Thứ sáu, 25.11.2016 GMT+7

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ Ở CÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CẤP TỈNH HIỆN NAY

Đang nung nấu chủ đề viết bài Nội san số tháng 11- 2016 và kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Trường Đảng của tỉnh, ngày truyền thống của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, chợt có tiếng gõ cửa, tôi mời vào, cô văn thư lễ phép thưa: báo và công văn trong ngày của chú ạ, tôi cảm ơn cháu và mở tập công văn mới đến ra đọc; rất nhiều loại, nào là giấy mời dự bế giảng lớp cao cấp lý luận chính trị khóa 2014 - 2015; Quyết định ban hành thể lệ “Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Phú Thọ lần thứ 2, năm 2016”; Thông báo phân công nhiệm vụ thành viên Ban Tổ chức “Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Phú Thọ lần thứ 2, năm 2016” và sau cùng là bản sao gửi thông báo chức danh và giới thiệu chữ ký của các đồng chí tân Hiệu trưởng các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

ThS. Đỗ Đức Lương - Phó Hiệu trưởng phát biểu bế mạc Hội thảo khoa học tháng 9/2016

Tôi hăm hở, vui mừng đọc từng thông báo một, thầm chúc mừng các đồng chí tân Hiệu trưởng của các trường bạn được cấp ủy địa phương tin tưởng, tín nhiệm giao trọng trách mới; các đồng chí đều từ các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường chính trị các tỉnh. Làmột cán bộ quản lý trường học và giảng dạy lý luận chính trị ở trường chính trị tỉnh lâu năm, kể từ khi làm Trưởng phòng Giáo vụ -Tổ chức vàkhi làm Phó Hiệu trưởng TrườngChính trị,tôi đã có 18 lầndự Hội nghị tổng kết năm học cũ và triển khai nhiệm vụ năm học mới tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để lĩnh hội sự chỉ đạo về triển khai thực hiện ở trường. 18 lần dự Hội nghị được nghe báo cáo tổng kết năm học của Học viện và báo cáo tổng kết công tác các trường chính trị, tôi luôn tâm đắc vì 63 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, ghi nhận thành tích của hệ thống các trường chính trị của cả nước trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hệ thống chính trị của đất nước; ghi nhận, biểu dương sự tận tụy, tận tâm với nghề của đội ngũ các nhà giáo giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại các Đại hội thi đua yêu nước của Học viện và tổng kết năm học do Vụ Các trường chính trị - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minhbáo cáo, nhiều nhà giáo làm công tác quản lý ở các trường chính trị tỉnh, thànhđược nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện, nhiều trường được tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc, đây thực sự là niềm tự hào của các nhà giáo, những người trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị - hành chính ở các trường chính trị. Song, nhiều năm nay cứ mỗi lần nhận thông báo chức danh và thông báo chữ ký tân Hiệu trưởng, Hiệu phó của các trường chính trị bạn tôi thấy một thoáng chạnh lòng - vì sao trong đội ngũ các nhà giáo giảng dạy lý luận chính trị, hành chính, dân vận, xây dựng Đảng trong các trường chính trị được đào tạosâu vềchuyên môn, nghiệp vụ lý luận chính trị, phương pháp giảng dạy tích cực, thạc sỹ có, tiến sỹ có lại ít xuất hiện tên trên các công văn thông báo chức danh như vậy? Đâu là lý do? Tôi mạo muội tự đi tìm lời giải cho chính suy nghĩ của mình.

Thứ nhất, từ chính các trường do tập trung cao độ mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị của địa phương, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn phục vụ các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động quản lý, giảng dạy của nhà trường nên chưa quan tâm nhiều đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý trong trường, do vậy, luôn tạo khoảng trống và hẫng hụt trong giai đoạn chuyển giao thế hệ.

Thứ hai, mặc dù trường chính trị cấp tỉnh được xác định là đơn vị sự nghiệp của Đảng ở địa phương (Trường Đảng của tỉnh) nhưng lãnh đạo nhà trường chưa thực sự mạnh dạn tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà trường một cách căn cơ, bài bản.

Thứ ba, đội ngũ lãnh đạo các khoa, phòng chuyên môn của trường chính trị thường đồng lứa tuổi, trình độ đào tạo và năng lực quản lý chuyên môn theo chức trách nhiệm vụ, nên cũng gặp những trở ngại nhất định trong quá trình sàng lọc, lựa chọn, bồi dưỡng, suy tôn để tạo nguồn từ sớm, từ xa.

Thứ tư, theo cơ chế hiện hành hệ thống trường chính trị cấp tỉnh (trường Đảng ở địa phương) không có cơ quan quản lý nhà nước cấp trên trực tiếp trong khi Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ là cơ quan hỗ trợ giúp đỡ, hướng dẫn về chuyên môn và cung cấp tài liệu, giáo trình phục vụ cho dạy và học, do vậy không thể hiện được vai trò trong công tác tổ chức nhân sự của các trường chính trị cấp tỉnh.

Từ những vấn đề trên tôi mạnh dạn nêu lên suy nghĩ của mình trong việc sàng lọc, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà giáo có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, năng lực quản lýgiỏi để đủ các điều kiện bổ nhiệm tại chỗ các vị trí quản lý trường chính trị cấp tỉnh.

Một là, Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cơ quan chức năng ở Trung ương cần xem xét, nghiên cứu để có quyết định cơ quan quản lý nhà nước cấp trên đối với hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hai là, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong phạm vi thẩm quyền của mình cần sớm xây dựng nội dung và khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo, quản lý cho các trường chính trị, có kế hoạch làm việc với cấp ủy các tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương trong công tác tổ chức cán bộ của các trường chính trị, đặc biệt là nhân sự chủ chốt.

Ba là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường một cách bài bản, căn cơ, tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ nhà trường từ khâu phát hiện cán bộ, giảng viên trẻ đủ điều kiện đưa vào sàng lọc, đào tạo, bồi dưỡng, giao việc, thử thách, nhận xét, đánh giá nghiêm túc, khách quan thường xuyên hàng năm, trên cơ sở đó chọn được “cột cờ” đưa vào quy hoạch sớm trong độ tuổi trẻ để họ được rèn luyện, có cơ hội thể hiện và khẳng định mình thông qua môi trường, công việc được giao và nhận được tín nhiệm của tập thể Đảngủy,Ban Giám hiệuvà các đồng nghiệp trong nhà trường.

Bốn là, trên cơ sở nguồn đã được lựa chọn kỹ, hội đủ các điều kiện cần và đủ của nhà quản lý, Đảng ủy,Ban Giám hiệu nhà trường cần báo cáo cấp ủy địa phương kế hoạch cụ thể của nhà trường và đề nghị Lãnh đạo tỉnh, thành ủy xem xét đưa vào nguồn luân chuyển về huyện, thành, thị và các sở, ban, ngành của tỉnh để tiếp tục rèn luyện thử thách trong thực tiễn từ 3 đến 5 năm; trên cơ sở kết quả công tác trong thời gian luân chuyển để tỉnh xem xét, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo các sở, ban, ngànhcủa tỉnh nói chung và trường chính trị nói riêng.

Thiết nghĩ trong thời gian tới cùng với sự phát triển đi lên của các trường chính trị cấp tỉnh, nhiều nhà giáo gắn bó với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các trường chính trị cấp tỉnh được ghi nhận và trưởng thành từ chính mái trường mà họ là những tấm gương cổ vũ, động viên thế hệ giảng viên trẻ mới vào nghề yên tâm phấn đấu, rèn luyện và gắn bó lâu dài với trường chính trị - nơi đào tạo cán bộ trong hệ thống chính trị của địa phương./.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=doi-dieu-suy-nghi-ve-chien-luoc-dao-tao-boi-duong-can-bo-quan-ly-o-cac-truong-chinh-tri-cap-tinh-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com