể nang, thiếu kiên quyết;

Về phía cán bộ, giảng viên nhà trường: Một số giảng viên chất lượng bài giảng chưa cao, chưa hấp dẫn, cuốn hút người học, thông tin trong bài giảng chưa được cập nhật kịp thời, việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực chưa thường xuyên và thực sự hiệu quả. Công tác coi thi có thời điểm chưa thực sự chặt chẽ, còn có sự nể nang;

Về phía học viên: Một số học viên kết quả học tập, rèn luyện chưa tốt, còn nghỉ học không có lý do chính đáng; trong lớp chưa tập trung nghe giảng, ghi bài, còn làm việc riêng, sử dụng điện thoại, đi muộn, về sớm. Trong thi và kiểm tra còn có trường hợp chưa nghiêm túc, sử dụng tài liệu. Ở một số lớp, vẫn còn tình trạng học viên học mà không có giáo trình, tài liệu;

Thứ hai, thanh tra giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường

Trong giai đoạn từ 2010-2016, có 07 học viên có đơn đề nghị phúc khảo kết quả thi hết môn. Ban thanh tra giáo dục đã tham mưu cho Lãnh đạo trường thành lập Ban chấm thi và tổ chức chấm phúc khảo đảm bảo khách quan, chính xác, công khai và minh bạch; thông báo kết quả cho học viên kịp thời và giải quyết mọi vướng mắc của học viên theo đúng quy chế. Trong 5 năm qua, nhà trường không có cán bộ, công chức, viên chức, học viên và công dân đến phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về các nội dung liên quan đến các hoạt động của trường.

Thứ ba, thanh tra nội dung khác do Hiệu trưởng quyết định 

Trong lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các khoa, phòng:Cùng với việc thanh tra, kiểm tra các lớp và các cơ sở liên kết đào tạo, nhà trường tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện các khoa, phòng. Trong giai đoạn 2010-2016, Ban Thanh tra giáo dục phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu tiến hành 03 đợt kiểm tra toàn diện 07 khoa, phòng về công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; việc phân công, sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên; việc phân bài giảng, duyệt giảng và chấm bài; kiểm tra các loại hồ sơ, sổ sách, giáo án. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy các khoa, phòng thực hiện nghiêm túc việc quản lý chuyên môn. Tuy nhiên, một số khoa, phòng phân công, sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa thực sự hợp lý. Việc thông qua giáo án, duyệt giảng cho giảng viên ở một số khoa chưa được làm thường xuyên. Giảng viên kiêm chức chưa được khai thác, sử dụng thật sự hiệu quả và thường xuyên vào giảng dạy.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: Trong giai đoạn 2010-2016, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã đăng ký và triển khai thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 48 đề tài, dự án khoa học cấp cơ sở. Hàng năm, Ban thanh tra đều tham mưu cho Lãnh đạo trường thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc xây dựng chư­ơng trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, nghiệm thu và thanh quyết toán các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và các kết luận của Hội đồng Đào tạo - Khoa học trường; thanh tra việc triển khai, ứng dụng các đề tài, dự án đã đư­ợc nghiệm thu phục vụ hoạt động quản lý và giảng dạy ở trường.

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội: Theo sự phân công của Hiệu trưởng, Ban thanh tra giáo dục phối hợp với Ban thanh tra nhân dân trong hoạt động thanh tra việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, vật tư, tài sản do Nhà nước cấp và các nguồn thu khác của trường để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác thuộc phạm vi quản lý của trường. Với công tác tổ chức cán bộ: Thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Nhà trường. Thanh tra công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật: Thanh tra việc thực hiện Luật thi đua, khen thưởng, hướng dẫn của cấp trên và các quy định của trường về công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

Các nội dung thanh tra trên đây, không phát hiện có sai phạm, hạn chế, khuyết điểm nào.

Đánh giá về hoạt động của Ban thanh tra giáo dục:

Về ưu điểm:Hoạt động thanh tra của nhà trường đã thực sự trở thành hoạt động được tổ chức thường xuyên, có sự đồng thuận của cán bộ, giảng viên và học viên; có sự phối hợp tốt giữa các khoa, phòng chuyên môn và các cơ sở liên kết đào tạo với  đoàn thanh tra giáo dục.

 Ban Thanh tra giáo dục của nhà trường gồm có 05 thành viên, có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, trách nhiệm, nghiêm túc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Chế độ cho hoạt động thanh tra giáo dục được vận dụng như giảng viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy (được tính 04 tiết/người/buổi thanh tra, kiểm tra). Các đoàn thanh tra, kiểm tra đều được tạo điều kiện về phương tiện, thời gian để thực hiện nhiệm vụ.

Hoạt động thanh tra đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện quy chế chuyên môn để sửa chữa, khắc phục.

Về hạn chế: Có thời điểm do áp lực trong công tác chuyên môn nên hoạt động thanh tra giáo dục chưa được triển khai theo đúng kế hoạch.

Hoạt động thanh tra định kỳ theo kế hoạch được duy trì thường xuyên và thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, có thời điểm còn mang tính hình thức, chưa thực sự đem lại hiệu quả.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra giáo dục trong thời gian tới, nhà trường đề ra một số giải pháp sau đây:

Đảng ủy, Ban Giám hiệu tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đầu tư về thời gian và kinh phí cho hoạt động thanh tra giáo dục.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định, quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của nhà trường; về ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; về vị trí, vai trò của hoạt động thanh tra giáo dục…

Lựa chọn cán bộ, giảng viên có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh, khách quan; am hiểu về nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý… tham gia làm thành viên Ban thanh tra giáo dục.

Ban thanh tra giáo dục chủ động tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo trường trong xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra giáo dục đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng kế hoạch và xử lý, khắc phục kịp thời các hạn chế, khuyết điểm của kết luận thanh tra, kiểm tra.

Duy trì thường xuyên hoạt động thanh tra định kỳ theo kế hoạch. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và các cơ sở liên kết đào tạo.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện công tác thanh tra giáo dục tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị sau đây:

Đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

- Đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bổ sung Quy chế thanh tra giáo dục ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung công tác thanh tra, cơ cấu, tổ chức của Ban thanh tra giáo dục, chế độ, chính sách cho các thành viên Ban thanh tra giáo dục…

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có Quy chế thanh tra giáo dục ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, nội dung công tác thanh tra ở trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định rõ nên việc thực hiện còn lúng túng. Cần xác định rõ hoạt động thanh tra ở các trường chính trị là thanh tra giáo dục hay thanh tra của thủ trưởng; cơ cấu, tổ chức của Ban thanh tra giáo dục (bao nhiêu thành viên, Trưởng ban thanh tra giáo dục là Trưởng phòng NCKH-TT-TL hay là Trưởng phòng Đào tạo hoặc Trưởng khoa, phòng khác?); chế độ, chính sách cho các thành viên Ban thanh tra giáo dục…

- Duy trì tổ chức Hội nghị, tập huấn công tác thanh tra hàng năm để bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra, tạo sự thống nhất trong hệ thống các trường chính trị.

Đối với Ban Thanh tra của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đề nghị tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và trao đổi kinh nghiệm hoạt động thanh tra, kiểm tra để các trường chính trị có điều kiện thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra của đơn vị mình.

Một lần nữa khẳng định rằng hoạt động thanh tra giáo dục ở trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một hoạt động quan trọng trong việc bảo đảm kỷ cương, nề nếp và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Tin tưởng rằng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, hoạt động thanh tra giáo dục tiếp tục đạt được chất lượng, hiệu quả hơn nữa, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay./.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=hoat-dong-thanh-tra-giao-duc-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-thuc-trang-va-giai-phap
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com