Thứ tư, 23.11.2016 GMT+7

ĐỔI MỚI ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG DẠY VÀ HỌC CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ HIỆN NAY

Nhiệm vụ trọng tâm của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ là đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ đương chức và dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học thông qua việc đánh giá hoạt động dạy của giảng viên và học của học viên trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường.

ThS. Nguyễn Văn Sách - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị tỉnh Phú Thọ lần thứ nhất - năm 2016

Hoạt động dạy và học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính là quá trình tổ chức, truyền tải một cách cơ bản, có hệ thống về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Đánh giá hoạt động dạy và học là quá trình hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả công việc dựa vào phân tích những thông tin thu được từ người dạy và người học, đối chiếu với những mục tiêu, tiêu chuẩn đề ra nhằm đề xuất những biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng dạy và học.

Trong những năm qua, hoạt động dạy và học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đã từng bước được đổi mới cả về nội dung, phương pháp, cách thức quản lý cũng như đánh giá. Việc đánh giá được thực hiện một cách toàn diện ở cả hai phía: Giảng viên (chủ thể hoạt động dạy), học viên (đối tượng học) với các tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạchvà khách quan. 

Về giảng viên: Hiện nay trườngcó 43 giảng viên, trong đó 30 giảng viên ở các khoa chuyên môn và 13 giảng viên kiêm chức (Ban Giám hiệu và 03 phòng chức năng). Trình độ, Thạc sỹ: 38/43 giảng viên (chiếm 88,4%); 02 giảng viên đang đào tạo Tiến sỹ. Thực hiện nhiệm vụ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao, hàng năm Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đào tạo, bồi dưỡng từ 60 - 70 lớp, trong đó có từ 30 - 40 lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (cả chuyển tiếp và mở mới). Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nói chung, đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nói riêng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm đến chất lượng giảng dạy của giảng viên thông qua việc đánh giá phong cách giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhà trường.

Phong cách là sự biểu hiện bản chất, những tính cách bên trong của con người hay nói cách khác phong cách là “hình thức” để thể hiện “nội dung”. Vì vậy, có thể hiểu phong cách của mỗi cá nhân được thể hiện qua hai yếu tố: Hình thức và nội dung. Do đó, khi đánh giá về phong cách giảng dạy của giảng viên, nhà trường cũng đánh giá trên 2 tiêu chí: Hình thức và nội dung kiến thức của giảng viên.

Về hình thức: Xuất phát từ đặc thù của giảng dạy lý luận chính trị - hành chính và đối tượng học viên, để bài giảng trên lớp có hiệu quả, trước hết người giảng viên phải chú ý đến trang phục của mình: trang phục phải phù hợp, lịch sự, không lòe loẹt cầu kỳ nhưng cũng không quá đơn giản, luộm thuộm, cẩu thả. Trang phục phải thể hiện sự tôn trọng đối với học viên. Tác phong phải bình tĩnh, từ tốn, chủ động, tự tin, không vội vàng hấp tấp, ngôn ngữ diễn đạt phải rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, logic, truyền cảm. 

Sắc thái biểu cảm: Hoạt động giảng dạy lý luận chính trị là định hướng nhận thức và tạo lập lòng tin cho người học về những quan điểm, chủ trương, chính sách, kỹ năng nghiệp vụ công tác. Do đó, trong quá trình giảng bài, giảng viên cần có những sắc thái biểu cảm phù hợp với nội dung bài giảng, thể hiện rõ thái độ, ý thức chính trị của mình về vấn đề đang trình bày, song cần tránh bày tỏ thái độ thái quá (bức xúc, tức giận hoặc ủy mị, buông xuôi).

Lựa chọn phương pháp giảng dạy: Giảng viên phải sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học (truyền thống và tích cực), song tùy thuộc vào đối tượng học viên mà giảng viên lựa chọn phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Nhiều người cho rằng đổi mới phương pháp dạy học là chuyển đổi từ sử dụng bảng đen, phấn trắng sang sử dụng máy chiếu và trình chiếu, mà đổi mới phương pháp dạy học thực chất là phát huy ưu điểm của phương pháp truyền thống đồng thời kết hợp vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực (Hỏi – đáp, làm việc nhóm, sàng lọc…). Điều đó không chỉ làm thay đổi cách dạy của thầy mà còn làm thay đổi cách học của học viên. Vì vậy, nhà trường yêu cầu giảng viên phải lấy người học làm trung tâm, giảng viên có nhiệm vụ hướng dẫn, gợi mở và kết luận vấn đề, hệ thống những kiến thức cơ bản, trọng tâm, hơn nữa hoạt động giảng dạy của giảng viên không chỉ làtruyền thụ kiến thức, mà còn là tổ chức, định hướng giúp học viên từng bước nâng cao năng lực tư duy và năng lực hành động. Sự tương tác giữa thầy và trò sẽ tạo nên không khí dân chủ, nhẹ nhàng, thoái mái của tiết học, không áp đặt một chiều.

Về nội dung kiến thức: Giảng viên phải có kiến thức cơ bản, chuyên sâu về môn học, phần họcmình giảng dạy. Nội dung kiến thức phải đảm bảo cơ bản, chính xác, không trái với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, giảng viên không chỉ trang bị kiến thức trong phạm vi môn học, phần học mà đòi hỏi phải có kiến thức chung về các lĩnh vực của đời sống xã hội, biết vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách sáng tạo, linh hoạt, không khiên cưỡng, tạo lập được lòng tin của người học về những kiến thức họ được tiếp cận. Sự chủ động về kiến thức và sử dụng nó một cách hợp lý, phù hợp với đối tượng tạo nên sức hút của bài giảng đối với người học đồng thời cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp về phong cách của giảng viên. Thực tế cho thấy, có những giảng viên được đào tạo trình độ như nhau, thực hiện cùng một bài giảng ở cùng một đối tượng nhưng hiệu quả khác nhau: giảng viên này giảng, học viên cảm thấy cuốn hút, dễ tiếp thu, ngược lại giảng viên kia giảng lại có cảm giác nhàm chán, khô khan, khó hiểu. Điều làm nên sự khác biệt này chính là phong cách giảng dạy của họ khác nhau. Phong cách là một phạm trù khá trừu tượng, không thể định hình được các tiêu chí cụ thể mà nó bao gồm rất nhiều yếu tố hợp thành: trang phục, lời nói, ánh mắt, thái độ, tác phong, ứng xử, hàm lượng tri thức trong các kiến thức được giảng giải phân tích, cách truyền đạt, dẫn dắt vấn đề, thậm chí chỉ là những ví dụ điển hình được gắn với bài giảng với một lối trình bày hóm hỉnh, chừng mực cũng tạo nên những hiệu ứng tốt.

Trong những năm qua, cùng với việc quan tâm tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên của nhà trường, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ thường xuyên yêu cầu đội ngũ giảng viên rèn luyện phong cách của giảng viên trường chính trị, rèn luyện phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, tự giác, tự trọng nghề nghiệp, say mê, trách nhiệm để mỗi người thầy thực sự là một tấm gương không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn là những tấm gương về phong cách ứng xử văn hóa. Chính vì vậy, đội ngũ giảng viên nhà trường trong nhiều năm qua đã hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy với chất lượng tốt; nhiều thầy, cô là những tấm gương điển hình về phong cách làm việc khẩn trương, khoa học, nghiêm túc, xử lý tình huống có lý có tình, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, được học viên quý mến, ghi nhậnvà đánh giá cao. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ thực sự là địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh Phú Thọ.

Đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên, nhà trường dựa vào các tiêu chí sau:

Thứ nhất, công tác chuẩn bị giáo án. Giáo án của giảng viên vừa là phương tiện, công cụ của giảng viên khi lên lớp đồng thời là cơ sở để Ban Giám hiệu kiểm tra chất lượng chuyên môn của giảng viên. Vì vậy, việc chuẩn bị giáo án kỹ lưỡng, chu đáo có ý nghĩa quyết định sự thành công trong mỗi bài giảng. Để đánh giá chất lượng giáo án, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Về kiến thức: Khi soạn giáo án, giảng viên phải nghiên cứu kỹ giáo trình để nắm được kết cấu, nội dung bài, nghiên cứu các tài liệu liên quan để cập nhật thông tin mới, mở rộng kiến thức, làm cho bài giảng phong phú, có ví dụ minh họa để bài giảng tăng tính thuyết phục, sinh động. Nội dung giáo án ngắn gọn nhưng phải đầy đủ, đúng về kiến thức, rõ các ý chính. Kiến thức trong giáo án phải chính xác, phù hợp với đối tượng người học.

 Xác định đúng mục tiêu bài giảng và đối tượng người học: Đây là cơ sở quan trọng để giảng viên lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp. Khi xác định mục tiêu bài giảng cần chú trọng đến 2 vấn đề: Trang bị kiến thức, kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho người học. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần nắm vững thông tin cơ bản của người học như độ tuổi, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác, nền học vấn và đặc biệt là sự mong muốn, sự quan tâm của họ khi tham gia lớp học. Việc xác định được đối tượng người học cũng là một yêu cầu quan trọng để giảng viên xác định khối lượng kiến thức cần cung cấp và phương pháp truyền đạt phù hợp.

Xác định trọng tâm bài giảng: Mỗi chuyên đề bài giảng đều có phần trọng tâm – là phần thể hiện nội dung chính của bài, đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian, kiến thức để làm rõ. Xác định được trọng tâm bài giảng giúp cho giảng viên phân bổ thời gian hợp lý, tương xứng.

Hình thức giáo án: Giáo án phải được soạn theo đúng mẫu của Học viện quy định, đủ các bước lên lớp, đảm bảo tính khoa học, trình bày đẹp.

Thứ hai, thực hiện bài giảng trên lớp. Việc đánh giá chất lượng bài giảng trên lớp của giảng viên, nhà trường tập trung vào một số nội dung:

Kiến thức chuyên môn: Bài giảng phải thể hiện đầy đủ, đúng và chính xác các kiến thức cơ bản, trọng tâm, gắn lý luận với thực tiễn, đảm bảo tính logic, định hướng cho người học cả về nhận thức lý luận và kỹ năng công tác.

Hình thức thể hiện: Giảng viên phải chủ động với bài giảng, bao quát lớp học, tác phong bình tĩnh, tự tin, ngôn ngữ diễn đạt phải rõ ràng, trong sáng, dễ hiểu, rành mạch. Trang phục phải gọn gàng, lịch sự.

Phương pháp giảng dạy: Sử dụng các phương pháp, phương tiện giảng dạy phù hợp, linh hoạt. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực có sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại, phát huy tính tích cực chủ động của người học. Sử dụng các hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ hợp lý, có chọn lọc.

Thứ ba, rút kinh nghiệm sau giảng bài. Sau mỗi bài giảng, giảng viên phải dành thời gian suy nghĩ tìm ra những hạn chế trong giáo án cũng như trong quá trình giảng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bài giảng. Công việc này phải được các giảng viên thực hiện thường xuyên.

Việc đánh giá phong cách của giảng viên được thể hiện qua thanh tra, kiểm tra định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất; qua thao giảng, dự giờ; qua nhận xét của Ban chỉ đạo lớp học, của lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở liên kết đào tạo và qua ý kiến phản hồi của người học; qua các bài thi, thu hoạch và viết khoá luận tốt nghiệp của học viên.

Về học viên: Đểđánh giá việc học của học viên, trước đây chủ yếu thường dùng một tiêu chí duy nhất là kết quả điểm các môn học, phần học. Điểm là kết quả cuối cùng mang tính định lượng, là cơ sở để xếp loại học viên nhưng điểm còn là kết quả của một quá trình nhận thức của người học từ việc tự học, xác định động cơ, thái độ học tập, lên lớp nghe giảng, ghi chép bài, tham gia thảo luận và cuối cùng là thi. Ngoài ra, học lý luận chính trị không chỉ có học về chuyên môn, tri thức lý luận thu nhận được mà yêu cầu người học phải có ý thức rèn luyện tốt. Vì vậy, khi đánh giá việc học của học viên, cần tập trung vào các nội dung:

Tự học của học viên: Đây là việc người học tự làm việc với chính mình, tự tìm đọc tài liệu, tự học hỏi lắng nghe, tự nghiên cứu bài học, đào sâu suy nghĩ giúp người học có tư duy độc lập, sáng tạo. Tự học là tự đặt mình vào các tình huống cụ thể để giải quyết các vấn đề, tự học là rất cần thiết trong quá trình nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân. Từ thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị trong những năm qua, nhà trường nhận thấy rằng không thể phát huy được tư duy sáng tạo, tính chủ động của người học khi giảng viên chỉ nặng về truyền thụ kiến thức một cách thụ động. Người học đến lớp không chỉ để nghe những lời giảng một chiều mang tính chủ quan từ giảng viên mà họ còn phải đối chiếu với những nhận thức mình có được qua việc tự học, qua thực tiễn công tác, qua giáo trình và tài liệu. Phải có sự tương tác giữa người dạy và người học như vậy mới mang lại hiệu quả, chất lượng của việc dạy và học.

Xác định động cơ, thái độ học tập: Hiện nay, việc học lý luận chính trị của học viên ở các trường chính trị nói chung và ở Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ nói riêng chưa thực sự là tự nguyện, tự giác học tập để tích lũy kiến thức phục vụ cho công tác mà cơ bản là học cho đủ bằng cấp, đủ tiêu chuẩn phục vụ cho qui hoạch, bổ nhiệm, đề bạt các chức danh lãnh đạo, quản lý là chính. Vì vậy, vấn đề quan trọng của các cơ quan, đơn vị cũng như của từng cá nhân là phải nhận thức được vai trò quan trọng của việc học tập lý luận chính trị để hình thành nhu cầu học tập tự thân của người học chứ không mang tính chất đối phó.

Phương pháp nghe giảng và ghi chép bài trên lớp: Để chủ động tiếp nhận kiến thức bài giảng, học viên phải dành thời gian tự học để nghiên cứu giáo trình, nắm được những nội dung bài giảng sẽ đề cập đến, những vấn đề gì cần trao đổi để hiểu sâu, hiểu kỹ. Thông qua việc ghi chép bài trên lớp của học viên,  có thể đánh giá được tinh thần, thái độ, ý thức học tập của học viên, đồng thời cũng kiểm tra được chất lượng kiến thức của giảng viên. Vì vậy, việc kiểm tra vở ghi của học viên trong các kỳ thanh tra (thường xuyên hoặc đột xuất) của nhà trường được Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ rất quan tâm.

Thi hết môn học, phần học: Điểm của môn học, phần học là kết quả cuối cùng của hoạt động dạy và học được đánh giá qua kết quả thi hết môn học, phần học. Vì vậy, trong tổ chức thi phải đảm bảo khách quan, nghiêm túc, công bằng, phản ánh đúng chất lượng dạy và học, đồng thời cũng cần phải chú ý quy trình chặt chẽ ở tất cả các khâu: từ việc hệ thống giải đáp,duyệt điều kiện dự thi, ra đề, coi thi, chấm thi, lên điểm. Coi trọng các biện pháp thẩm định lại kết quả chấm thi để đảm bảo đánh giá việc dạy và học một cách chính xác. Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ luôn đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá, tăng cường thi vấn đáp, coi thi chặt chẽ. Học viên không được sử dụng tài liệu khi thi. Việc chấm thi được các giảng viên nghiên cứu kỹ đề thi, đáp án, đọc, thẩm định đánh giá trung thực, khách quan, phản ánh đúng chất lượng, thái độ học tập của học viên, không chạy theo thành tích.

Về đánh giá rèn luyện của học viên: Nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ sở liên kết đào tạo để quản lý học viên, giáo dục học viên chấp hành nghiêm túc các qui định, qui chế đào tạo. Giảng viên có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc học viên đi muộn, về sớm, nghe giảng, ghi chép bài, ý thức, thái độ học tập, nghỉ học có báo cáo, có lý do chính đáng. Phối hợp với các đơn vị, cơ quan nắm bắt việc học viên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Định kỳ, 3 tháng 1 lần gửi thông báo về cơ quan, đơn vị có cán bộ cử đi học về ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nội qui, qui chế trường lớp để phối hợp quản lý học viên.

Như vậy, việc đánh giá hoạt động dạy và học Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đã được tiến hành thường xuyên, phối hợp chặt chẽ, có sự đổi mới về phương pháp cũng như tiêu chí đánh giá. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ, kỷ cương trường lớp, uy tín, vị thế của nhà trường từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Phú Thọ.

Đường dẫn của bản tin này: http://truongchinhtritinhphutho.gov.vn//.html&t=doi-moi-danh-gia-hoat-dong-day-va-hoc-chuong-trinh-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-hanh-chinh-o-truong-chinh-tri-tinh-phu-tho-hien-nay
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌEmail: kiencuongtct@gmail.com